CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:47

Nữ nhà báo – được và mất

 

Phóng viên nữ đôi lúc phải dấn thân vào những nơi nhạy cảm 

Hạnh phúc dễ lung lay

Bởi khi chị em đã một lòng dấn thân với nghề thì không những bản thân mà chính chồng con cũng nhận về phần thiệt thòi. Chị Lê H.G, nguyên phóng viên của một tờ báo tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo nghề đã gần 10 năm, mà cuối cùng vẫn phải bỏ. Con cái nheo nhóc, chồng cũng là đồng nghiệp, tuy có thể hỗ trợ nhau về nghề, nhưng việc gia đình thực sự không thể nào cân bằng được”. Chị G. kể, có những khuya chị đi xa công tác, tại địa bàn chồng phụ trách lại xảy ra cháy nổ lớn, buộc anh phải có mặt ở hiện trường. Hai Vợ chồng phải gọi cả chục cú điện thoại, năn nỉ người thân gần nhà sang trông giúp con rồi vừa làm việc, vừa lo ngay ngáy. Còn chưa kể cái nghề làm báo thường đi sớm về khuya, thời gian giờ giấc vô chừng. Chị G. tâm sự: “Nhiều lúc chồng thèm cơm nhà, nhưng cứ về tới là đã qua giờ cơm, cuối tuần muốn gia đình vui vầy sum họp thì lại vướng sự kiện bất ngờ, hay lịch trực, cứ như thế mệt mỏi chất chồng”.

Không chịu nổi áp lực từ gia đình và công việc, đặc biệt là từ sau khi con trai nhỏ ra đời, chị G. đã xin nghỉ. Chị G. cười buồn: “Nhớ nghề lắm em ơi. Nhiều khi thấp thỏm ở nhà dõi theo một vụ việc, rồi tự nghĩ mình mà làm, mà viết chắc sẽ tiếp xúc được với nhiều khía cạnh, góc khuất mà mình tâm đắc hơn. Nhưng đối với hai vợ chồng cùng làm báo, người vợ nghỉ việc có lẽ hợp lý hợp tình. Dẫu sao phụ nữ thường coi con cái quan trọng hơn hết”.

Phụ nữ làm báo có gia đình thì cực một lẽ, với chị em độc thân hạnh phúc lại lung lay theo cách khác. Như chuyện của Nguyễn M.L. phóng viên chuyên viết phóng sự điều tra. Để thu thập tư liệu, những câu chuyện thật và đời, M.L. thường xuyên phải hóa thân vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có chút nhan sắc, M.L. được chọn thâm nhập vào những tụ điểm ăn chơi thác loạn, bia ôm, cà phê mờ ám. M> L kể: “Ban đầu thì bạn trai em rất đồng tình và thông cảm, anh ấy còn sẵn sàng cùng các đồng nghiệp “bám hiện trường” để bảo vệ em. Nhưng được một hai lần anh ấy nản, nói không thích em vào chỗ hiểm nguy. Thì ảnh nói vậy cũng đúng, nhưng sau rồi em phát hiện hóa ra anh ấy ghen”.

Ghen vì tối ngày M.L. phải ăn diện thật hở hang cho đúng với hoàn cảnh, rồi mắt xanh môi đỏ, tóc vàng. Chưa kể, những đêm nóng ruột đợi người yêu vì… “không biết ai làm gì cô ấy trong đó”. M.L. lắc đầu nói: “Em giải thích rồi, là tụi em đi lấy thông tin nên tất cả các va chạm chủ yếu đều có chừng mực và có tay trong bảo vệ, trường hợp ngoài ý muốn rất khó có thể xảy ra. Nhưng anh ấy không tin, cho rằng sau khi xong việc chắc em cũng qua tay bao nhiêu người ôm ấp. Ghen tuông lớn dần rồi đâm ra coi thường bạn gái, rồi chia tay”. Chuyện tưởng đùa mà có thật, cho đến giờ M.L. vẫn chưa dám tiến tới với ai, vì sợ lại gặp phải những điều “không tưởng” chỉ vì quá say mê với nghề.

Để hình ảnh được đẹp, nữ phóng viên hiện trường vẫn phải dang nắng như thường

Nữ phóng viên Đỗ T. M. thì lại khổ theo cách khác. Xinh đẹp, tự tin, thông minh, nhưng M. lại khó kiếm được đức lang quân như ý. Chàng thì cho rằng, M. thông minh, quan hệ rộng, trong nghề nghiệp lại rất quyết liệt sau này sẽ … cầm chồng. Chàng khác lại e sợ nữ nhà báo thường quá đa đoan, sắc sảo, yêu thì được nhưng cưới lo rằng khó vun vén gia đình. M. chia sẻ: “Lý do kỳ cục như vậy mà cũng là lý do. Thôi thì mình cũng đành AQ rằng vì người ta thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, hoặc tình yêu không đủ lớn để chấp nhận mình, chấp nhận nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Bỏ nghề thì chắc chắc là không bỏ, nhưng cô độc mãi vì bị oan kể ra cũng buồn”.

Kể ra như vậy, không phải để nói rằng nữ phóng viên nhà báo muốn hạnh phúc thì phải bỏ nghề. Những trường hợp nêu trên chỉ minh chứng cho một điều, chị em theo nghề báo nhất quyết phải mạnh mẽ, phải đủ tinh thần và chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những trường hợp không hay xảy ra với hạnh phúc của riêng mình. 

Rủi ro thường trực

Những chị em làm báo in, báo điện tử, phải dấn thân thì cơ cực đã rõ. Nhưng với những biên tập viên, phóng viên báo truyền hình, phát thanh đừng thấy vẻ ngoài lên hình rực rỡ mà tưởng đâu việc cũng nhàn. Nữ phóng viên truyền hình, ngoài việc phải gọn gàng dễ nhìn, đôi lúc tác nghiệp còn phải phụ quay phim mang vác chân máy, camera, vượt đường đèo, dốc núi. Biên tập viên truyền hình thì đối mặt với lịch làm việc bất chấp thời gian vì lên sóng liên tục, phát thanh viên cũng chẳng khá hơn.

Nữ phóng viên Mai Hương, hiện đang phụ trách mục tin tức cho tạp chí K.P. cho biết: “Thứ áp lực vô hình của nghề báo là mỗi ngày, anh không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra, sự kiện gì sẽ xảy ra. Nhưng mỗi ngày anh đều phải có cái gì đó mới mẻ. Nhưng cũng cùng một sự kiện, đối với người nam di chuyển, tác nghiệp, dấn thân chắc chắn sẽ dễ dàng hơn vì họ có sức khỏe, còn với nữ đã yếu hơn còn có những ràng buộc không tên”.

Hương thật thà tâm sự, sau 5 năm theo nghề báo, dặm dài với những vùng đất mới, những tin tức nóng đến từng giây, chị thấy mình … xấu già hơn hẳn. Hương cười đùa: “Sau mỗi chuyến công tác về, nghe bạn bè quở sao đen thui là chỉ biết cười trừ. Nhiều khi xức lên mặt một lớp kem dưỡng da, lòng cứ lo nơm nớp ngày mai lỡ có sự kiện gì xảy ra giữa đường là cầm chắc tác nghiệp xong thì ăn nắng. Có lúc muốn điệu một chút khi đi làm, mà nghĩ mặc váy khó xoay trở. Nữ phóng viên, lại theo mảng tin tức thời sự, mau xuống sắc cũng là rất bình thường”. Chuyện nhan sắc nghe có vẻ nhỏ so với những thứ đại loại như sự nghiệp, đam mê, yêu nghề, nhưng ai là phụ nữ hẳn sẽ dễ dàng cảm thông và thấu hiểu.

Nhà báo Thanh Nhung (Báo LĐ&XH) trong một lần đi tác nghiệp ở Tây Bắc            Ảnh MD.

Đã thế, nghề còn tiềm tàng những hiểm nguy không lường trước. Như trường hợp có thật của nữ phóng viên H.A Báo CL&XH tại TP. Hồ Chí Minh, vì viết bài bảo vệ một thai phụ bị hàng xóm đánh suýt sẩy thai mà bị đe dọa suốt mấy tháng liền. Khi H.A. đến nhà thai phụ để thăm nom và tiếp tục lấy thông tin liền bị nhóm côn đồ chặn đường. H. A kể: Lúc đó em sợ lắm, tụi nó cười gằn rồi nói: “Tưởng thằng phóng viên nào hổ báo cáo chồn, chứ con nhỏ này “làm thịt” phát một. May mắn gần đó có chốt dân phòng, em phóng xe nhanh rồi tấp đại vô mới thoát. Một lần sợ tới già, lần sau đi đâu lúc nào cũng nhờ đồng nghiệp cùng đi, cùng làm”.

“Liễu yếu đào tơ”, trên những dặm trường công tác, đeo đuổi thông tin, đôi khi nữ nhà báo còn gặp phải những lời ve vãn, đề nghị khiếm nhã từ nhân vật, hay tệ hơn là cả chính đồng nghiệp. Một nữ phóng viên đã từng là người trong cuộc cho biết: “Những lúc như vậy cần phải cương quyết, bạn nắm trong tay thứ vũ khí rất sắc đó là ngòi bút và tòa soạn báo. Phải nói rõ ràng với những kẻ đó biết rằng bạn sẵn sàng tung hê tất cả lên mặt báo để đòi lại công bằng. Có như thế những kẻ cuồng loạn mới biết sợ mà tĩnh tâm suy nghĩ thiệt hơn”.

Nói đi, cũng phải nói lại, nữ nhà báo đôi lúc lại được lợi thế khi đi khai thác thông tin nhờ sự mềm mỏng, dáng vẻ ưa nhìn hay đơn giản vì họ là phụ nữ. Chị em làm báo, với sự mượt mà, nhạy cảm của mình sẽ khiến bài viết có nhiều khía cạnh khác, sâu lắng hơn, dễ đi vào lòng người đọc hơn. Và có những đề tài đặc thù mà chỉ có phái nữ mới tiếp cận được. Nhưng cái “được” chẳng thấm tháp vào đâu so với sự mất. Có rất nhiều nữ nhà báo thành công, địa vị xã hội vững chắc nhưng dám chắc những gì họ đã trải qua và những điều đang đối mặt là khoảng trống, nỗi buồn không biết tỏ cùng ai!

Là phụ nữ theo nghề báo đa phần đều là những người cá tính và đầy bản lĩnh. Thế nên dẫu khó khăn trước mắt, hiểm nguy tiềm tàng họ vẫn sống với nghề, theo đuổi nghề bằng sự say mê lẫn những lo toan hết sức phụ nữ. Thế nên làng báo vẫn còn những bóng hồng làm đẹp thêm cho đời, đẹp thêm cho nghề. Thôi thì nghề là nghiệp, vẫn mong những nữ nhà báo một tay giữ vững ngòi bút, tay kia giữ vững hạnh phúc cho bản thân và cả gia đình. 

ĐOAN HỒ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh