THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:40

Nữ họa sĩ tụng ca vẻ đẹp đàn bà

 

Họa sĩ Kim Thái

 

Mới rồi họa sĩ Kim Thái đã trình làng triển lãm tranh lụa đầu tiên trong đời sáng tác. Đương nhiên tranh lụa của bà vẫn đi theo chủ đề bấy lâu bà theo đuổi: Phụ nữ khỏa thân. Bất ngờ ở chỗ, những bức tranh lụa được mang ra khoe với đời của Kim Thái đã được bà sáng tác cách đây gần nửa thể kỷ.

Nếu Kim Thái không tiết lộ thời gian “sinh nở” những bức tranh lụa ấy thì người xem khó đoán được. Tranh của bà “mô đéc”  chứ không cũ mèm như thời điểm chúng sinh ra. Bà là phu nhân của điêu khắc gia Lê Công Thành. Cả đời Lê Công Thành cặm cụi với việc khắc họa “báu vật của đời” với lí do đã được ông công bố bằng thơ dạng văn xuôi: “Về già, tôi không canh đền đài họ tộc, chỉ đặt tay mình lên nơi chốn ấy, nơi chốn đã sinh ra tôi và nay mai chính từ nơi ấy tôi sẽ bước vào đời”. Đã rất nhiều người, cả trong giới và ngoài giới nhận xét: Tranh của Kim Thái không thoát được cái bóng Lê Công Thành. Có những bức tranh như bước ra từ tượng của người chồng, cũng là người thầy, bà rất đỗi yêu thương và kính trọng.  Nhưng  chồng bà, nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Công Thành không nghĩ vậy. Ông thấy Kim Thái vẽ nude theo lối riêng và hẳn nhiên là đẹp: “Tranh của Thái rất chi là tuyệt. Bà không theo trường phái nào cả, vẽ rất vô tư, không có ý vẽ để phô bày, như một đứa trẻ con thích vẽ”. Nếu xem tranh lụa của Kim Thái trong triển lãm tháng 3 vừa qua, không ít người thưởng ngoạn sẽ đồng ý với Lê Công Thành và đặt lại câu hỏi: Có lẽ bao năm qua, người ta đã nghĩ nhầm về Kim Thái? Hình như cái sở thích vẽ khỏa thân đã tiềm ẩn trong Kim Thái như bản năng, đâu phải chờ đến khi Lê Công Thanh ở ẩn mấy chục năm chuyển niềm say mê từ tượng đài sang tượng salon rặt những bộ phận nhạy cảm của chị em thì Kim Thái mới vập “cơn nghiện” vẽ đàn bà nude? Không ai tưởng tượng được 40 bức tranh lụa khoe trong triển lãm đã được người đàn bà 75 tuổi này vẽ từ những năm 70 đến những năm 90 của thế kỷ XX. Bà vẽ vì ham thích, vẽ xong cất đi. Bởi những năm tháng ấy, vẽ tranh khỏa thân không ai mua, để mưu sinh, Kim Thái vẽ cô gái chơi đàn mang bán, nhóc nhách sống và bám nghề. 

 

 

Hỏi nữ họa sĩ đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” theo quan niệm của người xưa, vì sao vẫn tiếp tục vẽ đàn bà khỏa thân thì bà đáp giản dị: “Tôi không vẽ khỏa thân, tôi chỉ vẽ người đàn bà nguyên thủy”. Nếu ai đã từng say mê người đẹp trong nhạc Trịnh “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”, hẳn sẽ thất vọng khi xem tranh Kim Thái. Người đàn bà trong tranh của bà đẹp lồ lộ, hồn nhiên, những tấm thân dù đang xuân thì hay đã trải qua cơn vượt cạn đều có vẻ phì nhiêu trong sáng. Là đàn bà nên Kim Thái thương đàn bà chăng mà bức tranh nào cũng ấm áp, yên bình. Ngay cả bức về thân phận đàn bà cũng vẫn cứ thấy nâng niu, nhẹ nhàng đến lạ. Họa sĩ Lê Đình Nguyên (Nguyên “trâu”) một lần đến thăm Kim Thái đã ngạc nhiên bình: “Ở tuổi này hiếm có nữ họa sĩ nào sáng tác dồi dào như Kim Thái”. Tuy nhiên người làm điêu khắc động đầu tiên ở Việt Nam đã góp ý Kim Thái một chi tiết nhỏ, giảm bớt tông màu ở “đầu nhũ hoa” trong bức tranh. Kể cũng đúng, bộ ngực phụ nữ dẫu đang độ e ấp, trinh nguyên cũng khó mà đỏ rực như son giống như trong tranh Kim Thái. Nhưng nữ họa sĩ  chỉ cười, không sửa: “Nếu cần người đàn bà giống như đời thực thì nhiếp ảnh đã làm rồi, cần chi đến hội họa”. Càng già tranh của Kim Thái càng trẻ, đó mới là điều lạ: “Tranh tôi không u tối, bởi cuộc đời dù thế nào thì cái đẹp vẫn là bất biến”. Trong tranh của bà cũng thấp thoáng bóng dáng đàn ông  nhưng sự xuất hiện của họ cũng chỉ làm nền cho sự tỏa sáng và đam mê của đàn bà.

 

Cái đẹp trong tranh của Kim Thái là bất biến.

 

Hiếm có một nam họa sĩ nào chưa từng vẽ đàn bà khỏa thân, chỉ là anh ta thích công bố hay không mà thôi. Nhưng nữ họa sĩ nghiện vẽ đàn bà khoả thân lại hiếm. “Vẻ đẹp của đàn bà ai cũng phải ca ngợi, đừng phân biệt nam họa sĩ hay nữ họa sĩ”, Kim Thái nói vậy. Chẳng lẽ sự đố kỵ bản năng của đàn bà không tồn tại ở nữ họa sĩ hay sao? Bà cười: “Phải vượt lên, đừng mang con mắt đàn bà quá khi nhìn đồng loại”. Nhưng ngắm tranh Kim Thái người tinh vẫn nhận ra, những người đàn bà phơi bày phồn thực ấy không mang màu nhục cảm. Đúng kiểu đàn bà vẽ đàn bà. Kim Thái tâm sự, cũng mời mẫu nude tới nhà nhưng mẫu nude cộng tác với bà cực nhàn. Bà chỉ cần ngắm nghía cơ thể của họ, trò chuyện với họ, chụp vài kiểu ảnh… là xong, không cần họ ngồi hàng giờ làm mẫu: “Tôi vẽ bằng tưởng tượng”. Thế nên, có thể nói tranh của Kim Thái không có nguyên mẫu. Bà cóp nhặt trong cuộc đời những ánh mắt, bờ môi, những đôi tay, bờ vai… gợi cảm và thổi vào tác phẩm của mình trong mỗi cuộc thăng hoa.

 

 

Kim Thái không thích làm triển lãm. Tính bà lâu nay vẫn thế. Hiền hậu, ôn hòa, ngại phô trương. Kim Thái ít ra ngoài. Những lần hiếm hoi ra ngoài của bà thường là để tháp tùng đức ông chồng nổi tiếng, nhà điêu khắc Lê Công Thành. Chính sự hết mình chăm chút cho chồng, khiến nhiều người quên mất Kim Thái là một họa sĩ độc lập. Có một điều lạ, lối sống vợ chồng Lê Công Thành - Kim Thái tưởng  hơi dị so với đời nhưng rất được lòng các đại gia. Mấy năm trước, tượng của Lê Công Thành bất ngờ được một nữ đại gia “thầu” toàn bộ, mang bày ở khu vườn trong gia đình. Lê Công Thành - Kim Thái mừng rơn, không hẳn chỉ vì khoản tiền nhận được mà vì tượng được ngự ở một nơi xứng đáng. Thỉnh thoảng ông bà lại được mời đến thăm “đàn con” đã gả bán.  Lê Công Thành và Kim Thái lâu nay thống nhất: Không ra giá những đứa con tinh thần của mình. Giá cả bao nhiêu tùy thuộc người mua là ai, thiện chí thế nào. Có trường hợp khiến hai vợ chồng cảm động, họ sẵn sàng tặng không tác phẩm của mình. Lần này triển lãm tranh lụa của Kim Thái mở ra cũng nhờ sự động viên, khuyến khích của một vị đại gia. Có thể vì mở triển lãm một cách ngẫu hứng nên  cả 40 bức tranh lụa đều trong tình trạng chưa được đặt tên (cũng có thể tranh không tên là ý tưởng của họa sĩ) song lại đính kèm chú thích, kích thích tò mò: Đã bán. Hỏi ra mới hay: Vị đại gia vì ngỡ ngàng với vẻ đẹp trong tranh lụa của Kim Thái đã ngỏ lời với họa sĩ, cứ để toàn bộ tranh lụa của bà để chàng lo. Sau triển lãm, đại gia đã rước 40 bức tranh lụa của Kim Thái về dinh cơ của mình. Chàng hứa hẹn: Sẽ kêu gọi bạn bè mua tranh của họa sĩ. Đương nhiên, Kim Thái để chàng mang “đàn con” đi. Đó là ứng xử thường xuyên của bà. Có lần, bà từng để người bạn Phần Lan mang cả phòng tranh về nước, khi nào có tiền sẽ gửi trả họa sĩ sau. Kim Thái bán tranh theo kiểu đặt cược bằng niềm tin là chính. Khách nước ngoài hay trong nước bà đều đối đãi như nhau, miễn là họ thực sự yêu nghệ thuật. Khi tình hình kinh tế khó khăn, cách làm không toan tính của Kim Thái có khi lại là hướng đi hay. Có những họa sĩ tên tuổi suốt hai năm trời chưa bán nổi một bức tranh, có những họa sĩ trẻ đã phải đổi nghề để mưu sinh dù vẫn mê cây cọ. Tranh của Kim Thái vẫn bán được. Bây giờ Kim Thái không còn “chơi” tranh lụa. Dạo này bà quay sang sơn mài và đương nhiên bà vẫn tiếp tục vẽ đàn bà nude.

HỒNG DIỆU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh