THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:25

Lên chức bà vẫn chưa bỏ nghề

Mỗi nhà mỗi cảnh...

Chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến bãi hóa trường ga Vinh, nơi có hàng chục phụ nữ làm nghề bốc vác. Những chiếc xe tải cồng kềnh hàng, ra vào ầm ầm. Không quản gian nan, nặng nhọc, họ vác từng bao hàng nặng trĩu trên đôi vai gầy như những nam thanh cường tráng.

 Các thành viên trong đội bốc vác số 2 thuộc Cty TNHH Song Long đều đã cứng tuổi, người nhỏ nhất gần 30, người nhiều ngấp nghé 60. Nhiều gia đình, cả vợ, chồng, anh em, dâu, rể đều là   công nhân bốc vác. Với họ, bốc vác là công việc nuôi sống cả gia đình và nhờ đó, con cái họ mới được  đến trường.

Phụ nữ bê vác khối lượng không thua kém nam giới.

Gia đình chị Đặng Thị Huệ (sinh năm 1976) có nhiều người làm phu bốc vác ở ga Vinh. Đã nhiều năm rồi, vì mưu sinh, chị cùng chồng là anh  Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1975), trú khối 15, phường Cửa Nam, cùng em chồng và nhiều anh em khác bám trụ ở khu ga này, mong những chuyến tàu chở đầy hàng đến và đi.

Chị Huệ tâm sự: “Chúng tôi ở ven thành phố, ruộng đồng không có nên hầu hết cả khu dân cư làm nghề tự do, chủ yếu là bốc vác thuê kiếm sống”. Nhà chị Huệ nghèo lắm, vì thế chị không được học hành đến nơi đến chốn. Không kiến thức, không nghề nghiệp, ruộng vườn không có, vốn cũng không, lớn lên chị chỉ biết làm mỗi nghề bốc vác thuê để kiếm sống.

Rồi chị lấy chồng cũng làm nghề bốc vác, anh em bên chồng cũng vậy. Đã đôi lần vợ chồng chị muốn đổi nghề, đi làm ăn xa thì con cái nheo nhóc, thất học, không muốn hai con khổ như bố mẹ, chị Huệ động viên chồng cố đeo bám nghề bốc vác tại ga để các con không bị xáo trộn chuyện học hành. 

Các chị bốc vác hàng từ đại lý, sau đó theo xe đến ga Vinh để chuyển hàng lên tàu.

Bà Nguyễn Thị Liên, ở cùng khối 15 với chị Huệ, hơn 30 năm làm nghề bốc vác tại ga, giờ đây sức lực cạn kiệt. Vừa lom khom vác hàng, đưa tay quệt những giọt mồ hôi, vừa hổn hển nói: “Việc này là quá sức với phụ nữ, nhưng vốn buôn bán chẳng có, nghề cũng không, chúng tôi đành gắng gượng bốc vác chứ cũng nhọc lắm”.

Chị Nguyễn Thị Vân, trú khối 13 (phường Lê Lợi) băn khoăn: “Nhà nghèo, không nghề ngỗng gì nên tôi chấp nhận làm phu bốc vác. Nhiều bữa đi làm về tới nhà chân tay rã rời, đôi vai tê cứng, mắt không muốn mở, tôi chỉ kịp tắm rửa, ăn vội miếng cơm rồi lăn ra ngủ.

Sáng sớm thức dậy chuẩn bị đồ ăn để mang vào ga, chờ những chuyến hàng tiếp theo. Cha mẹ tối mặt tối mày suốt ngày, không có thời gian quan tâm đến việc học của con, tôi cũng lo lắng, nhưng bỏ nghề thì lấy gì mà sống?”.

Được vất vả là... may!

Theo lời bà Liên, để được làm nghề thì các phu nữ dù mệt nhọc đến mấy cũng phải cố tỏ ra mình còn trường sức, đàn ông vác nặng chừng nào thì các bà, các cô phải vác từng đó. Vì vậy, tiền lương của phu nữ và nam ngang bằng nhau.

Tiền công hạn hẹp, các chị chuẩn bị đồ ăn mang theo để tiết kiệm chi phí.

Bà Liên chia sẻ: “Sức chịu đựng của phụ nữ chắc chắn không bằng nam giới, bởi họ trải qua sinh nở, lại làm việc nặng nhọc nên càng lắm bệnh. Thế nhưng, trừ khi bệnh nặng thì chúng tôi mới nghỉ, nếu chỉ cảm cúm qua loa thì bảo nhau gắng gượng, vì nghỉ buổi nào mất tiền buổi ấy”. 

Nhiều phu nữ tâm sự, không phải lúc nào cũng may mắn có hàng về ga để được làm việc. “Có hàng thường xuyên là vui nhất, vì như thế chúng tôi mới có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống gia đình”, chị Huệ nói vậy. Theo lời chị Huệ,  những phu nữ ở ga Vinh chưa một lần than vãn về chuyện hàng đóng bao quá tải, hay hàng về dồn dập, về đêm hôm.

Cuộc sống khốn khó và ai cũng muốn làm việc, thế nên mỗi khi tàu về, xe hàng vừa đến, tổ trưởng chỉ ới một tiếng là các chị vội khoác áo, bịt khẩu trang rồi nghiêng vai đỡ hàng gần như gấp đôi trọng lượng cơ thể lên tàu, xuống xe.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Giám sát ga Vinh, cho biết, tại ga Vinh có gần 40 phụ nữ làm nghề bốc vác. Một ca làm việc trọn vẹn của những phu nữ có khi lên đến 15 giờ. Mỗi ca như thế, các chị được trả từ 200-250.000 đồng, tùy theo trọng lượng từng mặt hàng.

Để có thời gian cho các nữ nhân công nghỉ ngơi, Cty TNHH Song Long đã chia thành 4 đội thay phiên nhau bốc vác. “Nhà ga không quản lý về lương, thưởng nhưng do họ làm việc trong hóa vận của ga nên chúng tôi buộc phải kiểm soát, tất cả đều phải có lí lịch rõ ràng, bảo đảm an toàn hàng hóa. Tuy nhiên, việc quản lý chỉ nhằm bảo đảm về nguyên tắc, chứ mấy chị, mấy cô bốc vác trong ga đều làm việc cần mẫn và rất thật thà”, ông Thanh cho biết.

Lên chức bà vẫn chưa bỏ nghề

Biết rằng, nghề bốc vác chỉ dành cho phái mạnh, nhưng vì cuộc sống, vì gia đình, con cái nên các phu nữ phải oằn đôi vai gầy để cõng hàng chục tấn hàng lên xe, xuống tàu. Nhiều người làm nghề khi còn trẻ, rồi mải lam lũ mưu sinh, đến khi chợt nhớ ra, quan tâm đến sức khỏe của mình thì tóc đã điểm bạc.

Trong số những phu nữ ở ga Vinh, ông Thanh cho biết, có người đã lên chức bà ngoại, bà nội, nhưng vẫn chưa thể bỏ nghề. Cố giấu sự vất vả, bà Đậu Thị Yến (54 tuổi, ở khối 15, phường Cửa Nam, TP. Vinh), giãi bày: "Bây giờ có tuổi, biết là sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng chẳng lẽ chúng tôi nghỉ việc để trở thành gánh nặng cho con cái.

Thôi thì cố làm đến khi mô không ai thuê bốc vác nữa mới dừng". Cố làm để có tiền chi tiêu hàng ngày, đó cũng là tình cảnh chung của những phu nữ ở ga Vinh.

 Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng ga Vinh, cho biết: “Trước đây có đội bốc xếp 306 thuộc nhà ga, nhưng từ năm 2009 đã giải tán. Hiện tại, việc bốc xếp ở hóa trường được ga Vinh hợp đồng với Cty TNHH Song Long.

Qua quan sát, tôi thấy các phu nữ rất vất vả, họ làm hợp đồng mùa vụ, có hàng thì làm, nhận thù lao, không có hàng thì ngồi chờ, bảo hiểm không có, công đoàn cũng không, tội lắm...”.

Hoàng Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh