THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:19

Phụ nữ khuyết tật khó tiếp cận giáo dục, việc làm

Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vừa tổ chức hội thảo chia sẻ những kết quả nghiên cứu “Rào cản giới trong tiếp cận dịch vụ với người khuyết tật”. Nghiên cứu này được Dự án “Hỗ trợ An sinh xã hội tại Việt Nam” hỗ trợ thực hiện.


 

Hiện, Việt Nam có số lượng người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số (hơn 6,1 triệu người, trong đó có 3,6 triệu là nữ).  Khoảng 60% NKT trong độ tuổi lao động, 4,6 triệu người đang sống ở khu vực nông thôn (chiếm 75,5%). Điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng của NKT còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhóm NKT, phụ nữ trưởng thành và trẻ em gái vẫn chịu thiệt thòi hơn nam giới khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật thường có nguy cơ nghèo đói cao dẫn đến việc họ thiếu tiếp cận cơ hội giáo dục và đào tạo kỹ năng. Nữ khuyết tật thường gặp khó khăn do tự ti vì khuyết tật của mình và thường không kết hôn, sống đơn thân. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc chăm sóc bản thân, chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ  khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong sử dụng dịch vụ công cộng. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược, chương trình, chính sách cho NKT nếu không tính đến yếu tố giới, sẽ dẫn đến nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.

 

Kết quả điều tra, khảo sát của nhóm nghiên cứu:“Rào cản giới trong tiếp cận dịch vụ với NKT” cho thấy: Có những khó khăn và khác biệt của nam và nữ khuyết tật trong tiếp cận giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm. Nghiên cứu này khẳng định sự khác biệt này là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan, yếu tố từ bản thân NKT, yếu tố bên ngoài như: Quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình; cộng đồng chuẩn mực văn hóa, môi trường chính trị, kinh tế-xã hội. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ trẻ khuyết tật được đến trường vẫn còn rất khiêm tốn chỉ chiếm 24,22% trong số 1,1 triệu trẻ khuyết tật (hiện vẫn còn 800.000 trẻ khuyết tật chưa được đến trường).

 

Nhiều công trình xây dựng chưa có lối đi dành cho NKT.

 

Do ảnh hưởng của văn hoá và nhận thức thấp, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, NKT vẫn bị kỳ thị. Việc có một thành viên bị khuyết tật, được xem như một tai họa trong gia đình, đặc biệt đó là nữ khuyết tật-người luôn bị xem như gánh nặng của cả gia đình. Ngược lại, nam giới khuyết tật, lại vẫn được xem như trụ cột và đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, nam khuyết tật dễ chấp nhận những cơ hội việc làm ở nơi khác hơn nữ khuyết tật. Gánh vác trên vai trọng trách của trụ cột gia đình cũng tạo nên tâm lý cho họ phải kiếm được một việc làm ổn định, thu nhập khá để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Tâm lý thích trải nghiệm của nam cũng giúp họ dễ dàng thích nghi với cuộc sống tại nơi mới hơn nữ khuyết tật. “Em học xong nghề mộc sẽ vào làm cho xưởng mộc của thầy giáo ở thành phố luôn, thu nhập cũng được đảm bảo”- một nam thanh niên khuyết tật chia sẻ.

 

Trao đổi tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến thừa nhận: “Đã có nhiều nỗ lực lồng ghép giới để đảm bảo lợi ích của cả phụ nữ và nam giới trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội thông qua công tác phát triển giới. Tuy nhiên trong lĩnh vực hỗ trợ NKT tại Việt Nam, nhất là phụ nữ khuyết tật để họ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, vẫn còn nhiều hạn chế do định kiến giới của gia đình, cộng đồng xã hội”.

 

N.Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh