CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Nụ cười lạc quan của người mẹ khuyết tật nuôi 2 con nhỏ

 

19 tuổi lấy chồng, 24 tuổi góa bụa

Chúng tôi đến thăm mẹ con chị Thúy vào đúng ngày hè nắng như đổ lửa. Trong ngôi nhà tuềnh toàng của chị, ngoài chiếc tủ đã hỏng, chiếc giường gỗ đã mốc, mấy vật dụng nấu bếp và chiếc tivi cũ kỹ thì chẳng có gì. Chị lập gia đình từ năm 19 tuổi với anh Đỗ Đình Mệnh. Tuy chỉ hơn vợ 1 tuổi, nhưng chị bảo “anh ấy hiền lành, không rượu chè, cờ bạc, chỉ biết kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con”. Sau khi sinh con gái đầu lòng, anh chị cặm cụi làm ăn, tích cóp xây dựng được căn nhà khang trang. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đang êm đềm, hạnh phúc thì bỗng dưng xảy ra biến cố…

Năm 2007, trên đường đi làm từ Vĩnh Yên về, anh Mệnh bị tai nạn giao thông và ra đi khi mới 25 tuổi, để lại người vợ trẻ gắng gượng trong nỗi đau đớn và bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai. Thấy hoàn cảnh của chị, nhiều người hàng xóm khuyên chị bỏ đứa con trong bụng để sau này còn đi bước nữa. Thế nhưng, vì  tình yêu với anh và tình thương con, chị Thúy không nỡ lòng nào làm cái việc thất đức đó. Vượt qua nỗi đau mất chồng, một mình chị vật lộn mưu sinh, vừa đóng vai trò làm cha, vừa làm mẹ để nuôi các con còn nhỏ dại.

Mặc dù bao nỗi đau ập đến nhưng chị Thúy vẫn luôn lạc quan.

Nhịn cơm cho con lấy tiền đóng học phí

Sau khi chồng mất, chị xin vào làm cho Cty Gốm xây dựng Tân Thịnh (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) với đồng lương đủ nuôi sống ba mẹ con, tất nhiên mọi chi tiêu đều phải tằn tiện. Nhưng rồi đến năm 2012, trong một lần trực bộ phận máy, tai nạn lao động khiến nửa người của chị bị kẹt trong chiếc máy nghiền đất. “Sau khi bị tai nạn, phải mất hơn một giờ, anh em đồng nghiệp mới có thể đưa tôi ra khỏi được buồng máy. Quãng đường đưa đi cấp cứu từ Yên Lạc xuống Bệnh viện Việt Đức rồi sau đó sang Viện Bỏng Quốc gia, ai cũng nghĩ chắc tôi không thoát được cái chết, bởi vì lúc đó tôi mất máu quá nhiều...”, chị Thúy kể lại.

Trải qua đủ những ca phẫu thuật, ghép da, cắt thịt kéo dài đến 3 tháng, chân phải của chị bị cắt bỏ hoàn toàn, chân trái phải khâu 17 mũi với những vết sẹo loang lổ. Trên cơ thể, chỗ nào có thể cắt da được đều được bác sĩ cắt để đắp vào hai chân của chị. Trở về nhà, chị Thúy tâm sự: “Nhiều khi nghĩ mà tôi chỉ muốn chết. Nằm một chỗ, chẳng làm được gì, đến cả sinh hoạt cho bản thân cũng rất khó khăn, nhưng nhìn các con còn nhỏ dại là tôi lại cố gượng dậy, cố mà sống để làm điểm tựa cho chúng”.

Mấy năm nay, nguồn thu nhập chủ yếu của ba mẹ con là nhờ tiền trợ cấp bảo hiểm hàng tháng của Cty và tiền trợ cấp của tỉnh Vĩnh Phúc được 1,3 triệu đồng. Khoản tiền này không đủ chi tiêu sinh hoạt và học hành cho các con. Vậy mà, vượt lên tất cả, chị Thúy vẫn cố gắng dành tất cả sự yêu thương để chăm sóc các con nên người.

Khi nhắc đến hai con, chị Thúy không giấu được sự tự hào, kể: Cháu Đỗ Thu Trang (9 tuổi) và Đỗ Thúy Quỳnh (7 tuổi), năm nào cũng là học sinh giỏi, được cấp Học bổng. Hỏi về mơ ước của cháu Trang, tôi không khỏi ngậm ngùi khi cháu bảo: “Con muốn lớn lên học đại học nhưng sợ mẹ không có tiền...”.

Nghe con nói, chị Thúy nói mà như khóc: “Tôi bị tai nạn khi cháu Trang mới 7 tuổi. Mặc dù còn nhỏ nhưng cháu đã biết chăm mẹ, chăm em. Chính vì thế, hầu như cháu không có thời gian vui chơi như các bạn và tính cách cháu cũng già dặn hơn. Nhiều khi thương con, tôi cố dằn lòng chịu đói để dành dụm tiền cho các con đóng học phí”.

Chia tay tôi, chị Thúy nở nụ cười rất tươi: “Trải qua những đau khổ nhất của cuộc đời rồi, tôi nghĩ sống được chừng nào tốt chừng ấy. Cái gì đến nó sẽ đến nên mình cứ phải cười tươi. So với nhiều người thì tôi vẫn còn may mắn bởi tôi còn đi lại được, và điều quý giá nhất là còn có hai thiên thần nhỏ luôn bên mình. Các con chính là đôi tay, đôi chân mà ông trời ban cho tôi”.

KV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh