CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Người mẹ tình nguyện chết để giữ mạng sống cho con

Tất cả vì con! 

Trong căn phòng của BV, bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi) đang ôm cháu ngoại sinh thiếu tháng mà người con gái đã cố duy trì mạng sống từng ngày để đánh đổi. Nhìn đứa cháu tím đen vì thiếu tháng, không ngăn được dòng nước mắt, bà nói: “Trước lúc nhắm mắt, mẹ nó cầm chặt tay tôi dặn dò bằng bất cứ giá nào cũng phải cố gắng nuôi dưỡng giọt máu của cháu thành người để nó yên tâm nơi chín suối”. 

Gạt dòng nước mắt, bà Nga kể, gia đình bà là thuần nông ở tỉnh Bạc Liêu. Nhà quá nghèo, lại đông con nên không thành viên nào được học hành tới nơi tới chốn. Chị Trần Thị Lan Anh (31 tuổi) từ nhỏ đã gác lại việc học để lao động, kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đến khi lấy chồng, nỗi cơ cực vẫn không buông tha. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm lại phải chăm lo cho 2 đứa con nhỏ khiến sức khỏe chị ngày một yếu đi.

Cả gia đình chồng chị Lan Anh cũng chẳng dư dả, quanh năm gắn bó với biển, bản thân chồng chị cũng theo con nước lênh đênh, đôi khi 4- 5 tháng, anh mới trở về một lần. Chính vì lẽ đó mà mọi sinh hoạt trong gia đình đều do một tay chị gánh vác. Vốn sức khỏe yếu, nay gánh thêm nhiều việc nặng nhọc nên chị Lan Anh ngày càng tiều tụy.

Những tháng ngày chồng đi biền biệt, để kiếm tiền mua sữa cho con, người mẹ phải lặn lội ra bờ biển để mò cua, bắt ốc đắp đổi qua ngày. Đêm xuống, nhiều lúc thiếu hơi ấm cha, hai đứa trẻ quấy khóc khiến chị phải thức trắng.

Lâu dần sức khỏe suy kiệt, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu bất thường. Năm 2013, chị lên cơn ho dai dẳng và luôn cảm thấy khó thở, tức ngực. Nhiều lúc ho ra máu, thân hình gầy xọp đi, mọi người trong gia đình lo lắng, ai cũng khuyên chị đi BV để khám nhưng vì không có tiền nên chị đành cố, chỉ mua thuốc uống cầm chừng để tiếp tục làm việc nuôi con. Đến khi có thai đứa thứ 3 thì chị không thể thở được nữa.

“Lúc đó, nó gần như không thở được, tôi nhất quyết cầm cố mọi tài sản trong nhà để đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận, cháu bị suy tim quá nặng, không thể cứu chữa, mạng sống chỉ tính từng ngày. Chồng thì đi biền biệt, không thể liên lạc, 2 đứa con nhỏ dại không ai trông nom, lại thêm đứa bé vừa được 5 tháng trong bụng.

Lan Anh biết không sống được bao lâu nữa, nhưng đứa trẻ trong bụng không thể đi theo nó được. Nó cầu khẩn bác sĩ làm mọi cách để có thể cho đứa bé chào đời”- nói đến đây, bà Nga oà khóc.

Người mẹ tình nguyện chết để giữ mạng sống cho conBà Nga đang chăm sóc cháu ngoại.         Ảnh: D.A

Khi thấy bệnh tình người mẹ ngày càng nặng, để duy trì tính mạng cho sản phụ, các bác sĩ đã yêu cầu chị Lan Anh bỏ thai nhi. Tuy nhiên với suy nghĩ bằng mọi giá phải giữ lại được mạng sống của con mình nên chị chọn giải pháp uống thuốc cầm chừng. Trụ được đến tháng thứ 6 thì cơ thể chị hoàn toàn suy kiệt.

Nhận thấy tình thế quá khẩn cấp, các bác sĩ tuyến dưới đã chuyển bệnh nhân lên BV phụ sản Từ Dũ. Tại đây, mặc dù chị chỉ còn thở thoi thóp nhưng vẫn luôn lo lắng cho mạng sống của con mình.

Tiên lượng khả năng sức khỏe sản phụ xấu nên các bác sĩ đã nhanh chóng mở cuộc họp khẩn cấp. Nhận thấy mạng sống chị Anh chỉ còn tính từng giờ, đội ngũ bác sĩ đã đi tới quyết định sẽ thực hiện ca mổ để kịp cứu thai nhi mặc dù bé mới được 6 tháng. “Ngồi ngoài phòng mổ, tôi chỉ biết niệm Phật phù hộ, cầu mong cho cháu được mẹ tròn con vuông. Bởi con Anh từ nhỏ đến khi lấy chồng, chưa ngày nào được hưởng niềm vui trọn vẹn”- bà Nga nói.

5 tiếng đồng hồ trôi qua, cánh cửa phòng mổ hé mở, bà Nga lập tức chạy vào. Khi ấy, tỉnh thuốc mê, chị Lan Anh cũng vừa kịp nhìn các bác sĩ bế con trai vừa lọt lòng của mình, nhìn con trai, chị mỉm cười hạnh phúc rồi trút hơi thở cuối cùng.

Khoảnh khắc thiêng liêng

Chứng kiến phút giây sinh li tử biệt của tình mẫu tử giữa chị Lan Anh và con trai, khiến những ai có mặt đều cảm thấy xót xa, xúc động không nói thành lời.

Đưa tay ôm con trai chỉ nặng 1,6kg, chỉ kịp cảm nhận hơi thở yếu ớt từ hình hài bé xíu, chị Lan Anh mỉm cười mà nước mắt tuôn rơi. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con bình an, lẫn xót xa khi không được chăm sóc cho con trưởng thành. Đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, chị Lan Anh được nhìn thấy gương mặt con, được nghe con khóc. Sau đó, chị từ từ lịm dần và tắt thở.

Chị Lan Anh mất khi chưa kịp đặt tên cho con. Bà ngoại đã đặt tên cho cháu là Phúc Lộc bởi nhờ sự hi sinh của mẹ mà cháu được làm người. Do sinh thiếu tháng nên cháu bé khá yếu ớt nên được đưa vào lồng kính chăm sóc đặc biệt tại BV Nhi Đồng 2.

Bà Nga kể, quãng thời gian này rất khó khăn bởi gia đình bà tuy đông người nhưng đều đi làm ăn xa nên bà không thể vừa lo đám tang cho con gái vừa chăm sóc cháu trai. Chính vì thế thời gian đầu bé Phúc Lộc ở lại BV mà không có người thân chăm sóc. Hơn nửa tháng sau khi lo hậu sự cho con gái xong xuôi, bà mới bắt xe đò trở lại BV khi trong túi chỉ còn đúng 50.000 đồng.

Vì không có tiền nên hàng ngày, bà Nga phải xin cơm từ thiện của BV để ăn. “Lo xong hậu sự cho con gái thì gần như cả nhà nhịn đói. Không biết lấy tiền đâu lên BV để đóng viện phí cho cháu. Nhưng không thể để giọt máu của con gái mình bơ vơ nên tôi đánh liều, cứ lên BV để bên cháu rồi tính”- bà Nga chia sẻ.

Khi bé Phúc Lộc nằm một mình tại BV mà không có người nhà chăm sóc, các bác sĩ và y tá tại đây đều cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh của bé nên đã chung tay giúp đỡ và dành cho bé sự quan tâm đặc biệt. Lúc đó, sức khỏe bé còn quá yếu nên hàng ngày phải truyền chất dinh dưỡng.

Mỗi một chai có giá 2 triệu đồng nhưng không có người thân bên cạnh nên mọi người trong BV đều chung tay giúp đỡ. Nhiều nhà hảo tâm trong nước và các mạnh thường quân từ nước ngoài, khi nghe tin về bé Phúc Lộc đều hỗ trợ tiền bạc về BV tạo điều kiện giúp đỡ bé vượt qua.

Vì sinh thiếu tháng, không có sữa mẹ nên bé Phúc Lộc yếu đuối và mắc nhiều bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, sau khi điều trị được 2 tháng thì sức khỏe của bé dần hồi phục. Giai đoạn mới sinh bé chỉ nặng 1,6kg, nhưng bây giờ đã được 2,3kg và dần cứng cáp.

Kể từ ngày Phúc Lộc ra đời, vì mưu sinh, người cha không thường xuyên lên thăm con nên một tay bà Nga chăm sóc cháu, cuộc sống của hai bà cháu đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của BV và các nhà hảo tâm.

“Tôi cũng định đi tìm việc lặt vặt gì đó để kiếm tiền mua sữa cho cháu nhưng hiện nay cháu đã được đưa ra khỏi lồng kính, sức khỏe còn yếu, tôi phải luôn túc trực bên cạnh.

Nhiều người cũng khuyên tôi nên đem cháu gửi một gia đình nào đó nuôi giúp nhưng con gái tôi từng mong tôi cố gắng nuôi cháu nên tôi không nỡ cho đi. Con gái tôi chọn cái chết để giữ mạng sống cho con nên dù có nghèo đói, tôi vẫn ráng nuôi cháu nên người”- bà Nga tâm sự.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh