THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:19

Nữ công nhân thời hội nhập: Biến trở ngại, thách thức thành cơ hội

Chủ động nâng cao tay nghề

Theo số liệu từ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có khoảng 7600 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, với tổng số công nhân viên chức lao động là 267.500 người. Trong đó, khối hành chính sự nghiệp (HCSN) có 115.910 người; khu vực sản xuất kinh doanh là 151.590 người; lao động nữ chiếm tỷ lệ khoảng 51%. Phần lớn công nhân nữ trong khối sản xuất kinh doanh ở Thanh Hóa đều chưa qua đào tạo, họ phải vừa làm việc, vừa tự học, rèn luyện nâng cao tay nghề cho bản thân.

Chị Hoàng Thị Đông, 35 tuổi, quê xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), tâm sự: “Hiện tôi đang làm việc cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vicenza (KCN Lễ Môn, TP.Thanh Hóa), công việc ổn định, cho thu nhập khá, tôi phải cố gắng để hoàn thành tốt phần việc mà công ty giao. Rút kinh nghiệm trước đây, tôi đã làm việc cho 3 công ty, nhưng sau đó không lâu thì bị sa thải. Chỗ thì do tay nghề kém, do chuyển đổi từ làm ruộng sang lao động máy móc, nên tôi chưa bắt kịp với môi trường lao động công nghiệp; nơi thì do ý thức kỷ luật trong lao động chưa nghiêm; lần cuối bị sa thải là do nghỉ để lấy chồng, quá thời gian quy định của công ty. Sau những lần đó, tôi đã kịp nhận ra những “lỗ hổng” của bản thân, nên đã tự nhắc nhở mình phải thay đổi tác phong trong lao động công nghiệp; ngoài ra, tôi còn tự học hỏi, để nâng cao tay nghề; rèn luyện bản thân nêu cao tính kỷ luật. Có như vậy mình mới tồn tại được ở môi trường lao động công nghiệp”.

Nữ công nhân chiếm khoảng 90% tại dây chuyền thành phẩm của Công ty may Việt Nhật.

Chị Cầm Thị Mến, 25 tuổi (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), làm việc cho Công ty may Việt Nhật (KCN Lễ Môn, TP.Thanh Hóa) đã được hơn 3 năm, thu nhập ổn định hơn 7 triệu đồng/tháng, chia sẻ: “Trước khi được tuyển vào đây làm việc, tôi làm cho một công ty may tư nhân, thu nhập không ổn định. Không nản trước công việc của mình, thời gian đó, tôi đã mày mò tự học hỏi. Sau này, tôi đã được tuyển vào làm việc tại Công ty may Việt Nhật. Thành quả này không tự nhiên mà có, bản thân tôi phải nỗ lực rất nhiều, kiên trì rèn luyện, học hỏi thêm từ những chị, em đồng nghiệp có tay nghề giỏi hơn mình. Với tay nghề hiện tại của tôi, nếu có kiến thức tốt về tiếng Nhật, chắc chắn tôi sẽ được cân nhắc lên vị trí tốt hơn, cơ hội phát triển sẽ dành cho tôi nhiều hơn. Sau này, tôi dự tính sẽ sắp xếp thời gian để học tiếng Nhật, tìm kiếm vị trí có thể tốt hơn bây giờ”.

Cũng tự ý thức chủ động học tập, nâng cao tay nghề, chị Vũ Thị Hồng, 38 tuổi, quê ở Thái Bình, làm việc cho Công ty may Việt Nhật đã hơn 8 năm, với thu nhập là hơn 15 triệu đồng/tháng, chị Hồng cho hay: “Trước đây, tôi làm công nhân vất vả hơn bây giờ, nhưng mức lương cũng chẳng được là bao. Ý thức phải tự nâng cao tay nghề, hoàn thiện kỹ năng làm việc nên sau giờ làm việc tôi đã tranh thủ học thêm tiếng Nhật, sau đó tôi được cất nhắc lên vị trí quản đốc phân xưởng. Đây là môt thành quả sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu tôi mới có được. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học tập để nâng cao kiến thức cho bản thân, nhằm phục vụ công việc được tốt hơn, tránh bị tụt hậu trong thời buổi hội nhập như hiện nay”.

Biến thách thức thành cơ hội

Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư từ các DN trong cả nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã giúp cho hàng ngàn công nhân lao động, trong đó có nữ công nhân lao động đã có nhiều cơ hội tìm được việc làm.

Nữ công nhân tại dây chuyền may công nghiệp của Công ty may Việt Nhật.

“Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế như WTO, tiến tới TPP, thì nữ công nhân lao động Việt Nam, trong đó có nữ công nhân lao động ở Thanh Hóa sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, ông Tẫn nhận định.

 Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng lao động nữ ở Thanh Hóa, do chưa đáp ứng được nhu cầu công việc như: Thiếu tác phong lao động trong công nghiệp, tính kỷ luật lao động chưa cao, trình độ tay nghề còn hạn chế, ngoại ngữ không được đào tạo; khả năng thích ứng với những thay đổi công việc chưa cao. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi lẽ, mới hôm qua họ còn là nông dân, ngày hôm sau đã trở thành công nhân.

Xuất phát từ thưc tiễn, từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để công nhân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, giúp công nhân cũng hiểu được vai trò của người lao động với chủ sử dụng lao động, từ đó đã giảm nhiều cuộc ngừng việc, đình công. Đặc biệt, qua tuyên truyền đã giúp đội ngũ công nhân, trong đó có nữ công nhân nâng cao được tính kỷ luật, tác phong trong công việc cũng được nâng lên rõ rệt.

Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hóa nhấn mạnh: “Để đáp ứng tốt nhu cầu của các DN trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là việc thực hiện Hiệp định TPP, đòi hỏi công nhân trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có công nhân nữ cần: Nâng cao kiến thức pháp luật lao động (các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước) để người lao động hiểu biết, từ đó tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân; nâng cao được tính kỷ luật, tác phong lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động, tự học hỏi nâng cao tay nghề của mình, từ đó nâng cao năng suất lao động, dẫn đến thu nhập của bản thân cũng được nâng lên, giữ được công việc của mình; nâng cao kiến thức, trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, cả xã hội, tổ chức công đoàn, DN cần quan tâm giúp người lao động thực hiện được mục tiêu cho nhu cầu hội nhập của đội ngũ công nhân lao động, trong đó có khoảng 51% là nữ công nhân lao động. Để đáp ứng yêu cầu thời hội nhập, đội ngũ công nhân lao động, trong đó có nữ công nhân trên địa bàn Thanh Hóa không còn cách nào hơn là phải chủ động trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp và các kỹ năng làm việc. Mỗi công nhân cần phải biến thách thức thành cơ hội tốt cho bản thân”.

HOÀNG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh