THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:34

Nhiều cơ hội việc làm với lao động nữ

Hơn 2 triệu phụ nữ được đào tạo nghề

2,3 triệu phụ nữ được đào tạo nghề, 80% có việc làm sau đào tạo nghề, hơn 1.400 mô hình kinh tế hợp tác. Đây là những kết quả nổi bật của đề án “hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”. Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vì vậy rất cần đến nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật để tham gia thị trường lao động.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, cùng với đó là cơ hội việc làm tăng cao. Bà Lê Thị Khánh Vân, Ủy viên BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam sẽ có cơ hội được tuyển dụng vào những vị trí cao, hay vị trí lãnh đạo ở các công ty. Đây là cơ hội vàng để phụ nữ Việt Nam cọ xát với môi trường làm việc quốc tế”. Đáng chú ý, 5 trong tổng số 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển giữa các nước trong giai đoạn đầu hình thành Cộng đồng ASEAN đều là lĩnh vực lợi thế của lao động nữ Việt Nam, đó là: Kế toán, nha sĩ, bác sỹ, y tá và nhân viên ngành du lịch.

Lao động nữ làm việc trong ngành dệt may.

Bên cạnh những cơ hội và lợi thế, một thực tế đáng lo ngại là phần lớn phụ nữ Việt Nam vẫn ít có cơ hội tiếp cận do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học... chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế; hạn chế trong khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc. Số đông lao động nữ Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp, kể cả những công việc lao động phổ thông… Những hạn chế này dẫn tới sự thiếu tự tin, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh khi ra nước ngoài tìm việc, thậm chí khi phải cạnh tranh với lao động nữ đến từ các nước khác để xác định những vị trí ngay tại thị trường lao động trong nước.

Lao động nữ có nhu cầu học nghề cao

Một khảo sát mới đây về thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao được tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình và Quảng Ninh. Kết quả cho thấy, có tới 62,4% lao động nữ có nhu cầu được đào tạo nghề.

Tiến sỹ Dương Kim Anh, Trưởng Khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam), trưởng nhóm khảo sát cho biết: “Lao động nữ địa phương có nhu cầu đào tạo cao hơn lao động nữ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của lao động nữ trong doanh nghiệp là để nâng cao trình độ chuyên môn đã được đào tạo, trong khi đó lao động nữ địa phương có nhu cầu chủ yếu vì trước đây chưa được đào tạo”.

Lao động nữ địa phương có mong muốn học nhóm nghề sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, nghề kinh doanh và nghề mỹ thuật ứng dụng (bao gồm cả nghề thủ công). Trong khi đó, lao động nữ trong doanh nghiệp có xu hướng muốn học nghề máy tính và công nghệ thông tin và nghề kinh doanh. Đây đều là những ngành nghề hấp dẫn, nhiều người lựa chọn để đáp ứng thị trường lao động, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đa số lao động nữ có mong muốn về thời gian học đối với những nghề có nhu cầu đào tạo từ 1 - 3 tháng hoặc từ 3 - 6 tháng. Nhóm này chiếm phần đông bởi những phụ nữ này đã có gia đình. Với nhóm khác có nhu cầu đào tạo dài hơn từ một năm trở lên, đa số họ ở lứa tuổi từ 21 - 25 và đa phần chưa kết hôn. Về hình thức đào tạo, lao động nữ địa phương muốn học ngay tại nơi mình sinh sống để thuận tiện cho công việc và cuộc sống, trong khi lao động nữ trong doanh nghiệp muốn được đào tạo nghề theo hình thức vừa học vừa làm.

Từ thực tế trên, các chuyên gia đề xuất cần thiết lập các mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Trong nội dung chương trình đào tạo nghề cần tăng cường thời lượng thực hành, tạo nhiều hơn cơ hội thực hành nghề và tham quan thực tế nhiều hơn.  Các trường nghề cần đưa nội dung bồi dưỡng hai nhóm kỹ năng bổ trợ cho công việc và kỹ năng sống vào chương trình đào tạo…

Tiến sỹ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, lao động nữ chất lượng cao ngoài kiến thức và kỹ năng có được còn cần phải có hiểu biết và nhận thức rộng hơn về thế giới liên quan đến công việc và khả năng lao động sản xuất của mình”.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh