THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:44

DN do nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ được ưu tiên hỗ trợ

Chính sách nhiều nhưng DN chưa biết tới

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, khuyến khích vai trò của phụ nữ thông qua các chính sách hỗ trợ DN do nữ làm chủ và DN sử dụng nhiều lao động nữ như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động năm 1994 với các lần sửa đổi năm 2002, 2006 và 2007, cùng các văn bản dưới luật, các luật nhánh liên quan cũng đã đưa ra những ưu đãi, khuyến khích cho DN sử dụng nhiều lao động nữ.

Đồng thời, Nghị định 56/2009/NĐ-CP cũng quy định ưu tiên các chương trình trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do nữ làm chủ. Ngoài ra, quyền lợi cho DN cũng được được quy định cụ thể tại Luật Việc làm, Luật Đấu thầu…

Tuy nhiên, theo TS. Lê Quang Cảnh, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực tư nhân Vùng Mekong (MBI), hiện các nghị định về hỗ trợ DN sử dụng nhiều lao động nữ và DN do nữ làm chủ mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung.

Khó khăn còn ở chỗ, không chỉ nhiều DN chưa biết tới các quy định, mà ngay cả việc thực thi chính sách với các DN đã biết cũng không đơn giản. "Các quy trình thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với DN khá phức tạp. Vì vậy, các DN thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với các chính sách ưu đãi này", Bà Diệu Hồng, chuyên gia tư vấn về giới và tiêu chuẩn lao động cho biết- "Nhà nước đã tạo điều kiện cho các DN sử dụng nhiều lao động nữ bằng cách giảm thuế dựa trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý mà DN dành cho các lao động nữ của họ. Nhưng trên thực tế Nhà nước không hỗ trợ cho các DN này mà chỉ hỗ trợ cho lao động nữ thông qua thuế”.

Việc thực thi chính sách dành cho DN sử dụng nhiều lao động nữ và DN do nữ làm chủ còn là một trong những điều kiện bắt buộc phải thực hiện khi DN tham gia vào thị trường hội nhập với đối tác trên thị trường quốc tế chứ không phải đơn giản là chỉ thực hiện chính sách mà pháp luật Việt Nam quy định về lao động nữ. 

Theo đó, các chuyên gia đồng thuận, để giúp cho DN do nữ làm chủ và DN sử dụng nhiều lao động nữ phát triển, trước hết phải có ưu đãi về nguồn vốn. Phía ngân hàng cần thông thoáng hơn với DN trong việc phê duyệt cho vay và giãn thời gian trả nợ. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần xem xét giảm thuế cho DN do những hạn chế về năng suất lao động mà DN sử dụng nhiều lao động nữ gặp phải.

99% DN sử dụng lao động nữ chưa được hưởng chính sách ưu đãi 

Bà Hồng Thịnh, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MIDO và một cty may mặc tại Ninh Bình, trong đó cty may mặc có tỷ lệ công nhân nữ chiếm tới 90% chia sẻ: Công nhân sau khi vào cty của bà, ngoài đào tạo nghề thì còn được hướng dẫn cả từ lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với đồng nghiệp và mọi người xung quanh tới tác phong làm việc… Vì có đông nữ lao động, nên cty còn có cả phòng vắt sữa cho chị em, phòng riêng cho con bú… Và ngoài các chế độ chung, DN của bà còn trả lương trong thời kỳ nghỉ sinh sản cho chị em, trả đủ lương cho chị em trong thời kỳ hưởng chế độ cho con bú, hay trả lương cho chị em hưởng chính sách nghỉ ngơi trong ba “ngày phụ nữ” hàng tháng…

“Là doanh nhân đã khó, là nữ doanh nhân của một DN nhiều công nhân nữ thì khó khăn gấp bội. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện chia sẻ, hội nhập mà còn là uy tín, là cách của DN để giữ chân lao động nữ”, bà Thịnh cho hay.

Bày tỏ sự chia sẻ, bà Trịnh Thị Thơi, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thanh Hoá đưa ra thông tin, hiện 99% DN sử dụng nhiều lao động nữ chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ tỉnh Quảng Ninh bổ sung thêm rằng, pháp luật hiện hành quy định ưu tiên đối với DN sử dụng nhiều lao động nữ như giảm thuế thu nhập DN, ưu tiên trong đấu thầu và nhiều chính sách khác, nhưng những chính sách ấy hầu như chưa đến được với DN nhiều lao động nữ hoặc do nữ làm chủ.

“Nguyên do là một số cty chưa rõ quy trình làm thủ tục để được công nhận là DN sử dụng nhiều lao động nữ. Nhưng khi được tư vấn thì các DN lại cho rằng kinh phí và thời gian làm thủ tục, lắm rắc rối… còn lớn hơn so với lợi ích được hưởng, nên họ ngại làm”, bà Bình nói.

Chính vì vậy, theo kiến nghị của các hiệp hội doanh nhân nữ các địa phương, thời gian tới cần quy định rõ hơn việc DNVVN do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNVVN. Dự thảo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 10/2016. Trong đó, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn về việc cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng doanh nhân nữ...

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh