THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:01

Nữ biệt động thành năm ấy

Trở thành xã đội trưởng khi mới... 15 tuổi

Nữ biệt động thành Lê Hồng Quân, tên thật là Nguyễn Thị Huyền Nga, sinh ra và lớn lên ở vùng Cái Răng (TP Cần Thơ), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha bà là ông Đào Văn Tần, được Đảng tín nhiệm giao giữ chức Trung đội trưởng Trung đội Cộng hòa vệ binh (một trong những đơn vị tiền thân của Lực lượng Vũ trang TP Cần Thơ ngày nay). Mẹ bà là Lê Thị Cân (tên thật là Lê Thị Xuân), tham gia phong trào giải phóng, làm nhiệm vụ tiếp lương thực, tải đạn, vũ khí.

Dù cánh tay bị cụt nhưng nữ biệt động thành Lê Hồng Quân đã trở thành kỹ thuật viên sinh vật cảnh.

Ngày mới lên 8 tuổi, cô bé Huyền Nga đã dứt áo mẹ, thoát ly làm giao liên nhí, bám trụ trên địa bàn TP Cần Thơ trong nhiều năm. Sau này, Huyền Nga được tổ chức đưa về ven đô, làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng thanh, thiếu niên trong vùng. Do thông thuộc địa hình, nắm vững quy luật đồng bưng kênh rạch, Nga đảm nhận trọng trách trinh sát dẫn đường cho “đội quân tóc dài” vùng ven vào nội thành. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Huyền Nga bị “đốt cháy” trong khói súng chiến tranh. Với phẩm chất thông minh, gan dạ, Nga được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ tổ chức, đào tạo cán bộ Xã đoàn, rồi Xã đội trưởng chỉ huy lực lượng thanh niên du kích trong địa bàn, khi ấy cô mới 15 tuổi.

Chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ đưa quân ào ạt vào Việt Nam. Cần Thơ là trung tâm đầu não của vùng đồng bằng sông Cửu Long, để bám trụ được trên vùng đất không ngớt tiếng súng khi mà giặc quyết liệt muốn đẩy lùi lực lượng du kích của ta ra ngoài, Đảng đòi hỏi những con người có ý chí thép và tinh thần thép. Trong số này, Huyền Nga là một hạt nhân chủ đạo, ở lại trực tiếp huấn luyện du kích, lực lượng thanh niên. Vì là người địa phương, nên Huyền Nga có lợi thế về địa hình vùng sông nước. Ngoài giáo trình được học, Nga vận dụng những hiểu biết của mình, kết hợp với sự mưu trí trong hoạt động Cách mạng đã thấm nhuần từ lâu, cô truyền lại cho các bạn trẻ những bài học bổ ích, thiết thực và hiệu quả. Cả lý thuyết lẫn thực tiễn, xã đội trưởng 15 tuổi còn huấn luyện cho thanh niên biết gài chông, mìn, ném lựu đạn…lập hàng rào chiến đấu để cản giặc. Khối đại đoàn kết của lực lượng du kích xã Phú Thứ ngày càng bền chặt, tạo bức tường rào bằng thép, góp phần ngăn chặn nhiều cuộc càn quét, bắt bớ của giặc. Nhận dạng được sự nguy hiểm của nữ Xã đội trưởng còn ở tuổi thiếu niên, quân địch tìm đủ mọi cách bắt sống Nga, thậm chí chúng còn treo thưởng cao cho ai bắt được, hoặc chỉ điểm “nữ Việt cộng 15 tuổi”, hòng hạ nhiệt phong trào nổi dậy của lực lượng du kích và nhân dân trong vùng. Cùng trong thời gian này, người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, Huyền Nga được xét đặc cách kết nạp vào Đảng. Trong ngày trọng đại đó, tổ chức quyết định đặt tên cho cô là Lê Hồng Quân.

Nữ biệt động thành kiệt xuất

Hồng Quân lên Sài Gòn khi 19 tuổi. Ngày đó, Sài Gòn là môi trường sống phức tạp với đủ mọi thành phần. Để tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ được giao, Hồng Quân phải làm đủ mọi nghề. Ngoài kiếm tiền nuôi thân, cô phải học từ cách ăn nói, ứng xử và những phong tục sinh hoạt của người dân thị thành để khi cần thì nhập vai. T3 (Khu ủy Khu 9) bàn giao Lê Hồng Quân cho T4. Đồng chí Lê Thị Riêng, Trưởng ban Vụ vận Sài Gòn, thay mặt Thường vụ T4 trực tiếp giao nhiệm vụ cho Hồng Quân: “Xây dựng lực lượng trong vùng, xây dựng lõm căn cứ vững chắc, chuẩn bị cơ sở và những điều kiện cần thiết thành lập đơn vị nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định”.

Bà là người tham gia tích cực các tổ chức đoàn hội ở địa phương.

Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, Lê Hồng Quân bắt tay ngay vào công việc mới. Cô tìm hiểu phương thức hoạt động của địch, về những sào huyệt, cơ quan đầu não của chúng để tìm cách đối phó. Thời điểm này, Mỹ - ngụy ra sức đàn áp phong trào công nhân, học sinh xuống đường biểu tình, vì vậy các cuộc đấu tranh càng bùng phát và ngày càng lan rộng. Trước thực tế ấy, Hồng Quân tìm đến phong trào đấu tranh chính trị và gắn mình vào các tổ chức của thanh niên, công nhân lao động… Từ trong phong trào đấu tranh ấy, Hồng Quân gặp được nhiều người dân yêu nước có cùng chung chí hướng với mình. Từ cơ sở chủ chốt, Hồng Quân đã dần dần hòa nhập, gây dựng cảm tình và hướng họ đi theo Cách mạng, làm nền tảng cho cô xây dựng lực lượng cơ sở sau này.

Bước vào giai đoạn chiến sự miền Nam ngày càng ác liệt, Lê Hồng Quân tập hợp lực lượng đã được cô cảm hóa trước đó, được thử thách qua bạo lực đấu tranh, qua gian khổ trường kì. Quân tổ chức được căn cứ ngay trong vùng nội đô, có địa bàn đứng chân tổ chức cơ sở. Để chuẩn bị cho kế hoặch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đơn vị nữ biệt động nội thành đã có những hoạt động làm “nóng” không khí trước cuộc tổng tiến công lịch sử ấy. Trước đợt I tổng tiến công, Hồng Quân cùng các đồng đội tổ chức diễn thuyết, phát truyền đơn ở 147 điểm, đó là các nhà ga, khu chợ buôn bán, khu công nhân lao động, trường học và ngay trên xe bus... Một thành công đánh dấu thắng lợi của đội nữ biệt động là điểm diễn thuyết tại cửa Bắc chợ Bến Thành. Với chất giọng hào sảng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, Hồng Quân được giao trọng trách đứng lên diễn thuyết kêu gọi đồng bào chung sức, đoàn kết đánh giặc.

Vào 21 giờ ngày 27 Tết Mậu Thân 1968, Lê Hồng Quân được hóa trang tóc búi cao với khuôn mặt rạng ngời tiến vào trung tâm chợ Bến Thành. Tại khu chợ sầm uất bật nhất Sài Gòn, những ngày giáp Tết, người người đổ xô về mua sắm, đặc biệt là khách nước ngoài. Trong lúc mọi người đang mải mê mua bán hàng, Hồng Quân trèo thật nhanh lên nóc cao của gian hàng có nóc hướng ra quảng trường Quách Thị Trang. Phía sau Hồng Quân, lá cờ đỏ sao vàng bề ngang 2,4m, bề dài 1,8m tung bay trong gió. Ước chừng trong đêm hôm đó có khoảng 10.000 người bao gồm tiểu thương, quần chúng nhân dân được vận động sẵn và một bộ phận khách vãng lai đi chợ Tết. Trong dòng người nhộn nhịp, tiếng trao đổi bán buôn náo động, nhưng khi Hồng Quân đứng trên bục cao cất lời thì dường như đã lấn át mọi âm thanh, mọi người đồng loạt hướng mắt về phía người cất giọng nói: “Kính thưa đồng bào! Chúng tôi đại diện Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam kêu gọi đồng bào hãy chung sức chung lòng, đoàn kết đánh đuổi bọn xâm lăng và bọn tay sai bán nước…”.  Giọng nói của Hồng Quân âm vang và dội vào không trung, lan rộng ra cả một vùng. Không khí ồn ào, náo nhiệt của khu bán buôn sầm uất nhất Sài Gòn chợt lặng yên, im phăng phắc. Chưa đầy 10 phút, Hồng Quân đã truyền đạt thành công ý Đảng tới nhân dân. Sẵn trên bục cao, Hồng Quân cầm một xấp truyền đơn tung lên không trung, những lá truyền đơn mặc sức bay tràn ngập xuống đường. Ở phía dưới, đồng đội Hồng Quân cũng rải xong truyền đơn. Phía xa, có một vài tên đặc vụ mặt sát khí cố rẽ dòng người tiến lại phía Hồng Quân. Rất nhanh, cô ném cuộn truyền đơn vào bọn chúng rồi nhảy xuống thành một thiếu nữ quần đen, áo sơ mi trắng lẩn vào dòng người dạo chợ.

Ngày miền Nam giải phóng, Lê Hồng Quân chỉ còn một cánh tay, cánh tay còn lại bị bại liệt, đôi chân bị hàng trăm mảnh đạn găm vào mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức buốt. Bà đã từng tìm đến rất nhiều bệnh viện ở khắp cả nước, được Trung ương tạo điều kiện cho ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng tất cả đã từ chối căn bệnh quái ác và cực kì nguy hiểm này. Các giáo sư, bác sĩ hàng đầu ở Đức đã lắc đầu và gửi tặng bà chiếc “gậy tàn tật” trước khi về nước. Bằng ý chí và nghị lực của người chiến sĩ cách mạng, người nữ biệt động thành đã tự tập luyện, chữa bệnh cho mình và vượt qua nỗi đau thương tật, trở thành một kỹ thuật viên sinh vật cảnh được đồng đội hết mực khâm phục.  

HOA NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh