Lâm Sơn Náo - Người Anh hùng trong lòng dân
- Tra cứu phẫu thuật
- 13:41 - 29/04/2015
Từ công nhân cảng trở thành chiến sỹ biệt động
Lâm Sơn Náo sinh ra và lớn lên bên dòng Kênh Tẻ, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. 16 tuổi Náo đã theo ba đi làm việc ở cảng Sài Gòn, vậy nên nghề nào ở cảng cũng thạo. Là con thứ 3 trong gia đình, ông được gọi là Ba Náo. Anh chị em trong gia đình Ba Náo ai cũng đi theo cách mạng. Ba Náo cũng là nòng cốt trong các phong trào đấu tranh, đình công của công nhân cảng Sài Gòn. Nhưng ông vẫn khát khao được trực tiếp chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.
Cô ruột ( cô Út) của ông là cơ sở cách mạng vùng căn cứ, đồng thời cũng là giao liên của đội biệt động Quyết tử, thuộc quân khu Sài Gòn Gia Định. Biết được nguyện vọng của cháu, cô dẫn Ba Náo ra căn cứ. May mắn, Ba Náo gặp ngay người chỉ huy tài giỏi. Đó là ông Phạm Văn Hai, một trong ba chiến sĩ đánh thành công kho bom Phú Thọ Hoà hồi kháng chiến chống Pháp. Thấy Ba Náo thông minh, lanh lẹ nên ông Hai rất tin tưởng.
Ba Náo chính thức nhập ngũ tháng 02/1962 công tác trong đội 65 Biệt động Đặc công thành Sài gòn- Gia định. Được giao nhiệm vụ: Tiếp tục duy trì thế hợp pháp là công nhân Cảng Sài gòn, thực hiện điều nghiên mục tiêu quân sự tại cảng; đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Sau thời gian được huấn luyện ngắn, Ba Náo đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật cũng như phần kiến thức đánh giặc: từ kinh nghiệm, cách tìm người, cách thử thách, cách xây dựng cơ sở, cách theo dõi nắm bắt tình hình địch ở khu vực cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, xưởng Ba Son… Chỉ riêng trong năm 1963, ông cùng đồng đội đánh 14 trận lớn nhỏ ngay trong lòng nội đô Sài Gòn, khiến kẻ thù mất ăn mất ngủ.
Tác giả Lưu Hồng Sơn (trái) và ông Lâm Sơn Náo.
Cú sốc cho niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ
Từ giữa năm 1961, Mỹ-Diệm đã tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Đó là cuộc chiến tranh “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Quân đội của ngụy quyền tay sai do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện và chỉ huy. Các chuyến tàu ồ ạt chuyên chở vũ khí, khí tài chiến tranh trang bị tận chân răng cho lực lượng quân ngụy, hòng bóp chết cách mạng miền Nam.
Trước tình hình đó, Quân khu quyết định giao cho đơn vị biệt động 65 bằng mọi cách đánh chìm tàu Mỹ, phá hủy phương tiện chiến tranh, không cho chúng lên bờ bắn phá, giết hại cơ sở cách mạng và đồng bào ta. Đội biệt động cảng được cấp trên tin tưởng giao trọng trách này. Ba Náo nghiên cứu kỹ lưỡng phương án tác chiến, chuẩn bị cho một trận đánh lớn không cân sức.
Ngày 29 tháng 12 năm 1963, tàu US COREE của Mỹ cập cảng Sài Gòn. Đội biệt động cảng lập tức triển khai, tiếp cận đánh chìm nó. 80kg thuốc nổ TNT được bí mật chuyển vào nội thành đến nhà Ba Náo, rồi được chia thành 4 khối, mỗi khối 20kg theo những đường cống ngóc ngách dưới gầm cảng, qua mọi tầng lớp canh phòng cẩn mật, áp sát tàu Mỹ. Vũ khí được thiết kế từ căn cứ, gắn kíp nổ, khối pin...được Ba Náo đặt giờ nổ. Vậy nhưng đến giờ đã định vẫn không có tiếng nổ nào. Có thể do trục trặc kỹ thuật, cũng có thể bị lộ. Sau khi điều tra tình hình, thấy chưa có dấu hiệu lộ, Ba Náo trở lại cùng Sáu Cậy quay trở lại, gỡ từng khối thuốc nổ, mang về, tìm nguyên nhân. Hóa ra pin yếu, không đủ sức kích nổ. Vậy là qua đi một cơ hội đánh chìm tàu Mỹ. Nhưng cũng từ lần đánh hụt, Ba Náo nghiên cứu kỹ lưỡng cấu tạo vỏ tàu, tìm cách thiết kế lại vũ khí phù hợp, chắc thắng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1964, được tin tàu Mỹ cập cảng, đó là chiếc mẫu hạm USNS Card, từng được mệnh danh là “Ngôi sao chiến đấu” của Hoa Kỳ. Nó từng là nỗi khiếp đảm của tàu ngầm Đức Quốc xã những năm Thế chiến thứ 2, bởi đã đánh chìm 4 tàu chiến của hạm đội Đức, gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Đức; từng đơn độc săn lùng và đánh chìm 4 tàu ngầm Đức mà không hề bị thương tích gì cả. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 nó được hoán cải thành loại tàu chuyên chở máy bay chuyên dụng của hải quân Hoa Kỳ.
Do Sáu Cậy bị đau mắt, Ba Náo lập tức tìm đồng đội Hai Hùng triển khai kế hoạch. Đêm 1 tháng 5 năm 1964, khối thuốc nổ 80 kg TNT lần trước lại được 2 chiến sỹ biệt động đưa vào vị trí, thêm 4kg chất nổ C4 cực mạnh nữa để đảm bảo phá thủng thành tàu. 2 giờ sáng việc cài đặt mới xong xuôi.
Hình ảnh tàu chiến USNS card Mỹ Ảnh TL
Vào đúng 3 giờ sáng, khi cả thành phố đang say trong giấc nồng, một tiếng nổ lớn vang rền khắp cả khu Gia Định- Sài Gòn. Mái tôn của những căn nhà quanh khu vực cảng lật tung, nhà dân xa hơn một cây số như chợ Cầu Muối (Chợ Ông Lãnh), hai bờ Kênh Tẻ… mái tôn đều rung lên.
Sáng hôm sau Ba Náo cử Sáu Cậy đi nghe ngóng nắm tình hình. Vậy nhưng đài BBC của Anh mới là nguồn báo tin đầu tiên cho Ba Náo biết kết quả: chiếc tàu chiến Mỹ bị đánh chìm ở cảng Sài Gòn hồi 3 giờ ngày 2/5/1964. Tàu bị phá một lỗ hỏng bề ngang 2m, bề dài 8m. Nước tràn vào làm con tàu chìm một nửa xuống đáy sông. Một số máy bay còn ở trên tàu và một số đã nằm trên sân cảng bị phá hủy và hư hỏng nặng…
Bản tin sáng của Đài Tiếng nói Việt nam đưa tin “ vào lúc 3 giờ sáng hôm nay, ngày 2 tháng 5 năm 1964, tại cảng Sài Gòn, lực lượng du kích quân khu Sài Gòn- Gia Định đã đánh chìm một tàu chiến vận chuyển vũ khí và máy bay vào miền Nam Việt Nam của Mỹ”...Bản tin được đọc nhiều lần, làm nức lòng quân và dân cả nước.
Gần trưa ngày 2/5/1964 tiếng Bác Hồ vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Bác biểu dương lực lượng du kích miền Nam, Bác động viên các cô chú hãy phát huy chiến thắng này, tiếp tục đánh mạnh đánh nhiều hơn nữa”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui nói “ Chúng ta đã có chiến thắng đặc biệt này để trả lời cho chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ rồi đây”...
Kết quả cơ sở báo cáo về: Phân đội đã đánh chìm Tàu sân bay USNS CARD đang xếp dỡ Máy bay tại Cảng Sài gòn, làm chết và bị thương trên 120 tên Mỹ, làm hư hỏng 23 Máy bay - Trực thăng các loại . Ba Náo tiếc rẻ “ chiếc tàu lớn quá chìm chạm đáy sông luôn, nên không phá hủy được hết số máy bay trên tàu...”
Việc đánh chìm tàu chiến của Mỹ không chỉ gây thiệt hại về phương tiện chiến tranh mà còn tạo nên cú sốc tâm lý cho quân viễn chinh Mỹ và quân ngụy Sài Gòn, khiến báo chí phương Tây phải xôn xao làm chấn động nước Mỹ và cả năm châu. Đồng thời, đó cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần cho quân dân ta hăng hái chiến đấu với niềm tin tất thắng. Từ đất nước Cu- Ba bên kia bán cầu, Chủ tịch Phi- đen Ca-xtro đã gửi tặng Lâm Sơn Náo một khẩu súng ngắn Browning như một lời cổ vũ, ngợi khen chiến sỹ biệt động Việt Nam( khẩu súng này hiện được lưu giữ trong bảo tàng lịch sử quân đội).
Để kỷ niệm sự kiện đáng ghi nhớ này, bưu điện nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra một con tem đặc biệt với nội dung: MTDTGP miền Nam Việt Nam 1960-1964. Hàng không mẫu hạm của Mỳ bị đánh đắm bến cảng Sài Gòn. Giữ con tem là hình ảnh con tàu Mỹ bị nổ.
Tháng 02-1967, trên đường vào công tác trong nội thành, ông bị mật vụ phục kích và bắt được. Chúng đã dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man, nhưng ông không hề tiết lộ bất cứ điều gì cho địch, quyết chí bảo vệ khí tiết, bảo vệ vũ khí, bảo vệ cơ sở và lực lượng an toàn…
Trải qua các nhà tù, ông luôn bảo vệ khí tiết chống chào cờ của địch và đã bị còng xiềng từ Chí Hòa cho đến khi ra Côn Đảo.
Tháng 02/1973, Sau khi ký Hiệp định Pa-ri, địch đưa ông cùng các anh em bị bệnh tật khu Chuồng cọp Côn đảo về đất liền trả tự do không qua trao trả với âm mưu che dấu dư luận quốc tế. Lúc đó, ông gần như người tàn phế, bệnh tật và được tổ chức cơ sở đưa về Chiến khu Miền đông trị bệnh gần 1 năm. Sau khi bình phục ông trở lại Đội 1 Biệt động- Đặc công Thành thuộc Đoàn 199 Quân khu Sài gòn Gia Định với cấp bậc Đại đội phó, tiếp tục xây dựng cơ sở và tìm mục tiêu trong nội Thành để chiến đấu.
Đến khi Chiến dịch Hồ chí Minh hoàn toàn thắng lợi, ông được Bộ tư lệnh Thành phố điều động về quận 4, chức vụ Chỉ huy Phó Quận đội quận 4, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983 ông chuyển qua dân sự, đến 1994 thì nghỉ hưu tại quê nhà.
Anh hùng trong lòng dân
Tìm hỏi thăm nhà riêng của ông Ba Náo tại P. Tân Kiểng, Quận 7, TP. Hồ chí Minh, bác bán bánh bèo đầu phố nói “có phải anh hùng Ba Náo không?”, đến chị bán tạp hóa cũng bảo “nhà chú Ba tàu Cạc anh hùng ở kia...”
Ông Ba Náo tâm sự: “Năm 1976, có một danh sách đề nghị tuyên dương anh hùng hơn 40 chiến sĩ biệt động thành và một số đơn vị. Bộ Tư lệnh thành và Quân khu 7 có gọi lên làm thủ tục vào khoảng tháng 10-1976 để tháng 12 năm đó phong tặng anh hùng. Nhưng do thời gian đó tôi đang đi học Trường Quân chính Quân khu, nên không có thời gian để về làm thủ tục. Năm 2010, một số thủ trưởng cũ của tôi như ông Tư Chu - nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn, Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) - nguyên Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định có làm bản đề nghị được phong anh hùng cho ba người gồm có Nguyễn Xuân Trí, Lâm Sơn Náo và Đoàn Minh Chiến. Sau khi đề nghị, Bộ Tư lệnh TP.HCM gọi lên làm thủ tục. Do quy trình thủ tục mới, Bộ Chỉ huy không còn quản lý ông Ba Náo mấy chục năm nay nên ông được hướng dẫn về địa phương xác nhận. Hội đồng thi đua phường Tân Phú, quận 7 xét có kèm văn bản nhất trí 100%. Chủ tịch, bí thư phường và quận cũng có văn bản riêng đề nghị. Nhưng nghe nói không được”. Ông trầm ngâm “ đối với tôi, chuyện được phong anh hùng hay không không quan trọng lắm. Nhưng một đời đi theo và tuyệt đối trung thành với cách mạng, tâm niệm cuối đời của tôi là phải biết được lý do vì sao mình không được ghi nhận...”.