CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:10

NSƯT Trọng Bình: “Ở đâu tôi cũng diễn hết mình”

 

NSƯT Trọng Bình trong một vai diễn.

Con đường theo nghệ thuật cải lương của Trọng Bình có rất nhiều điểm đặc biệt. 18 năm trước, anh gần như chỉ là cái bóng. Tuy vở nào cũng xuất hiện nhưng hầu như toàn vai phụ, không làm sao “qua mặt” được lớp đàn anh đàn chị. Nhưng rồi, “cô chị đi, cô dì lớn”, khi những người trước bắt đầu mỏi mệt thì như một lẽ đương nhiên, anh là sự lựa chọn của các đạo diễn khi cần những vai diễn “nặng ký”. Đợi chờ mòn mỏi ngần ấy năm nên khi cơ hội đến anh chớp ngay. “Chỉ trong hai năm, tôi được hai giải thưởng, mà huy chương vàng nhé”, anh nói trong niềm vui. Lý giải về quãng thời gian chờ đợi đến gần hai thập kỷ. Trọng Bình chia sẻ: “Trước mình còn nhiều thế hệ, họ vẫn diễn tốt, mình phải nhường. Mọi người bảo tôi, đến lúc này mới được “sờ” vào thành công là hơi muộn. Nhưng đã thành quy luật của sân khấu truyền thống rồi. Tuy nhiên, đến lượt mình, tôi sẵn sàng nhường vai vì nếu không thì sẽ chẳng còn diễn viên nữa”.

Trọng Bình bảo, bây giờ được làm nhiều việc hơn, nổi bật hơn và cũng có tầm quan trọng hơn nhưng so với cách đây 20 năm, vẫn cảm nhận rõ một sự mất mát không gì lấy lại được của tuổi trẻ. Bởi khi ấy, trái tim đang “máu”, nhận được một vai diễn hay là quên hết cả đất trời.

Sau mỗi vai diễn, Trọng Bình lại thấy mình thực sự trưởng thành, đặc biệt là những nhân vật trong những vở lịch sử, xã hội. Anh chưa bao giờ từ chối một vai nào, vì “tôi thấy vai nào cũng hay”.  Như vai diễn trong vở “Vú cát”, bước ra sân khấu trong nhiều cảnh diễn nhưng không được nói câu nào, chỉ là người câm lặng chứng kiến tất cả những biến cố xảy ra. Cũng có khi chỉ là vai diễn phụ nhưng bỗng dưng anh xuất thần, ví như vở “Trái tim người chị”, anh đóng vai đồ đệ chạy vào báo để tướng cướp chạy trốn. Nhìn thấy con dao có máu, trong kịch bản, nhân vật chỉ kêu lên: “Con dao có máu” nhưng anh nói thêm: “Để em, em sẽ chịu”. Nghe thế, đạo diễn bảo: “thằng này hay” và giữ câu nói ấy lại.

Ngoài làm việc tích cực ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, Trọng Bình liên tục chạy show ở các nơi. Ba tháng đầu năm, hầu như vợ con anh không biết mặt. Anh đi hát về thì cả nhà đã ngủ. Lúc thức dậy thì chả ai có nhà. Đã mười mấy năm như thế này rồi và đấy là do anh được tổ nghề đãi. Nhiều lúc làm việc, cũng thấy phục mình. Hồi mới vào nghề, hiếm khi được vai chính, lương lại thấp, đã không ít lần anh nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng nay thì anh có thể khẳng định, không bao giờ bỏ nghề.Thậm chí, anh đang hướng cho đứa con trai 15 tuổi theo nghề mình.

Hỏi anh, đến năm 2018, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước sẽ bị cắt trợ cấp, phải xã hội hóa hoàn toàn, lúc ấy sân khấu truyền thống chắc chắn gặp khó khăn. Với lại đã từ lâu rồi, nghệ sĩ, diễn viên kịch hát dân tộc không ai muốn cho con em theo nghề cha mẹ, sao anh lại làm ngược đời?  Trọng Bình cười bảo, kệ chứ, khó thì khó nhưng giỏi thì vẫn sống tốt. Trên đời không có gì “sướng” bằng được làm nghệ sĩ, nhất là con trai, có giọng, có sắc vóc thì không thiếu gì việc để làm thêm, như đi hát tại các quán, làm MC hay cộng tác với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ... Như anh, vào nghề bao nhiêu năm vẫn thấy nghèo, thấy khổ, thấy mình chẳng có gì, rồi bỗng chốc từ lính chạy cờ được lên vai chính, từ thuê nhà kinh niên thành ông chủ cho thuê nhà. Cứ chờ, cứ làm việc rồi cuối cùng đời cũng vui.  

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh