THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:00

NSƯT Tiến Quang: “Lên hương” từ nghệ danh “Quang Tèo”

* Từng là diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Kịch nói Quân đội nhưng khán giả chỉ nhớ đến anh qua các vai hài trên truyền hình. Hóa ra, anh chỉ hợp với việc “chọc cười” người khác? 

- Trước đây, tôi diễn xuất rất giỏi vai bi kịch, thậm chí còn hay hơn hài kịch. Như có lần đóng vở bi kịch “Ấp Sậu lúc hoàng hôn”, khán giả lên tặng hoa mà nước mắt còn chảy. Tôi cũng đóng nhiều tiểu phẩm về người lính nhưng chưa được “nét”, phải đến khi đạo diễn Khải Hưng cho “cặp” với anh Giang Còi trong “Gặp nhau cuối tuần”, chúng tôi mới nổi. Mà cũng nói thật, diễn sân khấu thôi rất khó nổi tiếng. Mình về tận các vùng quê diễn, song cũng rất ít người đi xem, chứ không như truyền hình vào từng nhà nên nhanh chóng được ghi nhận.

* Được khán giả quen với các vai hài, bây giờ, anh còn thích đóng vai bi kịch nữa không? 

- Đúng là đóng hài quen rồi, giờ vào vai bi đôi khi lại... phản cảm, vì vừa thấy cái mặt mình là khán giả đã bật cười, “phá” hết cảm xúc của mình. Thế nhưng, sau đó, tôi cũng “liều” nhận một vai thương lắm. Đó là vai người lính bị nhiễm chất độc da cam khiến mặt mày, cơ thể biến dạng. Anh về quê thì vợ đã kết hôn với bạn mình nên phải giả vờ mất trí. Nhưng vợ anh vẫn yêu chồng và có linh cảm người lính khốn khổ ấy chính là chồng mình. Vì muốn vợ sống bình yên, anh kiên quyết bảo mình là người khác. Chị yêu cầu anh phải quỳ xuống bàn thờ cha thề rằng mình không phải là con của ông. 

Kể lại câu chuyện này mà nước mắt tôi chảy giàn giụa đây này. Tôi là người lấy cảm xúc rất giỏi, hễ số phận nhân vật đau đớn, bi đát một chút là xúc động ghê lắm. Kể cả diễn hài cũng thế, có lẽ mình “ăn điểm” ở nét mộc mạc, chân chất.

* Nhập vai lấy cảm xúc giỏi, vậy ngoài đời, anh là người thế nào?

 - Ngoài đời tôi cũng dễ cảm động lắm, đi đâu gặp chuyện buồn là rơi lệ ngậm ngùi ngay, nhưng lúc vui thì cũng cười hết cỡ, không kìm được. Con người mình là thế mà, luôn thật với cảm xúc.

* Ngày đầu vào nghề, tên anh là Tiến Quang, giờ đâu đâu cũng thấy xuất hiện tên Quang Tèo. Nghệ danh này xuất xứ từ đâu mà làm anh “phát” thế? 

- Tên Quang Tèo có từ năm 1983, lúc ấy tôi là sinh viên phải trả tiểu phẩm tốt nghiệp. Tôi đóng vai một thằng buôn rượu lậu giả vờ bị khoèo để nhét hàng vào người. Thằng đó tên là Tèo. Tiểu phẩm ấn tượng đến nỗi bạn bè gọi là Tèo luôn. Nhưng mãi sau này, khi đóng hài tôi mới dùng nó cùng với tên của mình. Rõ ràng tên này đi vào lòng công chúng, giờ chả ai gọi tôi bằng tên thật nữa. Cái tên tuy không hay song lại làm mình nổi tiếng, điều này thật thú vị.

* Mấy năm nay đắt “sô”, đi đâu cũng thấy anh cặp kè con xế hộp. Lộc từ nghề diễn hóa ra cũng nhiều? 

- Tôi là một con trâu cày thực thụ đấy. Vợ tôi sinh đôi, phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Một mình tôi “gánh” kinh tế cho cả nhà, cũng may, từ lúc tên mình nổi lên một tí, cuộc sống dễ thở hơn. Nói thật, nếu không “bật” được thì đúng là khó sống, nói gì chuyện xây nhà, sắm xe.

* Anh đi nhiều, gặp gỡ không ít, hẳn có nhiều khán giả nữ hâm mộ?

 - Tôi diễn nhiều nhưng toàn vai nông dân cày bừa, cuốc đất, bị vợ đánh nên được các bà các bác quý, còn các cô gái trẻ chỉ mê những người đẹp trai. Tuy nhiên, mình chẳng dám ghen tỵ gì. Nhưng sao số mình không được đóng những vai trẻ trung, đào hoa một tí nhỉ?

* Đồng nghiệp bảo anh rất dễ xúc động, thậm chí hay rơm rớm nước mắt khi đứng trước các cô gái trẻ đẹp? 

- Các bạn đùa thôi, chứ tôi đâu dám thế, mình là người lính, lại đóng vai nông dân thì đâu dám đa tình. 

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh