THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:04

NSƯT Thanh Đính: Một thời đi dọc Trường Sơn ca hát

 

Vốn có chất giọng trời phú và đam mê ca hát từ nhỏ, NSƯT Thanh Đính đã may mắn lọt vào cặp “mắt xanh” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ngay từ khi còn là anh lính trẻ. Năm 1953, ông được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (tiền thân của Nhà hát ca múa nhác Việt Nam hiện nay). Một năm sau, những ca khúc cách mạng qua giọng hát của ông đã vang lên trên sân khấu Nhà hát lớn, trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô. Từ đó vừa học thanh nhạc, ông vừa tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào Thủ đô và các tỉnh thành miền Bắc. Chính phong trào và tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom’ đã thôi thúc ông tình nguyện đi B, đem giọng hát của mình trực tiếp phụ vụ bộ đội, thanh niên xung phong, đồng bào suốt hơn 10 năm tại nhiều chiến trường ác liệt. Trong chuyến hành quân vượt Trường Sơn từ tháng 12/1966 đến tháng 4/1967, có khoảng 70 người, với nhiều chuyên môm nghề nghiệp khác nhau, nhưng chỉ duy nhất có ông là ca sĩ. Hành trang của ông mang theo chỉ có giọng ca opera mạnh mẽ hào hùng với trái tim nồng nhiệt ca hát bất cứ ở nơi nào suốt dọc Trường Sơn. Một mình với cây đàn ghi ta, ông say mê hát như “lên đồng” phục vụ mọi người lính, thanh niên xung phong, thương bệnh binh ở các binh trạm, các bệnh xá, đến các bản làng các dân tộc. Có những ngày vừa hành quân, ông vừa dừng chân hàng chục lần để hát phục vụ. Nhiều lần hăng say quá ông đã hát liên tục khoảng 20 ca khúc. Qua chất giọng opera và phong cách hát hào sảng đầy ngẫu hứng, những giai điệu tiết tấu hừng hực khí thế tiến công của những ca khúc cách mạng đã cuốn hút, truyền lửa, tiếp sức, động viên tinh thần cho hàng vạn chiến sĩ đang vượt Trường Sơn vào mặt trận. Những ca khúc: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du); “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên); “Chào em cô gái Lam Hồng” “Ánh Dương); “Tôi người lái xe” (An Hữu Trí – Nguyễn Bính); “Miền Nam ơ, chúng tôi đã sẵn sàng” (Lưu Cầu); “Nổi lửa lên em” (Huy Du); “Tình Bác sáng đời ta” (Lưu Hữu Phước – Diệp Minh Tuyền); “Mỗi bước ta đi” (Thuận Yến)…qua tiếng hát của ông đã thực sự “át tiếng bom” giữa chiến trường ác liệt.   

 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (ngoài cùng bên trái) với NSƯT Thanh Đính (trên cùng bên phải) và nghệ sĩ Như Bình                                                                                                                      

Với thâm niên lăn lộn ca hát ở Trường Sơn và các chiến trường vùng Tây Nguyên, Liên khu V, Quảng – Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) ông có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những buổi biểu diễn. Ông đã dành trọn tuổi trẻ của mình, chỉ với một tâm niệm là đem lời ca tiếng hát của mình, nhằm đánh thức ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong lòng đồng bào, đồng chí. Ông nhớ mãi hình ảnh sau những đợt bom B52 vừa chấm dứt, từ các hầm trú ẩn dọc Trường Sơn, lực lượng thanh niên xung phong ùa ra mặt đường san lấp hố bom còn mịt mù và khét lẹt mùi thuốc nổ, để nhanh chóng thông đường cho những đoàn xe lại nối đôi nhau ra phía trước. Đó cũng là lúc ông đứng hát phục vụ không biết mệt mỏi với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”. Tiếng hát của ông và của đồng đội ông như có sức mạnh vô biên, đã biến những đau thương thành hành động cách mạng cho những đoàn quân tiến lên diệt thù.

NSƯT Thanh Đính nhiều năm với vai trò là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Cựu chiến binh TP.Hồ Chí Minh vẫn luôn cất cao tiếng hát phục vụ công chúng, với lòng nhiệt huyết như ngày đi dọc Trường Sơn ca hát.

 

Ông kể, dịp Noel năm 1967, ông hát phục vụ đồng bào ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Đêm biểu diễn đặc biệt ấy ngoài bộ đội, thương bệnh binh cùng đông đảo đồng bào trong vùng, còn xuất hiện khá đông những người lính Việt Nam Cộng hòa. Nhưng mặc cho sự có mặt của họ, các anh vẫn dũng cảm bước lên sân khấu trong tâm thế của một người chiến sĩ hiên ngang trước họng súng kẻ thù. Những ca khúc cách mạng, những ca khúc ngợi ca anh bộ đội Cụ Hồ vẫn vang lên một cách mạnh mẽ, đầy khí phách. Kết thúc cuộc biểu diễn ông nghĩ mình sẽ chết trước họng súng quân thù. Nhưng thật bất ngờ, tất cả họ đều yên lặng và vẻ đầy xúc động chào đón chúc mừng ông và đồng đội. Họ bộc bạch và thay đổi cách nhìn về những người lính cách mạng. Đối với ông, đó là đêm hát tràn đầy niềm hạnh phúc không gì so sánh được trong cuộc đời ca hát của mình. Nói về kỷ niệm cùng song ca với bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong suốt chuyến vượt Trường Sơn năm 1966, ông tỏ ra dè dặt. Ông nói : “ Trong đợt tập trung huấn luyện chuẩn bị đi B ở Trường 105, Hòa Bình năm ấy trong số 70 người, có bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tuy là một giọng ca quần chúng, nhưng Đặng Thùy Trâm có giọng hát khá hay, truyền cảm có sức lôi cuốn người nghe. Trong buổi văn nghệ bế mạc khóa tập huấn, tôi và Đặng Thùy Trâm song ca bài hát “Trước ngày hội bắn” (Trịnh Qúy) được mọi người vỗ tay tán thưởng. Từ đó, suốt chuyến vượt Trường Sơn trong những buổi  biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, giao liên Đặng Thùy Trâm thường đóng góp vài bài đơn ca và cùng tôi song ca bài “Trước ngày hội bắn”. Đây cũng là một tiết mục nhận được sự cổ vũ rất nồng nhiệt của các khán giả chiến sĩ Trường Sơn. Tháng 4/1967, chúng tôi hành quân vào tới Khu V và chia tay nhau từ đó. Không ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn". Đó là những ký ức, những kỷ niệm mãi nhớ của ông về một thời đã sống, đã cống hiến hết mình cho dân tộc bằng tất cả niềm đam mê của nghiệp hát./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh