NSƯT Kim Nghinh: Đam mê, gắn bó với âm nhạc truyền thống Khmer Nam bộ
- Văn hóa - Giải trí
- 14:36 - 27/10/2016
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc Khmer Nam bộ ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, ngay từ nhỏ NSƯT Kim Nghinh đã được cha truyền dạy cho nhiều ngón đàn của dàn nhạc ngũ âm. Cây đàn đầu tiên ông được cha mình truyền dạy là cây đàn cò, một loại nhạc cụ truyền thống rất phổ biến trong cộng đồng Khmer Nam bộ. Sau khi đã miệt mài khổ công học và chơi được một cách thuần thục cây đàn cò, ông tiếp tục lần lượt học chơi tất cả những loại nhạc cụ truyền thống khác của dàn nhạc ngũ âm truyền thống Khmer Nam bộ. Dàn nhạc ngũ âm gồm 7 loại nhạc khí khác nhau đó là đàn thuyền (Rô – niêt – ek), đàn cò, đàn Khưm, đàn Tà – khê, trống Sa – dăm, bộ cồng (lớn, nhỏ), kèn (lớn, nhỏ). Để chơi được một cách thuần thục 7 loại nhạc khí này một cách điêu luyện, đòi hỏi người nhạc công, ngoài sự công phu khổ luyện còn phải thực sự có tình yêu, sự đam mê, trân quý nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình. NSƯT Kim Nghinh đã hội đủ tất cả những tố chất ấy, nên ông đã nhanh chóng lần lượt chinh phục được tất cả các nhạc khí kể trên.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Nghinh không chỉ chơi thuần thục các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm mà còn là nhạc sĩ có nhiều ca khúc được khán giả yêu thích
Tuy nhiên, bước ngoặt của cuộc đời và sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của ông chỉ thực sự bắt đầu có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ từ khi được chọn tuyển về đầu quân ở Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh vào năm 1982. Chính tại môi trường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp này, ngoài là một nhạc công đa năng, ông còn là một nhạc sĩ đam mê sáng tác với rất nhiều ca khúc trữ tình, lãng mạn ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi trong sáng giàu âm hưởng dân ca Khmer Nam bộ.
Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo công chúng, nhất là cộng đồng Khmer Nam bộ yêu thích, thuộc nằm lòng, thường chọn làm những tiết mục biểu diễn văn nghệ tại các nhà chùa, phum, sóc như: Tình ca, Ơn mẹ, Tình chung thủy, Cô gái đồng quê, Bông cây thốt nốt, Mùa hoa nở…Với những đóng góp đáng kể trong hoạt động nghệ thuật, năm 2007 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Đây thực sự là niềm động viên khích lệ cho ông thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống cũng như trong cống hiến cho nghệ thuật. Hiện nay ngoài việc sáng tác và chơi các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, ông còn là một người thấy tận tâm truyền dạy kiến thức âm nhạc và luyện đàn cho các lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa của Đoàn. Đồng thời ông dã và đang dồn hết tâm huyết và dành một phần thời gian để đi về các nhà chùa, phum, sóc sưu tầm, ghi chép vốn âm nhạc cổ truyền thống Khmer, góp phần bổ sung làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật của dân tộc mình.