CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:11

NSND Đặng Thái Sơn: Vẫn hồi hộp khi chơi đàn

* Thưa NSND Đặng Thái Sơn, ông đến với âm nhạc chính xác là từ khi nào?

- Là cái số, vì anh chị em tôi ai cũng chơi đàn. Đến tôi, bố mẹ không ép, không muốn tôi chơi đàn cho ầm ĩ. Nhưng bố mẹ không thích thì tôi lại thích. Cây đàn đối với tôi như một thứ đồ chơi. Tôi lại gần, hay lân la đến với cây đàn, tìm ra giai điệu của từng bài hát. Bố mẹ quan sát và thấy tôi thực sự không hờ hững với âm nhạc. Đến bước thứ hai, thử khả năng nghe, lúc đó, bố mẹ mới cho học âm nhạc. Rất khó để xác định được thời điểm tôi đến với cây đàn.

* Phong cách âm nhạc của ông chịu ảnh hưởng từ ai, mẹ hay bố?

- Từ cả hai. Làm về âm nhạc, mẹ cho tôi cái hiểu rất cụ thể về trường sở, dính líu đến cây đàn. Người nghệ sỹ rất cần nội tâm nên bố tôi không nhiều lời. Tôi không nói chuyện nhiều với bố, bởi ông nói rất ít. Mỗi lời nói của ông, đến bây giờ suy ra, tôi thấy như một sợi chỉ hồng trong đường đi.

* Cảm xúc của ông khi chạm tới phím đàn dương cầm? Điều gì giúp ông đạt đến thành công như ngày nay?

- Đàn như đồ chơi. Cái thời ấy, con trai đánh bi, đánh xèn. Một cây đàn phát ra âm thanh, bước đầu tôi thấy rất thú vị và tìm ra giai điệu. Không giống như bây giờ, giới trẻ có quyền quyết định hướng đi của mình như thế nào. Lúc đó, vào trường rồi, đánh hay đánh dở cũng là cái nghiệp và tôi đã xác định, mình sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp. Đến bây giờ, tôi không thể tin mình nói với đồng nghiệp là đã đi qua các bước như vậy. Ai cũng biết, khi đạt đến trình độ quốc tế, tức là dính dáng rất nhiều đến trường sở cơ bản. Ở Việt Nam, tôi mất 19 năm học theo bản năng. Khi sang Liên Xô (cũ), lúc đó tôi đã 19 tuổi, tôi gây dựng lại trường sở. Chỉ sau ba năm học tại Học viện Tchaikvosky đến khi thi tại Ba Lan, tôi đã giành giải Nhất. Tôi nghĩ, những năm tháng ham học nhất của tôi là ở Liên Xô. Đúng là tôi đã trải qua những khó khăn, nhưng tất cả phụ thuộc vào lý trí. Bởi vì, ở Việt Nam, mình ham học nhưng không có điều kiện, không có điện thì không thể nghe được băng đĩa, chẳng có ai đến hướng dẫn, mình phải mò mẫm học. Tôi còn nhớ, lúc 7 - 8 tuổi, mình phải tự chép tay. Có bài thích quá, tôi phải đến Thư viện Quốc gia để chép nhạc, và khi chép xong thì mình cũng thuộc luôn. Vì thế, khi sang Liên Xô, có thầy, trường tốt, tôi không thấy mệt.

NSND Đặng Thái Sơn.

* Ông có nhớ cảm xúc của mình khi đoạt giải Nhất đầu tiên tại một cuộc thi quốc tế?

- Không ai đi thi mà tài tử như tôi lúc bấy giờ. Đơn thi chỉ có hai dòng liệt kê ngày tháng năm sinh, quê hương và hiện đang học tại Học viện Tchaikovsky, không có một tiểu sử nào về biểu diễn, chưa một lần chơi với dàn nhạc, chưa một lần giật giải quốc tế… Lúc đầu, người ta từ chối. Sau đấy, BTC suy xét lại với hai lý do: Lần đầu tiên Việt Nam cử một đại diện đi thi từ xứ xa xôi và cậu này học ở

Tchaikovsky - ngôi trường  lớn trên thế giới. Cả đời tôi chưa một lần biểu diễn, tôi mặc nguyên bộ quần áo sinh viên. Qua ba vòng, đến vòng chơi với dàn nhạc, tôi mới cuống lên, không lo đến bản concerto mà chỉ lo sao có quần áo mặc. Cuối cùng tại sao tôi lại có thể được giải? Vì Học viện Tchaikovsky cho tôi sự chuyên nghiệp.

* Đó cũng là lý do ông trở thành -“Người được Chopin chọn”?

- Đó là số phận. Lúc đó, ở Việt Nam khó khăn đủ điều. Năm 1970, mẹ tôi được mời sang dự cuộc thi về Chopin với tư cách khách mời. Sau đấy, bà đem toàn bộ sách về Chopin và kể tất cả về cuộc thi làm tôi rất hào hứng. Tôi chẳng có những điều kiện học Mozart hay ai khác, vì thế Chopin ngấm vào tôi từ nhỏ. Và Chopin là âm nhạc cho mình thể hiện suy nghĩ, tình cảm.

* Để đánh thức một bản nhạc hay cần có nhạc cảm. Vậy, bản thân ông có mối liên hệ nào với Chopin khi cả hai cách xa nhau về khoảng cách địa lý?

- Bản thân nhạc Chopin có sự thơ mộng và cái đẹp. Chopin rất gần với tôi về tâm hồn. Cuộc đời của tôi cũng lưu vong nhiều năm nên có sự đồng cảm với ông.

* Có phải vì vậy, ông luôn hướng về đất nước?

- Hướng về đất nước có nhiều cách hiểu, chứ không nhất thiết về tận nơi. Tôi cứ nhớ các buổi diễn trang trọng không có một bóng người Việt nào, tôi thấy hãnh diện, mình là người Việt. Chuyện đấy chẳng ai biết. Mà có lẽ, sự hãnh diện đầu tiên là cuộc thi Chopin, lúc ấy tôi là một cậu sinh viên quèn.

* Người mộ điệu âm nhạc cổ điển đều thích ông chơi nhạc Chopin. Khi ông chơi tác phẩm của nhà soạn nhạc khác, có gặp khó khăn nào không?

- Thay đổi cái mác cũng khó đấy. Nhưng tôi nghĩ, trước tiên phải lấy được sự công nhận của quốc tế. Sau đấy, trong nước, mỗi cuộc biểu diễn có nhiều thành phần và qua thử thách, tôi mới dựng cho mình các chương trình ngoài Chopin. Như chương trình gần đây, tôi dựng một nửa Chopin và nửa nhạc Pháp.

* Tại sao ông chọn nhạc Pháp làm sở trường?

- Tôi nghĩ, Việt Nam và Pháp có sự gắn bó. Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp và nhạc Pháp ảnh hưởng Á Đông rất nhiều ở sự tinh tế, tế nhị. Lúc đầu, tôi được đào tạo piano bằng trường phái Pháp. Sau này, kết hợp với trường phái Liên Xô thành phong cách của mình. Viên gạch đầu tiên của tôi là nhạc Pháp.

* Sau 35 năm, ông chơi lại bản nhạc từng giành giải tại cuộc thi ở Ba Lan. Cảm xúc của ông như thế nào?

- Tôi cũng hồi hộp như khán giả. Bài này tôi chơi nhuần nhuyễn lắm rồi, giờnhắm mắt cũng đánh được. Nó tạo cho tôi sự tự do, muốn nói gì, thủ thỉ gì với khán giả thì tùy. Trước đây, tôi chơi bản này rất thơ mộng nhưng bây giờ, tôi nghĩ mình đi vào chiều sâu hơn. Bản này có ý nghĩa lớn vì Chopin viết bài này khi có mối tình đầu đầy trong lành nhưng cũng rất quằn quại.

* Ông thường làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho mỗi buổi biểu diễn của mình?

- Ai cũng hồi hộp cả. Tôi đánh đàn mấy chục năm rồi vẫn không thể quen được. Làm sao cho mình tĩnh tâm lại, giữ được cân bằng về thần kinh là điều quan trọng nhất.

* Điều gì làm ông hài lòng sau mỗi đêm diễn?

- Làm được tối đa những gì mình có thể làm. Nhiều khi mình chuẩn bị rất tốt nhưng mọi việc diễn ra không theo ý mình. Cô đơn là lúc nạp điện còn lúc diễn là phóng điện. Cô đơn thì buồn nhưng nhiều lúc tôi tìm thấy niềm vui ở trong đó. Ngoài sự nghiệp biểu diễn, tôi đang mở rộng các hoạt động như giảng dạy nên không có nhiều thời gian để cô đơn. Xung quanh luôn luôn có học trò trẻ trung, đấy là niềm vui rất lớn. 

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh