THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:08

Đối thoại thanh niên: Nóng vấn đề khởi nghiệp

 

Tìm nguồn vốn cho thanh niên lập nghiệp

Khởi nghiệp là vấn đề nóng được nhiều đoàn viên quan tâm trong buổi đối thoại với thủ lĩnh thanh niên Việt Nam. Theo bạn Lù Thị Trang (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên. Đối với thanh niên vùng đặc biệt khó khăn, thanh niên dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới thì vấn đề khởi nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập còn rất khó khăn. Vậy T.Ư Đoàn đã có những chủ trương, giải pháp gì cụ thể để hỗ trợ cho khu vực và các đối tượng đặc thù này?

 

Thanh niên miền núi linh động hỗ trợ nhau để khởi nghiệp.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp cho các thanh niên, đặc biệt là các thanh niên miền núi còn nhiều khó khăn, Giàng Seo Châu (Phó chủ tịch xã Mản Thẩn, H.Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016), cho biết: Thực tế ở vùng sâu, vùng xa, để thanh niên có nguồn vốn lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình thì khó. Như ở xã của Châu đang công tác, thanh niên tách gia đình lấy vợ lấy chồng đều là hộ nghèo. Hiện tại, vốn vay chủ yếu là Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, nhưng mức vay 30 - 50 triệu thì rất khó để có thể đầu tư vào sản xuất. Theo Châu, dù địa phương rất muốn tạo điều kiện cho thanh niên nhưng không thể có nguồn nào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Giải đáp về vấn đề vốn cho thanh niên miền núi khởi nghiệp, Bí thư thứ nhất T.Ư đoàn thừa nhận, đúng là nhu cầu vay vốn của thanh niên đang rất lớn. Tuy nhiên, chỉ Đoàn thanh niên thì không đáp ứng hết nhu cầu. Vì thế, một mặt Đoàn có gắng tìm kiếm để có nhiều nguồn cho thanh niên vay, kêu gọi các bạn trẻ lập nghiệp thành công hỗ trợ trực tiếp về con, cây giống cho các bạn khó khăn để tạo dựng các mô hình chăn nuôi, đó là cách để giúp thanh niên trong khả năng của mình. “Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, thanh niên giúp nhau bằng con giống, hỗ trợ ngày công lao động, cùng nhau chăm sóc các mô hình chăn nuôi, trồng trọt rồi khi thu hoạch thì chia sẻ nguồn thu để tái đầu tư trở lại. Đây là cách làm hiệu quả ở vùng sâu vùng xa hiện nay. Ý kiến của các bạn chúng tôi rất chia sẻ và ghi nhận, trong thời gian tới, Đoàn phải cố gắng để có hỗ trợ các bạn nhiều hơn”, Bí thư thứ nhất T Ư đoàn chia sẻ. 

Ông Phong cho biết, tìm nguồn vốn cho thanh niên vay lập nghiệp là vấn đề Đoàn rất trăn trở. Hiện T.Ư Đoàn đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Đoàn tìm kiếm các nguồn lực xã hội khác, thành lập những HTX, tổ nhóm liên kết hỗ trợ sản xuất… là hướng đi tới. “Chúng tôi hứa trong thời gian tới sẽ cải thiện vấn đề vốn cho đoàn viên vay. Đồng thời, các thanh niên khi tìm đến với Đoàn, Hội đề xuất nguyện vọng để được tư vấn, mở cho các bạn trẻ nhiều hướng đi chứ không chỉ là tiếp nhận hồ sơ vay vốn” . Ông Phong thông tin,ngoài các hoạt động của T.Ư Đoàn, Chính phủ cũng giao cho nhiều bộ, ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp như: Bộ GD&ĐT, Bộ KH&ĐT...

Đoàn, Đội địa phương tăng cường tập huấn kỹ năng cho các em

Một vấn đề nóng được nhiều bạn trẻ quan tâm chính là vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bạn Lê Minh Xuân Thanh (ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, học sinh là đội viên của tổ chức Đội nhưng sao không thấy tổ chức Đoàn, Hội vào cuộc lên tiếng khi xảy ra những vụ xâm hại vừa qua? Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Phong cho biết: “Khi tiếp nhận thông tin về những sự việc xâm hại trẻ em, chúng tôi rất đau lòng”. 

Ông Phong cho rằng, thiếu nhi là đội viên của Đội TNTP Hồ Chí Minh, được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động, chăm lo. Ngay khi có những sự việc xảy ra, T.Ư Đoàn giao nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn, Đội ở địa phương xác minh, theo dõi sự việc để bảo vệ quyền lợi cho các em, tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các em và gia đình. Các sự việc cho thấy, đó là những hành vi phạm pháp, không thể chấp nhận mà tổ chức Đoàn, Đội cần lên tiếng để nghiêm trị. “Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo chung cho các tổ chức Đoàn, Đội ở các địa phương cần phải tăng cường tập huấn kỹ năng, kiến thức cho các em học sinh, tổ chức Đội để phòng tránh, mục tiêu là ngăn ngừa, không để xảy ra các sự việc đau xót nêu trên. Nhưng khi có sự việc xảy ra, thì tổ chức Đội, Đoàn cần phải có quy trình để xử lý kịp thời. Đối với các vụ việc xâm hại trẻ em hiện nay, chúng tôi vẫn theo dõi sát sao để có biện pháp cụ thể”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo đại úy Lê Minh Cường, Bí thư Chi đoàn 20, Lữ Đoàn Đặc công 429, Binh chủng Đặc công, hàng năm số lượng thanh niên là bộ đội xuất ngũ rất lớn. Để góp phần giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên là bộ đội xuất ngũ, với vị trí, vai trò của mình, T.Ư Đoàn đã phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương triển khai những chủ trương giải pháp nào?”

Giải đáp vấn đề này, Bí thư thứ nhất T.Ư đoàn cho biết, hiện nay Trung ương Đoàn phối hợp với tổ chức Đoàn ở địa phương giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, giúp các bạn ổn định cuộc sống gia đình. Trong thời gian tới, Đoàn sẽ làm tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ việc làm cho bộ đội xuất ngũ.

KHÁNH LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh