Nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 07:14 - 30/05/2022
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" diễn ra ngày 29/5, tại Sơn La. Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các ban Đảng, các Ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Người lao động cần hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức
Phát biểu tại hội nghị TS. Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp nêu vấn đề, muốn thực hiện thành công việc xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng. Ông đặt câu hỏi:"Chính phủ có chính sách đột phá gì về đào tạo nghề cho nông dân, để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp?"
Trả lời câu hỏi theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới rất thành công. Nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp nên phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ cho nông dân theo tinh thần mà Hội nghị Trung ương 5 vừa nêu ra là toàn diện và văn minh. Về vấn đề đổi mới trong đào tạo nghề, Bộ trưởng tán thành quan điểm phải chú trọng công tác tuyên truyền.
Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến đào tạo nghề trong thời gian tới. Trước hết, người lao động cần hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình. Bộ trưởng mong Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT cùng thực hiện việc này. Cần đổi mới đào tạo nghề, trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền như tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân. Về vấn đề này, với mỗi vùng cần cách thức đổi mới tuyên truyền khác nhau.
"Trước năm 2010, ở huyện nghèo Trạm Tấu (Yên Bái), bà con còn chưa biết trồng ngô. Chúng tôi đã huy động sinh viên trường nông nghiệp lên hướng dẫn bà con trồng ngô. Sau đó, một vụ, hai vụ thành công, bà con ở đó mới làm theo. Từ chuyện này cho thấy, nhiều nông dân cần có lực lượng mang tính chất dẫn dắt", Bộ trưởng lấy ví dụ.
Ngoài ra, đổi mới trong công tác đào tạo nghề phải gắn với đổi mới chương trình, giáo trình, học liệu… Từ đó, gắn đào tạo với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân. Vấn đề tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh là phải đổi mới cơ cấu nguồn lực đầu tư. Trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách bố trí khá nhiều nguồn lực cho đào tạo nghề nhưng qua kiểm tra, khi về địa phương, khoản này thường bị chuyển sang nhiệm vụ khác. Thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực cho đào tạo nghề một cách chính xác, đầy đủ.
Một vấn đề nữa trong đào tạo nghề, đó là phải phân vai, phân công rõ ràng cho từng Bộ, ngành. Theo đó, toàn bộ hoạt động đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh; đào tạo nghề phi nông nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.
Cần sự chung tay của cả xã hội để đào tạo nguồn nhân lực
Trao đổi thêm về vấn đề đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn, Giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm đồng tình với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay. Theo bà Lan, để phát triển nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ, ngoài các giải pháp về tài chính thì vấn đề nguồn nhân lực được coi là cốt lõi.
Nói thêm về vấn đề tạo công ăn việc làm, Thủ tướng gợi ý, thực tế tại Việt Nam, nơi tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất vẫn là ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. Đó là các trung tâm, có kết nối giao thông thuận tiện. Ví dụ như Hà Nội, khi không gian đô thị trở nên chật hẹp thì sẽ mở rộng ra các khu vực giáp ranh, từ đó tiếp tục lan tỏa, phát triển rộng ra. Khi hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối thuận tiện sẽ thúc đẩy nhiều vùng cùng phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, khu vực, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm tại chỗ hơn.
Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng tạo không gian phát triển rộng hơn. Hạ tầng chính là yếu tố then chốt cho các địa phương phát triển, là yếu tố chính thu hút lao động. Bài toán mà Đảng, Nhà nước đã chỉ rõ từ Đại hội 11 là phải tạo đột phá về giao thông. Đường sá chạy đến đâu sẽ tạo ra không gian phát triển đến đó. Giao thông sẽ tạo ra hút đầu tư, hình thành khu công nghiệp, khu đô thị, từ đó tạo ra công ăn việc làm và thu hút lao động.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng cho biết, ngay đầu nhiệm kỳ này, ngân sách Nhà nước đã dành 2.000 tỷ đồng cho đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần sự chung tay của cả xã hội, trong đó có các trường dạy nghề.