THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:28

Nông dân lao đao vì nông sản rẻ

Xuất khẩu nông sản gặp khó…

Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 8/2015, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, giảm 10,7% so với tháng trước và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2014. Tính ra, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 10 thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch. Tuy nhiên, những diễn biến đầu năm nay khi hàng nghìn xe hoa quả bị ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc cho thấy, thị trường này không còn quá “dễ tính”.

Việc xuất khẩu nông sản sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các thị trường lớn trên thế giới cũng luôn vấp phải thách thức khi nông sản Việt khó đáp ứng được đòi hỏi nghiêm ngặt về quy trình sản xuất sạch. Sản phẩm của nông dân làm ra ngoài việc bị thương lái ép giá, lại lúng túng quy trình sản xuất đáp ứng xuất khẩu, thị trường trong nước cũng thường xuyên bấp bênh, mất mùa thì lỗ, được mùa lại rớt giá. Cái vòng luẩn quẩn chưa có cách tháo gỡ, khiến thu nhập của người dân luôn đối mặt với “thất bát”.

 Thanh long giá rẻ đang bán tràn lan trên thị trường với giá chỉ từ 10.000- 15.000đồng/kg.

Lý giải về việc nhiều nông sản như thanh long Bình Thuận, khoai Vĩnh Long, chanh Đồng Tháp... khi được mùa thì rớt giá thê thảm, ông Nguyễn Như Cường,  Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với các sản phẩm ăn quả, Bộ NN&PTNT có chính sách rải vụ “6- 4”, tức 6 chính vụ và 4 rải vụ, nhằm hạn chế được tính thời vụ của các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết được bài toán sản phẩm dư thừa, rớt giá và kỳ vọng có hiệu quả tích cực về lâu về dài.

Mất thị phần ngay trên “sân nhà”

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước, hơn 80% hàng nông sản Việt Nam được bán ra thị trường thế giới phải mang thương hiệu của nước khác. Tại thị trường nội địa, hàng nông sản Việt cũng không có nhãn hiệu nên luôn bị thua trên sân nhà. Các loại hàng nông sản đặc sản có xuất xứ như nho Ninh Thuận, mận Bắc Hà, cam Canh, vải Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên... nhưng lại không có địa chỉ liên hệ nào với nơi sản xuất, không bao bì đóng gói, chứng nhận nên độ tin cậy với người tiêu dùng bị giảm sút, nông dân chịu thiệt thòi với chính thương phẩm của mình. Vì thế, cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao nhận thức về thương hiệu nông sản cho người dân và doanh nghiệp, để sản phẩm khi bán trên thị trường được gắn tem, nhãn, bao bì, được kiểm soát chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Có như thế, nông sản Việt mới giữ vững vị thế trên sân nhà trước khi tìm đường “xuất ngoại”.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, giá nông sản liên tục chật vật một phần do chính sách thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, trồng trọt... chưa đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong khi độ rủi ro lại lớn. Ngoài ra, hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản còn kém, chưa tạo sự gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Việc phân phối lợi nhuận không minh bạch, dồn nhiều lợi nhuận vào khâu trung gian khiến nông dân bị thiệt thòi. 

“40 kg chanh giá 6.000 đồng, không bằng giá một ổ bánh mì tại thành phố; 2 kg khoai lang bằng ly trà đá, nông dân sống sao với mùa vụ?”- là trăn trở của các chuyên gia kinh tế tại các diễn đàn gỡ khó cho nông sản. Nhiều lần nông dân phải chặt, đốt cây trồng, bán rẻ hơn đem cho như ổi Sóc Trăng giá 500 đồng/kg, thậm chí cho cả gia súc ăn vì không ai cần (dưa hấu cho bò, lợn; mít cho cá...). Các nhà quản lý cho rằng, hiện tượng được mùa mất giá kiểu này đã xảy ra nhiều năm nay, và sẽ tiếp tục diễn ra nếu không giúp nông dân tìm kiếm thị trường bền vững. 

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh