THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:55

Gia Lai: Người dân cay đắng phá bỏ ngô không hạt hỗ trợ hạn hán

 

Các hộ dân phấn khởi biết tin chính quyền sẽ có nguồn vốn hỗ trợ hạn hán. Tuy nhiên, từ ngày cấp phát giống bắp LVN10, người dân lại “khốn đốn” khi gần đến ngày thu hoạch thấy giống ngô này chỉ tốt cây, năng xuất không có, nông dân nơm nớp lo khoản tiền cày đất, xuống giống, làm cỏ.

Một số người vẫn tin tưởng, trồng giống bắp LVN10 với hy vọng chất lượng giống hỗ trợ cao hơn những giống trước đây. Tuy nhiên, không chỉ thất thu, người dân lại phải bù lỗ vì đã rót vốn đầu tư cả chục triệu đồng/ha. Gia đình ông Chu Văn Nghĩa, ở thôn Hưng Phú, xã La Rsươm phải cay đắng phá dần 2ha ngô tươi tốt để cho bò ăn. “Lẽ ra ngô trồng 3 tháng là có hạt mầm, nhưng 2ha ngô của nhà tôi chỉ thấy cây cao ngang đầu người, bắp không có hạt, tranh thủ lúc ngô còn xanh chặt cho bò ăn chứ đợi già, khô rồi lại phải đốt bỏ” – Ông Nghĩa ngậm ngùi nói và cho biết nhiều gia đình trong thôn còn tồn hơn 1 tạ giống trong nhà, bán cũng không được, mà trồng thì lỗ vốn.

Ông Phạm Văn Học, Bí thư chi bộ thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm cho biết: “Giống ngô LVN10 của Công ty Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam sản xuất, đây là giống ngô đã được sử dụng từ hơn 10 năm trước, giống này người dân đã bỏ trồng từ lâu, bởi năng suất thấp, không hiệu quả. Mỗi gia đình nhận được 38kg ngô giống/ha cho số hoa màu bị thiệt hại sau hạn, có hộ nhận đến gần 2 tạ giống. Nhiều hộ biết giống ngô kém chất lượng đã bán lại cho các đại lý với giá 5 ngàn/kg. Tuy nhiên, sau khi thấy không có khả năng tiêu thụ loại giống này, các đại lý đã dừng không thu mua dù giá rẻ như cho”

 

Ngô 3 tháng tuổi nhưng không có hạt

 

Người dân xã La Dreh cho rằng, việc chính quyền hỗ trợ giống ngô cho hạn hán là không phù hợp, bởi thổ nhưỡng, nắng hạn kéo dài, địa hình trũng từ nhiều vách núi trên địa bàn xã chỉ thích hợp với trồng lúa và khoai, sắn nơi sườn núi. “Những năm trước mình và nhiều người trong buôn cũng trồng ngô, nhưng năm nào cũng mất mùa, vì ngô lớn ngang bụng là bị nắng làm chết hết. Giờ mình chỉ trồng một ít cho gà ăn thôi, ngô muốn có bắp to phải bỏ phân cho nó, nhà mình nghèo lấy đâu ra tiền, có khi bỏ phân ngô tươi tốt thì lại bị nắng hạn làm cháy ngọn”- Anh Rô My, buôn H’vứt, xã La Dreh chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã La Dreh Ksơr Jú nói: “Thôn H’vứt thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn hán năm nay, với 15ha trên tổng diện tích thiệt hại của 7 thôn trong xã là 28ha. Mình đã cử cán bộ nông nghiệp của xã xuống từng thôn, buôn, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng để hỗ trợ kiến thức cũng như cách trồng, loại giống phù hợp” và đã cấp giống lúa DV108 theo yêu cầu từ các hộ dân.

Về bất cập trong cấp giống hỗ trợ hạn hán, thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, xã La Rsươm là địa phương nhận được khoản hỗ trợ lớn nhất trong hai đợt. Đợt 1 xã này được hỗ trợ giống ngô CP333 và giống lúa ĐV108, với tổng giá trị 144,9 triệu đồng và đợt 2 xã nhận hỗ trợ giống ngô LVN10 và lúa ĐV108, tổng giá trị là 660,5 triệu đồng. Theo khung giá, giống ngô CP333 có giá 100 ngàn đồng/kg còn giống LVN10 chỉ có 49,9 ngàn đồng/kg. Trong đợt 2, toàn xã được hỗ trợ 9,416 tấn ngô LVN10.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Huyện vẫn chưa nắm được hiệu quả của giống ngô hỗ trợ đến đâu. Riêng giống ngô LVN10 do nhiều công ty sản xuất nên chất lượng cũng khác nhau. Tuy vậy, khi hỗ trợ hạn hán cần phải bám sát với nhu cầu thực tế của từng địa phương hơn là cào bằng, hoặc có thể hỗ trợ phân bón chứ không chỉ hỗ trợ giống, sẽ thiết thực hơn”.

LÊ NHUẬN- NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh