THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Nông dân điêu đứng vì giá hồ tiêu giảm mạnh

 

TTXVN đưa tin, theo cam kết, nhà xuất khẩu Nedspice ký thu mua cho nhà nông có liên kết với các câu lạc bộ trồng hồ tiêu sạch được khoảng 10.000 tấn. Như vậy, hiện còn hơn 20.000 tấn hồ tiêu chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Sáng 26/2, theo ghi nhận của phóng viên, giá thu mua hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước dao động từ 45.000 - 46.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu giảm xuống mức báo động. Với giá thu mua này, nhiều nhà nông thu hoạch không đủ ăn , thậm chí lỗ do phải chi phí nhiều các khoản: phân bón, thuê nhân công...

 

Người dân huyện Bù Gia Mập thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi mới đây làm việc với sở, ban ngành của tỉnh cùng các doanh nghiệp đã đề cập tới việc hơn 20.000 tấn hồ tiêu thu hoạch trong vụ mới 2019 “ bấp bênh” về đầu ra. Bí thư Tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong và ngoài nước quan tâm vụ thu hoạch hồ tiêu của địa phương bởi giá thu mua xuống thấp, nông dân gặp khó.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho biết, toàn bộ hồ tiêu đều là sản phẩm sạch, đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu chính ngạch hiện chỉ có một đơn vị cam kết thu mua với số lượng chưa tới 1/3 sản lượng toàn tỉnh. Để ổn định đầu ra cho hồ tiêu cần có sự liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và tổ chức xuất khẩu.

Theo ghi nhận, hiện nhiều nhà vườn trồng hồ tiêu tại Bình Phước lao đao vì thiếu nhân công thu hoạch mùa vụ hồ tiêu 2019. Do khan hiếm nhân công nên phát sinh thỏa thuận mới trong giao dịch về thu hoạch. Người hái hồ tiêu được nhà vườn thuê hái khoán theo năng suất, với mức khoán 4.000 đồng/kg đối với nhân công thu hái. Cách làm này giúp nhà vườn chủ động trong tính toán về sản lượng, ước được nguồn thu hoạch và chi phí khấu trừ trả nhân công. Vì vậy, chủ vườn tiêu dễ tính được thu nhập từ vụ thu hoạch.

 

Nông dân trồng tiêu mong được khoanh nợ để ổn định sản xuất (chụp tại huyện Chư Pứh). Ảnh:  L.K

Anh Nguyễn Văn Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản làm thuê hái khoán hồ tiêu cho các nhà vườn và có được mức thu nhập cao. Sản lượng tiêu anh hái cả ngày được từ 70 - 80kg, vợ hái nhanh hơn được khoảng 100kg tiêu tươi. Với giá khoán 4.000 đồng/kg, hai vợ chồng anh Sơn có thu nhập khá mùa vụ này. 

Nhân công làm thuê vui mừng vì được trả công khá, trong khi nhà vườn "méo mặt". Theo tính toán nhiều nhà vườn, nếu trừ chi phí nhân công, phân bón, điện nước, công chăm sóc, nhiều nhà vườn không có lãi mùa vụ 2019.

Theo Dân Việt, tại Gia Lai, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Riêng huyện Chư Pứh, người dân vay vốn trồng tiêu hơn 1.400 tỷ đồng. Thực tế, sau khi hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá thấp nên nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, tình hình chung hiện nay là người dân trồng tiêu vay vốn ngân hàng nhưng rất khó có khả năng trả nợ. Để tháo gỡ vướng mắc cho bà con thì cần phải có giải pháp khoanh nợ, dãn nợ cho dân. Mà để các ngân hàng thực hiện khoanh nợ thì địa phương phải công bố thiên tai trên diện rộng mới được.

Theo ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại đã nhiều lần trực tiếp làm việc với cấp ủy các huyện để nắm tình hình thực tế và tìm hướng tháo gỡ giúp dân. Qua đó, các ngân hàng đã có nhiều giải pháp dãn nợ và tái cơ cấu lại nợ cho bà con yên tâm sản xuất. Vấn đề khoanh nợ thì không thực hiện được vì để khoanh nợ thì trước tiên địa phương phải có quyết định công bố thiên tai dịch bệnh và được Chính phủ chấp thuận. Để việc cơ cấu nợ, dãn nợ hiệu quả thì người dân nên phối hợp với ngân hàng để giải quyết, không nên mặc kệ giao tài sản cho ngân hàng mà không chịu trả lãi.

TA (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh