Nông dân An Giang đổi đời từ nuôi rắn hổ hèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:56 - 21/11/2015
Tuy là loài rắn hổ, nhưng rắn hổ hèo không có nọc độc, thịt lại rất ngon, bổ dưỡng có nhiều công dụng trong y học, nên nhu cầu tiêu thụ rắn thương phẩm trên thị trường rất lớn, giá cao và ổn định. Theo nhiều nông dân nuôi rắn hổ hèo, nếu so với nuôi trăn thì nuôi rắn hổ hèo lợi nhuận cao hơn. Rắn hổ hèo dễ nuôi, ít bị bệnh, vốn đầu tư ban đầu cho xây dựng chuồng trại và con giống không lớn, phù hợp với điều kiện hộ nông dân nghèo nên thu hút nhiều người tham gia mô hình nay. Hiện nay, nông dân ở các địa phương vùng lũ như: Tân Châu, An Phú, Phú Tân coi đây là một trong những mô hình giảm nghèo và làm giàu hiệu quả đang được nhân rộng.
Xây chuồng trại Nuôi rắn hổ hèo theo mô hình mới chia từng ngăn hộc nhỏ
Một trong những người tiên phong phát triển nghề nuôi rắn hổ hẻo với quy mô lớn là ông Nguyễn Hoàng Việt, ở ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang). Được biết, với hơn 100 con rắn hổ hèo bố mẹ, hiện nay hàng năm trang trại của ông Việt cung cấp cho thị trường gần 1000 con rắn giống và thương phẩm. Ông Việt cho biết, riêng tính bán rắn thương phẩm với giá dao động từ 600.000 đ đến 800.000 đồng/kg, mỗi năm đã đem lại cho gia đình ông khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Mô hình của ông đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những người nuôi nhỏ lẻ và nuôi trong hầm tối trước đó. Bởi, cách làm của ông đã khắc phục được những hạn chế, những nhược điểm mà nhiều hộ nuôi trước đây đã vấp phải. Theo ông Việt, rắn hổ hèo tuy dễ nuôi, nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế cao, người nuôi phải nắm vững các kỹ thuật nuôi, chăm sóc cơ bản như thiết kế chuồng trại, lựa chọn con giống, nguồn thức ăn.
Làm chuồng trại cho rắn hổ hèo bằng tre kê cao ráo tránh ẩm ướt
Khác với những hộ trước đây thường nuôi rắn hổ hèo trong hầm tối, ông Việt đã chọn phương pháp thiết kế chuồng trại bằng lưới, nền đất có tráng lớp cát mỏng để dễ dàng trong khâu theo dõi sự phát triển, mật độ gia tăng của đàn rắn trên một đơn vị diện tích và tiện lợi cho vệ sinh chuồng trại. Đồng thời cách thiết kế chuồng trại này còn có ưu điểm là làm cho đàn rắn dần dần thân thiện với người nuôi, từ đó khâu chăm sóc cũng thuận lợi hơn. Hiện nay, mô hình nuôi rắn hổ hèo của ông đã được nhiều nông dân trong vùng học tập kinh nghiệm và áp dụng làm theo, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá và giàu ở địa phương.
Nuôi rắn hổ hèo trong hầm xi măng
Theo một số hộ nuôi rắn hổ hèo cho biết, nguồn thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của mô hình nuôi rắn hổ hèo. Rắn hổ hèo được chăm sóc tốt có sức lớn nhanh, nên nhu cầu thức ăn của rắn rất cao và tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, mà nguồn thức ăn cho rắn cũng khác nhau.
Nuôi rắn hổ hèo trong chuồng trại bằng lưới đảm bảo thoáng mát
Trong giai đoạn rắn còn nhỏ, nguồn thức ăn chủ yếu là nhái con, khi nuôi được khoảng 6 tháng có thể sử dụng những loại con mồi lớn hơn như ếch, cóc, chuột tùy theo điều kiện thực tế, sau 1 năm tuổi rắn trưởng thành đạt trọng lượng trung bình từ 1, 4 – 1,7 kg/con. Rắn nuôi sau một năm thì rắn đực và rắn cái sẽ tự phối giống, sau 34 ngày con rắn cái bắt đầu đẻ trứng, mỗi lứa đẻ từ 7 – 10 trứng. Khi thấy rắn hết đẻ trứng thì nên cho tất cả trứng vào một cái thùng gỗ có chứa đất, cát mặt đậy kín để giữ độ ấm trong khi ấp, sau 75 ngày trứng sẽ nở với tỷ lệ rất cao. Rắn con từ 7 – 8 ngày tuổi bắt đầu lột da và lớn rất nhanh, có thể bán rắn con giống với giá khoảng 200.000 đồng/con.
Trứng rắn hổ hèo luôn được bán với giá cao, ổn định
Theo giá thị trường hiện nay, người nông dân nuôi rắn hổ hèo thương phẩm, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân lời mỗi con khoảng 300.000 đồng/con/một năm nuôi. Đây thực sự là một mô hình không những góp phần giảm nghèo bền vững, mà còn là cơ hội vươn lên làm giàu cho người nông dân ở một số huyện của An Giang hiện nay./.