Lễ hội 2015: Nóng chuyện “đập đầu trâu”, “chém lợn”
- Văn hóa - Giải trí
- 13:04 - 04/07/2015
Không thể phủ nhận mùa lễ hội 2015 đã có những chuyển biến tích cực, các địa phương đã chủ động xây dựng nội dung lễ hội phù hợp với di tích và truyền thống văn hóa. Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc các phong tục tập quán tốt đẹp. Một số địa phương đã tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết, thực hiện các quy định của Ban tổ chức, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá một số mặt hàng như Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Đô (Bắc Ninh), Côn Sơn (Hải Dương)… Nhiều nơi đảm bảo các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội được quản lý tốt, giảm thiểu việc tăng giá tùy tiện và thương mại hóa lễ hội. Do đó, các lễ hội đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2015 hầu hết không còn xuất hiện trường hợp đổi tiền lẻ công khai, không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh nghiêm trọng giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại, những vấn đề bức xúc trong dư luận như những vấn đề trong tổ chức, quản lý lễ hội tiếp tục được các nhà quản lý bàn thảo như mô hình quản lý chưa thống nhất, vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách hay việc lén lút đốt đồ mã, đổi tiền lẻ, cướp lộc… Trong đó, vấn đề nóng được các nhà quản lý quan tâm, mổ xẻ là việc thực hiện nghi lễ hiến sinh trong các lễ hội truyền thống như tục chém lợn tại lễ hội đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh), tục đập trâu tại lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ)… Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho rằng, cần dung hòa giữa việc tôn trọng cộng đồng làng, xã với việc tôn trọng cộng đồng rộng lớn hơn, thậm chí là toàn thế giới. Vì vậy, rất cần có hình thức thích hợp để thay thế các tập tục không phù hợp với xã hội văn minh. Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: “Tục hiến sinh luôn có sự biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhất định. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, giải quyết hài hòa, có lý, có tình về tục hiến sinh. Cái gì tốt thì giữ lại phát huy, cái gì không còn phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của xã hội thì phải có sự điều chỉnh theo hướng vừa bảo đảm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa phù hợp với hoàn cảnh xã hội trong thời đại ngày nay".
Cấm hay thay đổi lễ hội “đập đầu trâu” , “chém lợn” là vấn đề khiến các nhà quản lý “đau đầu”, bởi trước phản ứng của dư luận, nhà quản lý văn hóa cần phải có những bước đi hết sức thận trọng khi can dự vào những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng và đời sống tinh thần. Đặc biệt, ngay chính các đại biểu đến từ xã Khắc Niệm (Bắc Ninh), xã Hương Nha (Phú Thọ) bày tỏ mong muốn duy trì tổ chức lễ hội truyền thống, nhưng sẽ từng bước tuyên truyền để cộng đồng điều chỉnh cho phù hợp xã hội hiện đại. Theo ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Di sản, chúng ta không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi một lễ hội cổ truyền nào đó chỉ vì có các hiện tượng tiêu cực đi kèm theo, mà cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo được sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng bằng truyền thông. Về quan điểm, các tập tục hiến sinh chứa đựng yếu tố bạo lực cần được thay thế.
Sẽ không có những lễ hội phản cảm
Trong khi đó, TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian lại nêu quan điểm không nhân rộng một mô hình lễ hội từ địa phương này sang địa phương khác. Đặc biệt, một số nghi lễ hiến sinh cần được tổ chức tế nhị và có văn hóa trong một không gian nhất định. “Tôn trọng vai trò, phát huy tính tự chủ của cộng đồng nhưng không thả nổi mà phải xác định rõ vai trò quản lý nhà nước đến đâu và ở khâu nào”, TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, khi phát hiện có vấn đề trong tổ chức lễ hội, những tập tục như tục hiến sinh gây phản cảm, không phù hợp với xã hội văn minh thì phải đối thoại với dân, thuyết phục dân để giải quyết dứt điểm. Người quản lý phải nhạy cảm, chịu trách nhiệm đối thoại với nhân dân. Ở xã hội hiện đại, văn minh không thể vì lợi ích của một cộng đồng nhỏ mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng lớn. “Mùa lễ hội tới tục hiến sinh gây phản cảm không còn diễn ra. Tuy nhiên, việcchuyển đổi hình thức của các nghi lễ này như thế nào cần ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa nhưng những hình thức phản cảm như: đập đầu trâu, chém lợn, cướp phết, cướp lộc… sẽ phải chấm dứt trong mùa lễ hội tới” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.