THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:33

Lễ hội “nghinh ông” văn hóa tâm linh ngư dân miền biển Nam bộ

 

Lễ “tống tàu” tại Lễ hội “Nghinh ông” Gành Hào (Đông Hải – Bạc Liêu).

Ở miệt biển Nam bộ, mỗi địa phương đều lựa chọn ngày Lễ hội  “Nghinh ông” riêng. Cụ thể, hàng năm tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) và Thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời – Cà Mau) tổ chức từ ngày 14 – 16/02 (âm lịch). Còn Thị trấn Gành Hào (Đông Hải – Bạc Liêu) vào các ngày 9, 10, 11/4 (âm lịch) là ngư dân huyện Đông Hải lại tổ chức lễ hội Nghinh Ông.

Riêng Trà Vinh Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long – Cầu Ngang – Trà Vinh) được tổ chức vào các ngày 10, 11, 12 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân vùng biển lớn nhất và lâu đời nhất (gần 100 năm) ở Nam Bộ.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long được Bộ Văn hóaThể thaoDu lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2014). Tại 2 tỉnh Tiền Giang & Vĩnh Long lễ “Nghinh ông” được tổ chức vào rằm tháng 6 âm lịch. Còn Lễ hội “Nghinh ông” tại thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ – T.P Hồ Chí Minh) diễn ra từ ngày 14 – 17/8 (âm lịch) là một trong những lễ hội thờ cúng cá Ông (cá voi) lớn nhất Nam bộ.

Sau khi làm lễ “Nghinh ông” Gành Hào ngoài biển, người dân rước Ông về lăng để thờ phụng.

Quy mô tổ chức các hoạt động ở mỗi địa phương có thể khác nhau nhưng nội dung cốt lõi, các bước hành lễ đều mang những nét tương đồng. Trước ngày hành lễ chính, ngư dân các địa phương đều tổ chức dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng tươm tất, lập bàn thờ thắp nhang khấn nguyện và nghiêm trang chào đón “long đình” hành lễ qua nhà mình. Các hoạt động hiếu hỉ trong gia đình thường tổ chức trước hoặc sau các ngày lễ chính.

Lễ hội “Nghinh ông” tại địa phương thường bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn Nghinh Ông gồm các vị kỳ lão, kỳ hương, quan hầu… lên một chiếc ghe lớn có trang trí hoa, cờ, bàn thờ và đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống, đội múa lân để dâng hương, rượu và cúng tế. Vào ngày lễ chính, làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không mắc tang chế.

Vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi vào lộng an toàn. Lễ hội Nghinh Ông tiếp tục diễn ra với các nghi lễ: Lễ cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ; thỉnh sắc thần vào lăng ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, lễ cầu quốc thái dân an…

Hình thức múa hát đặc trưng của lễ hội cầu ngư là múa hát bả trạo diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ, vừa là hoạt động nghệ thuật.

Múa bóng rỗi trên tàu tại Lễ tống Tàu.

Bên cạnh các nghi lễ còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian vùng biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng, thi đan lưới… Các đêm văn nghệ cũng được tổ chức phục vụ bà con xem hát tuồng, hát hò khoan, hát bội. Trong lễ hội người dân dâng lên những vị thần của biển cả những sản vật và tấm lòng thành kính nhất để cầu cho một năm quốc thái dân an, trời yên biển lặng mùa màng thuận lợi đánh bắt được nhiều cá tôm.

Ông Dương Văn Thế, chánh chủ Vạn lăng Thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời – Cà Mau) cho biết: Hiện nay, về phần lễ vẫn giữ nguyên các nghi thức, phần hội hàng năm có thay đổi tùy theo yêu cầu: thi đấu thể thao, cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, đờn ca tài tử, liên hoan văn nghệ... “Phần lễ tại đây rất trang trọng với nhiều nghi thức mang đậm nét văn hóa dân gian xưa: Trước giờ ra biển “Nghinh ông” buổi lễ chính tại chánh điện có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ) 12 nữ học trò lễ, 2 nữ cung hầu, 1 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ đang đứng hầu. Bên ngoài sân lăng, những đoàn lân rất chuyên nghiệp múa may chào mừng giờ phút rước kiệu “ông” tiến ra phía biển” – ông Thế nói.

Quang cảnh lễ hội cúng biển Mỹ Long (Trà Vinh).

Lễ hội “Nghinh ông” đông vui nhất là lễ “tống tàu” hàng trăm chiếc tàu đánh cá lớn, nhỏ được trang trí cờ hoa ngũ sắc nối đuôi nhau cùng tiến ra biển. Đoàn đi cũng có lân, nhạc, trống, chiêng, vị pháp sư, các hương chức, hầu bóng, chức việc khoảng vài ngàn người, trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã. Trên tàu, tiếng reo hò của người dân hòa quyện cùng tiếng trống, chiêng, múa lân làm cho lễ hội “Nghinh ông” thêm rộn ràng.

Anh Nguyễn Văn Thành ngư dân ở miệt biển Mỹ Long (Trà Vinh) cho biết thêm: “Trước đây tống tàu ra biển gặp “ông” phun nước thì đoàn mới quay về. Hiện nay hình thức được áp dụng là đọc lời cầu nguyện và xin “keo”, khi xin được thì đoàn mới trở lại lăng xem như lễ hội “Nghinh ông” kết thúc”.

Mục đích là các “ông” đồng thuận độ trì cho quốc thái dân an, ngư dân đi biển gặp nhiều may mắn, thu hoạch nhiều thủy sản, người dân quanh vùng không hứng chịu dịch bệnh…

Lễ hội cúng biển Mỹ Long (Trà Vinh) rất rộn ràng, lễ “tống tàu” trên tàu, tiếng reo hò của ngư dân, du khách hòa quyện cùng tiếng trống, chiêng, múa lân.

Điều đáng mừng là các địa phương tổ chức lễ “Nghinh ông” đều kết hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại trong khâu tổ chức với mục đích cơ bản: Phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc đi đôi với việc ngăn chặn các hình thức tâm linh mang đậm nét mê tín dị đoan.

Lễ hội “Nghinh ông” là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả, đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng” ở biển, mà trong tâm thức nhiều ngư dân vẫn chứa đựng một niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp tai nạn.

Có thể nói, ngày lễ hội Nghinh Ông là ngày tưng bừng đối với người dân đi biển. Lễ hội “Nghinh ông” Nam bộ là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống đã được cộng đồng tổ chức suốt nhiều năm qua tại các địa phương, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nói chung, ngư dân miệt biển nói riêng cần được tiếp tục lưu giữ và phát huy.

PHƯƠNG NGHI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh