Nói về uống rượu bia… “mấy ai theo kịp người Việt”?.
- Tây Y
- 05:21 - 29/09/2016
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam là đất nước tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỷ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Chỉ trong vòng 5 năm 2010-215, lượng bia được sử dụng của Việt Nam tăng trung bình 7%/năm, lượng rượu tiêu thụ tăng 4,4%/năm. Như vậy, tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất mỗi năm, đây là con số đáng báo động.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang là quốc gia uống rượu, bia đứng hàng đầu khu vực và thế giới. Với lượng rượu, bia sử dụng gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu, bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Đáng lưu ý, có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu, bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình.
Cụ thể ở châu Phi là 44%, nam giới châu Âu trên 73% còn tính chung toàn thế giới thì tỉ lệ này xấp xỉ 48%. Tỉ lệ này ở nữ là 11%. Cách đây 5 năm, tỉ lệ này lần lượt là 69,6% và 5,8%. Trong số đó tỉ lệ nam giới dùng bia, rượu ở mức độ có hại cũng tăng chóng mặt từ 25,1% lên trên 44% sau 5 năm.
Rượ bia gây ra nhiều mối nguy cho xã hội
Một thực tế rất đáng báo động là việc sử dụng rượu bia ở lứa tuổi trẻ đang ngày càng trẻ hóa, phổ biến ở tuổi vị thành niên (13-17 tuổi), trong đó 33,2% nam vị thành niên và 17,6% nữ vị thành niên có sử dụng rượu, bia trong 30 ngày. Trong đó gần một nửa nam vị thành niên (48.6%) và 1/3 nữ vị thành niên (33.7%) uống cốc đầu tiên trước 14 tuổi.
Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, hậu quả của việc sử dụng rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng, gia tăng gánh nặng bệnh tật mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội, gây ra tai nạn giao thông, đẩy lùi tăng trưởng kinh tế, bạo lực gia đình...
Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới: mỗi năm có 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia; 20% tử vong do tai nạn giao thông; 30% chết do ung thư thực quản, gan, động kinh và giết người; 50% xơ gan.
Nguy hại hơn, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia. Bên cạnh đó, các vụ ẩu đả, đánh nhau liên quan đến rượu bia vẫn diễn ra thường xuyên trong nhiều năm nay.
Ngoài việc gây mất an toàn giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, nhiều chuyên gia còn cho biết, uống càng nhiều rượu, bia thì nguy cơ càng tăng và ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 đến 15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu, bia. Trong số 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung) thì có tới 5 bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Đáng chú ý gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên cả hộ gia đình (48%), bảo hiểm y tế (25%) và chính phủ (27%).
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam là bằng chứng khoa học và thực tiễn để Bộ Y tế trình cơ quan chức năng nghiên cứu các chính sách pháp luật phù hợp đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cùng với đó là đề xuất các quy định mà nhiều nước đang áp dụng như: cấm bán rượu bia sau 22 giờ, cấm bán rượu cho trẻ vị thành niên và cấm bán, cấm quảng cáo rượu bia ở những nơi công cộng, gần trường học... Hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật và dự kiến tháng 5-2018 sẽ trình Quốc hội xem xét.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc