CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Ngành dệt may thêm đối thủ cạnh tranh mới và sức ép thiếu nhân lực

Đối diện sức ép cạnh tranh mới

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt may của VN vào EU đạt 3,11 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,45% trong tổng kim ngạch XK dệt may vào thị trường này. Trong khi đó, với mức tăng trưởng XK 9,95% và tổng kim ngạch hơn 3,27 tỷ USD, chiếm thị phần 3,64%, Campuchia đã vượt VN về thị phần XK vào thị trường EU. Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May VN (Vitas), hiện Campuchia vẫn hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo Chương trình Everything But Arms (EBA) - GSP của EU dành cho các nước kém phát triển. VN chỉ được hưởng GSP cho các nước đang phát triển với thuế suất 9,6%. Campuchia cũng chỉ vượt VN về thị phần dệt may tại EU ở một số mặt hàng.

Thực tế, dệt may là một trong những ngành hội nhập sớm nhất. Các doanh nghiệp dệt may VN đã nỗ lực chuẩn bị đầu tư, tăng khả năng cung ứng nguyên phụ liệu trong nước từ nhiều năm trước.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May VN - cho biết: Các dự án đầu tư vào khâu sản xuất sợi và vải từ năm 2013 đến nay có khả năng đáp ứng 50- 60% nhu cầu vải các loại trong năm 2016. Dù vậy, các khâu có giá trị gia tăng cao như hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu.

Trước sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh mới, theo các chuyên gia ngành dệt may, doanh nghiệp Việt cần phải vươn lên đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU - thị trường khó tính, vừa đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, đơn hàng lại không lớn, đồng thời tăng cường thực hiện ODM (tự thiết kế, sản xuất và XK), nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. “Thời gian tới, khi Hiệp định Thương mại tự do VN- EU được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, XK dệt may của nước ta vào EU chắc chắn tăng so với Campuchia, tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may trong nước không thể quá chủ quan. Bởi nhiều đối thủ tăng tốc rất nhanh, không cẩn thận chúng ta sẽ tụt hậu”, Ông Trương Văn Cẩm khẳng định.

Nhân lực khủng hoảng thiếu

Trước mối quan ngại trong thời gian tới, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn kim ngạch XK dệt may của Campuchia vào EU sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ kim ngạch của VN, đòi hỏi VN phải nâng cao chất lượng lao động để cạnh tranh, Vitas cho rằng: “Xét từ góc độ thương mại quốc tế, dệt may được đánh giá là ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh do tận dụng được nguồn nhân công và có tay nghề. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm may XK của VN có đến gần 70% được xuất theo hình thức gia công và 30% theo hình thức bán gia công”.

Vitas đơn cử, tại TP.HCM, phần nhiều lao động ngành may là lao động di chuyển từ tỉnh, TP khác (đa số ở miền Bắc, miền Trung vào). Tình trạng dịch chuyển lao động luôn diễn ra. Gần 80% là lao động nữ. Lao động ngành may hiện nay chủ yếu tự học, tự đào tạo theo phương thức kèm cặp trong các nhà máy xí nghiệp là chính. Chỉ có khoảng 15% lao động trong ngành dệt may có trình độ từ trung cấp trở lên và tình trạng thiếu hụt lao động, mà đặc biệt lao động đã qua đào tạo luôn diễn ra. “Khảo sát cho thấy, các vị trí mà nhiều doanh nghiệp đang “khát” người có kinh nghiệm như: chuyền trưởng, chuyên viên thiết kế, nhân viên may mẫu… Có thể kể ra những tay nghề hiện nay đang cần và sắp tới vẫn thiếu nhiều lao động như: công nghệ sợi - dệt; Thiết kế thời trang…”, đại diện Vitas cho biết. Do đó, nếu không phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng, thì ngành dệt may không bao giờ giải quyết được vấn đề nâng cao giá trị gia tăng.

Đấy là chưa kể, một khó khăn nữa là lao động ngành dệt may hiện nay tập trung chủ yếu trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI. Hai loại hình doanh nghiệp này hiện nay đang thu hút đến 97% lao động của toàn ngành dệt may. Đặc biệt khu vực FDI là khu vực thu hút và sử dụng nhiều lao động nhất và có tay nghề nhất, (với số doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 7,9% tổng số doanh nghiệp ngành dệt may nhưng lại chiếm 41,54% tổng số lao động trong ngành này). Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước có số doanh nghiệp chiếm áp đảo với 91,7% tổng số doanh nghiệp ngành dệt may, nhưng chỉ thu hút được 55,54% tổng số lao động.
Có thể thấy, nhân lực mới là nút thắt quan trọng nhất của ngành dệt may khi hội nhập. Muốn nâng cao giá trị gia tăng, tận dụng tốt các hiệp định thương mại cần phải có nguồn nhân lực đủ mạnh. Trong đó, đào tạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng để phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch sản xuất dệt may từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang phát triển; Doanh nghiệp cần cởi mở hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho ngành.

 

Dự báo nhu cầu nhân lực ngành Dệt May giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025, thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với các năm trước. Dự kiến TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung lớn các Cty Dệt may, giai đoạn 2015- 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực mỗi năm khoảng 60.000 chỗ việc làm trống (kể cả chỗ làm việc mới và chỗ làm việc thay thế).

Nguyễn Thanh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh