Nới quy định Tổ chức thi sắc đẹp: Lo "loạn" hoa hậu
- Văn hóa - Giải trí
- 13:54 - 27/03/2021
Năm 2020, sân chơi nhan sắc Việt nổi lên những lùm xùm như hoa hậu chi tiền tỷ để mua giải, lách luật để tổ chức thi nhan sắc chui, tranh cãi về ngôi vị đăng quang. Đơn cử, cuộc thi Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 bị chính người đăng quang tố cáo không có giấy phép. Thậm chí, hoa hậu của cuộc thi còn tiết lộ mỗi thí sinh đều phải đóng 18 triệu đồng chi phí khi đăng ký và đóng thêm tùy danh hiệu muốn có.
Trước đó, nhiều cuộc thi "ao làng" với hàng loạt danh hiệu người đẹp nở rộ khiến khán giả lắc đầu ngao ngán, dư luận lên án như: Miss Baby Việt Nam, Miss Global Her Beauty thi "chui"; Người đẹp du lịch Quảng Bình làm mất uy tín, hình ảnh cuộc thi bị tước danh hiệu; cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 gây ngỡ ngàng cho khán giả khi tuyên bố không trao danh hiệu Hoa khôi, chỉ xướng tên Á khôi 1 và Á khôi 2.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 144/2020/NÐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành. Theo đó, lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND tỉnh, TP chấp thuận.
Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.
Trước những ý kiến trái chiều, bên lề hội nghị, NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: "DN nếu đủ điều kiện, có đăng ký chức năng hoạt động biểu diễn thì vẫn được phép tổ chức nếu được sự đồng ý của địa phương. Nếu cơ quan Nhà nước nào cũng yêu cầu đơn vị tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện này, kia thì sẽ mất sự sáng tạo. Chúng ta chỉ có quy định hành lang là không được làm những điều phát luật cấm".
Một trong những điểm cởi mà lại chặt của Nghị định 144 là đã bổ sung quy định về việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu thu hồi, hủy bỏ danh hiệu, giải thưởng nếu thí sinh hoặc ban tổ chức cuộc thi có sai phạm. Ðiều này sẽ chấm dứt việc các bên đùn đẩy trách nhiệm hoặc lúng túng vì không có căn cứ pháp lý để thu hồi danh hiệu, như tình trạng từng xảy ra sau một số cuộc thi sắc đẹp trước đây.
Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, các cuộc thi nhan sắc luôn tuân theo quy luật đào thải của giới giải trí. Nếu cá nhân đạt danh hiệu tạo dư luận xấu, nhất là trong thời đại mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay thì sẽ bị khán giả và các nhãn hàng tẩy chay.
Thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện sẽ tiếp tục phổ biến Nghị định 144 đến các địa phương. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục nhận thông tin phản hồi, ý kiến đóng góp để kịp thời có những hướng dẫn cụ thể cũng như đề xuất điều chỉnh cần thiết nhằm tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn và những cuộc thi nhan sắc nhằm phục vụ công chúng tốt hơn.
Những quy định mới tại Nghị định 144/2020/NÐ-CP theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn nhưng cùng với đó xuất hiện nhiều lo ngại, băn khoăn. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá, nếu các địa phương không quản lý chặt, thực hiện đúng tinh thần của Nghị định thì sẽ xảy ra tình trạng "mất giá" các cuộc thi sắc đẹp, "loạn" danh xưng người đẹp. Việc tổ chức dễ dàng, không giới hạn số lượng, có thể sẽ thêm cả chục cuộc thi với quy mô "ao làng". Mặt khác, việc nới lỏng các quy định cũng khiến số lượng thí sinh dự thi nhiều khả năng sẽ đông hơn, đua nhau thi để giành giải.