THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:20

Nỗi niềm thất nghiệp mang tên “ngoại ngữ”

Lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Chợ việc làm Đà Nẵng

Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại một trường cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Nguyễn Thị Hân (quê Quảng Nam) xin vào làm công việc hành chính- kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân về xây dựng tại quê nhà. Mọi việc tưởng chừng sẽ chẳng có gì xảy ra, nếu như đầu năm 2017, Hân không cùng chồng ra Đà Nẵng lập nghiệp. Với tấm bằng cao đẳng và gần 4 năm kinh nghiệm, Hân chắc mẩm, “Không khó để xin được một công việc phù hợp với bản thân ở nơi sinh sống mới”. Thế nhưng, sự thật đó chỉ là suy nghĩ.

Từ tra cứu các trang tuyển dụng trên mạng, đến Trung tâm Giới thiệu việc làm, kể cả các phiên Chợ việc làm cho sinh viên, người lao động, Hân cũng không bỏ qua. Thế nhưng, bao lần hy vọng thì đều nhận lại là những cái “lắc đầu” vì không biết ngoại ngữ.

“Khi còn học ở trường, mặc dù có được học ngoại ngữ, nhưng từ khi ra trường đi làm thì không có điều kiện sử dụng nên vốn từ ngày càng mai một. Bây giờ xin việc làm, đâu đâu cũng đòi hòi ngoại ngữ, chỗ không thì cũng ưu tiên những người biết ngoại ngữ… Cánh cửa việc làm với những người từng có kinh nghiệm như mình nếu muốn có việc làm mới thật chẳng dễ dàng gì.”, Hân chia sẻ.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Trần Thị  Hợp (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng vướng vào “rào cản” ngoại ngữ mà đã gần cả năm nay, Hợp phải sống chung với cảnh thất nghiệp đầy bức bách. Vốn là cựu sinh viên ngành quản trị văn phòng, Hợp cho biết, đã ứng tuyển vào không ít doanh nghiệp nhưng đều không đạt tiêu chí doanh nghiệp đề ra, trong đó có lí do “ngoại ngữ kém”.

Thực tế, đây là vấn đề mà phần lớn sinh viên mới ra trường (trừ sinh viên ngoại ngữ) và người lao động thường gặp phải khi đi xin việc làm. Ngay cả trên các trang tuyển dụng như: vn.indeed.com; mywork.com.vn… được nhiều người lao động chưa có việc làm truy cập, cũng không khó để nhận thấy yêu cầu về ngoại ngữ đối với một số doanh nghiệp tuyển dụng là điều kiện cần và đủ để tham gia ứng tuyển.

Mới đây, tại một hội thảo bàn về công tác đào tạo nghề ở Đà Nẵng, ông Lê Tấn Thanh  Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cũng cho rằng, vấn đề ngoại ngữ đối với người lao động, sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay rất đáng báo động. Phần lớn sinh viên mới tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ. Ông Tùng cũng cho biết, đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành, du lịch thì yều cầu về ngoại ngữ quan trọng không kém gì yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, thời gian qua, để đáp ứng được yêu cầu về nhân sự, đơn vị đã phải chấp nhận tuyển dụng nhân viên vào, rồi đào tạo ngoại ngữ, mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Chủ quan trong việc học ngoại ngữ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, đi xin việc mới thấy, ngoại ngữ có vai trò quan trọng thế nào. “Cánh cửa việc làm sẽ không mở ra với bất kể ai nếu thiếu đi các tiêu chí mà doanh nghiệp đang cần, yêu cầu về ngoại ngữ cũng vậy. Học ngoại ngữ không phải là chuyện có thể làm một sớm một chiều. Và chắc chắn, khi bản thân đạt được một yêu cầu nào đó, thì cơ hội việc làm cũng mất đi ít nhiều theo thời gian. Vì vậy, hãy học những gì mà xã hội, doanh nghiệp đang cần mới là cách tốt nhất để có việc làm bền vững.”, ông Tùng chia sẻ.

Được biết, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, tính đến tháng 12/2017, địa phương đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm với 3.400 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, nhu cầu 78.045 lượt chỗ làm việc. Tuy nhiên, tổng số lao động được giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chỉ đạt 7.274 người.

 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh