Nỗi niềm phóng viên thường trú
- Dược liệu
- 22:30 - 20/06/2015
Cả trăm chuyện về PV thường trú tỉnh lẻ
Theo số liệu từ Sở TT&TT Thanh Hóa, hiện trên địa bàn có 17 Văn phòng đại diện (VPĐD), cùng nhiều phóng viên thường trú (PVTT) của các cơ quan báo Trung ương thuộc các bộ, ngành được cấp phép hoạt động chính thức. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có một số cơ quan báo chí có PV cắm chốt thường xuyên, nhưng vì nhiều lý do nên không hoặc chưa làm “đăng ký hộ khẩu”. Thanh Hóa là địa phương có dân số đông, diện tích rộng, các sự kiện về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra nhiều, thường xuyên; dù ở đồng bằng hay miền núi xa xôi đều được các NB, PV thường trú đưa tin, bài nhanh, đầy đủ, chính xác trên các báo.
Tác nghiệp ở vùng cao huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.
Ngoài các cơ quan báo chí được tỉnh cấp phép, PV các báo cắm chốt thường xuyên ở Thanh Hóa còn có vô số các cộng tác viên (CTV). Các NB, PV thường trú được tỉnh cấp phép, sẽ có trong danh sách theo dõi của Sở TT&TT được gọi là những NB. Mỗi khi tỉnh nhà có các sự kiện, hội họp, thì họ được các cơ quan ban, ngành trong tỉnh mời đến dự và đưa tin. Còn những NB, PV cắm chốt thường xuyên, dù không được mời họ vẫn đến, hoặc từ nhiều nguồn khác nhau miễn là có tư liệu để viết tin, bài. Số những người là CTV ( PV “không thẻ”), đa phần không viết tin, mà viết các bài ký sự, phóng sự. Tuy không phải là NB, PV của một cơ quan báo chí nào, nhưng những PV “không thẻ” lại có những đóng góp không nhỏ trong phản ánh về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như cho sự nghiệp báo chí của địa phương.
Tuy tỉnh lẻ, nhưng Thanh Hóa có, diện tích rộng, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống; có rừng, có biển; hệ thống giao thông có đường biển, đường không, đường bộ, đường sắt. Chính vì vậy, Thanh Hóa luôn có rất nhiều sự kiện lớn diễn ra và các cơ quan báo chí thường trú ở đây đã đưa tin, phản ánh chính xác, nhanh chóng, đầy đủ.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, cánh báo chí thường trú ở xứ Thanh làm cho một số cơ quan, ban, ngành đôi lúc cũng “khó xử”. Bởi lẽ cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, rồi “tết” của báo chí (ngày 21/6), cánh báo chí lại lo gánh nặng, quảng cáo đành phải “xin xỏ”. Các cơ quan, sở, ban, ngành thì nguồn kinh phí dành cho tuyên truyền có hạn, thậm chí có nhiều cơ quan còn không có nguồn cho công tác tuyên truyền. Mà cánh báo chí Trung ương thì hàng chục tờ, nếu báo nào cũng ký chuyên trang thì không đủ nguồn kinh phí, mà ký cho báo này, báo kia không ký thì lại “sợ” cho lên trang nhất!.
Cùng đồng nghiệp ở biển Hải Tiến, (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.)
Tôi có anh bạn học cùng đại học, hiện là chánh văn phòng UBND một huyện. Cuối năm 2014, tôi đi tác nghiệp qua, ghé vào thăm bạn. Trước lúc vào thầm nghĩ “lần này phải bảo bạn chánh ký cho một cái chuyên trang mới được…”. Ngồi chưa uống hết ấm chè, bạn tôi nhận được ba cuộc điện thoại từ các tờ báo thường trú ở tỉnh, nào là: “Chú à, anh đây! Chuẩn bị đón xuân Ất Mùi chú phải ký cho anh cái hợp đồng nhé…”. Rồi: “Anh à, lâu nay anh có khỏe không? Khiếp! chả quan tâm gì đến em cả, Tết này anh phải cho em một cái tuyên truyền lấy doanh số nhé…”. Nghe xong ba cú điện thoại bạn tôi toát mồ hôi hột. Than vãn: “Khổ, nhiều báo quá ông ơi, làm với báo này mà không làm báo kia thì lại “đắc tội”, mà làm cả thì không có nguồn kinh phí”. Ấm chè ngon bạn tôi pha cũng đã nguội, tôi ra về và bỏ luôn ý định nhờ bạn ký chuyên trang. Còn anh bạn tôi cũng thường trú ở Thanh Hóa khuyên: “Hôm qua anh mới lên huyện ký chuyên trang, vừa ra cửa thì gặp mấy báo cũng lên “xin”, Chú xem có làm trên đó thì đặt vấn đề sớm đi, không anh thấy nhiều báo đặt vấn đề quá”.
Cánh NB, PV thường trú thường tác nghiệp độc lập, nhưng về tính nhanh nhạy, tính phát hiện và độ “hót”, thì NB, PV “chính thống” nhiều lúc không nhanh chân bằng cánh “PV lưu vong”, tức là các PV thử việc và PV chính thức của các báo chưa “đăng ký hộ khẩu”, chưa có trụ sở làm việc (nên thường chạy rông, không có chỗ ngồi). Cánh này toàn trai trẻ, đi khoẻ, viết khỏe, lại không ngại vất vả, va chạm. Ở đâu có vụ gì là họ lập tức lên đường ngay. Tuỳ theo tính chất từng vụ việc, họ sẽ thông tin cho nhau cùng phối hợp tác nghiệp, hoặc giữ bí mật, làm xong chờ cho báo mình chạy rồi mới chuyển cho đồng nghiệp.
Thứ trưởng Bộ LĐ – TB & XH Bùi Hồng Lĩnh chúc mừng các PV thường trú tại Thanh Hóa, nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2014).
Nói về PV “không thẻ”, không ai không biết cái anh thi sĩ gầy ốm yếu, không những không biết đi xe máy mà không biết cả đi xe đạp. Mặc dù không phải NB “chính thống” nhưng anh làm báo rất có nghề và đam mê, rất hăng chống tiêu cực, đã làm vụ nào là theo đến nơi. Anh làm CTV cho nhiều báo. Là CTV, nhưng anh có đóng góp hơn khối anh NB, PV “xịn”… Đó là vài câu chuyện trong cả trăm chuyện mà PV thường trú tỉnh lẻ gặp thường ngày.
Sướng, khổ đan xen
Khoác trên mình cái “mác” là báo Trung ương, nghe có vẻ “oai”, nhưng các NB, PV đều khá vất vả. Bởi lẽ, ngoài việc phải lo hoàn thành chỉ tiêu định mức tin, bài, các NB, PV còn lo làm tuyên truyền, chuyên trang, quảng cáo và phát hành. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, lo làm “kinh tế” để góp phần tạo nguồn thu cho toà soạn, có thêm thu nhập cho bản thân, nhiều tờ báo còn phải lo trụ sở làm việc. Một số tờ báo nhanh chân, may mắn xin được đất làm trụ sở, sau phải tự xoay xở mượn tạm được một vài phòng của các đơn vị để “an cư lạc nghiệp”. Cá biệt cũng có vài ba cơ quan báo chí không mượn được phòng phải đi thuê.
Nói cánh NB, PV thường trú ở “sướng” cũng đúng, “khổ” chẳng sai chút nào. “Khổ” của họ là phải lo trụ sở làm việc, lo hoàn thành định mức tin, bài, và nhất là lo làm chuyên trang, quảng cáo, phát hành. Thường để “xin” được tuyên truyền, quảng cáo phải có những mối quan hệ thân tình mới dễ, không thì hơi khó. Chuyện vài, ba NB, PV “đụng hàng” ở một cơ sở không phải là hiếm …, Còn nói về sướng thì NB, PV thường trú tỉnh lẻ xa cơ quan tất nhiên là không bị quản về thời gian, không phải họp hành, không bị “thúc” mỗi khi báo thiếu tin, bài… nên cũng thoải mái. Sướng nữa là, vào mỗi dịp 21/6 hàng năm, được các cơ quan, sở, ban, ngành trên địa bàn đến tặng “hoa” cùng những lời chúc mừng tốt đẹp thấy mình cũng có giá.
Cái duyên gắn với nghề báo, lại được công tác tại Báo LĐ & XH, tôi thấy mình thật may mắn!. Có những câu chuyện vui, buồn trong tác nghiệp, lúc đi cơ sở cũng là chuyện thường tình. Hãy xem đó là những trải nghiệm để mỗi NB, PV phải tự phấn đấu, đổi mới chính mình để phù hợp với tôn chỉ của mỗi tờ báo; phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Nghề báo thì không thiếu hiểm nguy, gian khổ, nhưng có lúc cũng đầy vinh quang. Nói cho cùng, là NB, PV thường trú hay trực thuộc tòa soạn thì sướng, khổ đan xen lẫn nhau. Đã là NB, PV thì phải dấn thân, chấp nhận hiểm nguy, gian khổ vì một xã hội ngày càng công bằng, tốt đẹp hơn.
Để động viên các NB, PV nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện để họ tác nghiệp. Thông qua nguồn tin từ cơ quan báo chí thường trú, tỉnh đã nắm bắt, kịp thời chấn chỉnh, xử lý rứt điểm những vấn đề mà báo chí phản ánh – đó cũng là điều mà lâu nay lãnh đạo xứ Thanh luôn trân trọng công lao của cánh NB, PV thường trú. |