THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Có những địa phương kinh tế khá nhưng chưa quan tâm đến cai nghiện

 

Cả nước có gần 211 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, thực tế đang nổi lên là dù nhiều vụ án ma túy lớn liên tục được phát hiện và xử lý nghiêm khắc, nhưng tội phạm ma túy không giảm. Tình trạng nghiện ngập gia tăng trong thanh niên và một số thành phần dân cư, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… Vừa qua các địa phương cũng đã đưa các đối tượng nghiện vào các trại cai nghiện nhưng lại chưa dành sự quan tâm đúng mức. Có những địa phương kinh tế khá nhưng không quan tâm đến việc cai nghiện ở cả cộng đồng và các trại cai nghiện. 
Trong khi đó, các dạng ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp, không chỉ có nguồn gốc từ buôn bán trái phép mà hiện nay ở Hà Nội, đã có đối tượng chế tạo ra loại ma túy này. Vì vậy nếu không có biện pháp mạnh, kiên quyết, cả hệ thống không vào cuộc thì tình hình sẽ rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên tuyến biên giới Tây Bắc và miền Trung, các lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy vào nội địa với số lượng lớn. Tình trạng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam tăng nhanh chóng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các băng nhóm tội phạm ma túy đang tìm kiếm các tuyến vận chuyển mới để vận chuyển ma túy vào Việt Nam và đi nước thứ ba. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã bắt giữ: 600 kg và 432.158 viên ATS, ngoài ra còn thu giữ được nhiều loại ma túy khác như: Heroin 453,5kg; thuốc phiện 58kg; Cocaine 13,5kg; Cần sa khô 73,6 kg và 450 kg Cần sa tươi.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2016, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.613 người so với cùng kỳ năm 2015); trong đó trên 60% sử dụng ATS... người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Một số địa phương chưa quan tâm đến cai nghiện
Công tác quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy tại cơ sở quản lý sau cai nghiện chủ yếu là quản lý hành chính, chưa có các biện pháp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghiện trước khi về cộng đồng; thực tế việc kéo dài thêm 2 năm quản lý sau cai trong Trung tâm chỉ càng làm tăng thêm khó khăn, rào cảm khi người nghiện về lại cộng đồng. Quản lý sau cai tại nơi cư trú, thực chất là không quản lý, không có bất kỳ hỗ trợ nào đối với người sau cai nghiện. Đến cuối năm 2016, có 27 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 18.512 người, nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.
Về điều trị thay thế bằng Methadone, theo báo cáo của Bộ Y tế đến tháng 11/2016, có 62/63 tỉnh, thành phố (còn Phú Yên chưa triển khai) triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 265 cơ sở, điều trị cho 49.964 người. Việc điều trị thay thế bằng thuốc methadone gắn với trạm y tế cấp xã (điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện) nên mở rộng điều trị Methadone theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Việc kiểm tra, đánh giá chương trình điều trị bằng thuốc methadone chưa được thực hiện nên các tiêu chí về: tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều, công tác hỗ trợ xã hội…chưa được phản ánh chính xác, khách quan trong các báo cáo.
Cần tăng cường nguồn lực cho công tác cai nghiện
Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm, tăng cường công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy chú trọng xây dựng môi trường cai nghiện thân thiện, cai thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt, vui chơi giải trí cho học viên, giảm thời gian lao động trị liệu, tăng cường công tác tư vấn trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, gần đây tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh đã để xảy ra sự việc học viên gây rối tập thể, đập phá cơ sở bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương.
Giờ luyện tập thể dục, thể thao của các đối tượng cai nghiện
Nguyên nhân chủ yếu do học viên hiểu biết pháp luật còn hạn chế, phần lớn do sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp dạng ATS (35% tiền án, tiền sự) có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần, kích động gây rối trật tự, đòi ra khỏi cơ sở, từ đó gây phản ứng dây chuyền. 
Trình tự thủ tục lập hồ sơ tại một số địa phương thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật… Cán bộ làm công tác tư vấn trị liệu, quản lý, tư vấn tâm lý và kỹ năng còn yếu, chưa được tập huấn bài bản thiếu kinh nghiệm nắm bắt sớm các hiện tượng bất thường; thiếu thông tin nên không phân loại được học viên, để học viên có tiền án, tiền sự, học viên bất hảo ở chung với các học viên khác, đã kích động, lôi kéo các học viên đập phá cơ sở để trốn. Việc trong thời gian ngắn xảy ra liên tiếp 3 vụ có biểu hiện của phản ứng dây chuyền do công tác truyền thông chưa phù hợp. 
Để thực hiện đổi mới công tác cai nghiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ kinh phí trung hạn 2016 - 2020  cho công tác cai nghiện và  được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã thẩm định lần 1 với tổng kinh phí là: 1.400 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa thực hiện chuyển đổi cơ sở cai nghiện bắt buộc 600 tỷ; vốn sự nghiệp hỗ trợ công tác cai nghiện 800 tỷ đồng.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh