THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:11

Nỗi lo tăng học phí

Theo các chuyên gia, việc tăng học phí sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Theo các chuyên gia, việc tăng học phí sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Học sinh, phụ huynh lo lắng

Chị Kim Oanh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, nếu mức học phí mới được thông qua, năm học tới, chị phải đóng 300.000 đồng/tháng cho 2 con lớp 8 và 11, mức áp dụng cho vùng 3 gồm các xã của 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội. Là gia đình cận nghèo, chị được giảm 50% học phí, còn 150.000 đồng. Dù đã được hỗ trợ nhưng số tiền sau giảm vẫn cao hơn 1,5 lần so với mức đang đóng. "Với nhiều gia đình, số tiền học phí đó có thể không lớn nhưng với tôi là công nhân may bao bì, lương 8 triệu đồng/tháng thì đó là khoản không hề nhỏ. Tới đây, thành phố tiếp tục tăng học phí, cuộc sống của chúng tôi sẽ càng thêm khó khăn", chị Oanh chia sẻ.

Tương tự, anh Quốc Hùng, lái xe công nghệ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, nếu mức học phí mới được thông qua, gia đình sẽ chuyển hai con về quê học vì không cân đối được kinh tế.

Chị Thùy Dung (Nam Định) cho biết, con trai dự định xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội nhưng gia đình vẫn đang cân nhắc vì vấn đề học phí. Hai vợ chồng đều làm công nhân may. Suốt 2 năm qua, công ty chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh nên ít việc, thậm chí có giai đoạn chị phải nghỉ không lương trong khi vẫn phải lo toan rất nhiều khoản, từ việc học của con đến chi tiêu cuộc sống. Do vậy, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn.

 

“Nếu con đi học ở Hà Nội sẽ thêm rất nhiều chi phí khác, từ tiền ăn, tiền ở cùng nhiều khoản khác. Nếu tính cả học phí, dù tiết kiệm dè sẻn hết mức thì mỗi tháng tôi cũng phải chi khoảng 5 triệu đồng cho con, bằng đúng lương công nhân của tôi. Trong khi đó, chúng tôi còn có con gái đang học lớp 10 nữa”, chị Dung buồn bã nói.

Nhiều phụ huynh đề xuất vào thời điểm này, khi mọi thứ còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tăng học phí nên lùi lại 1 - 2 năm. Đồng thời, mong muốn chính sách cho sinh viên vay vốn sẽ được điều chỉnh tương ứng theo hướng nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng được vay để hỗ trợ học sinh có kinh tế gia đình eo hẹp.

Theo lãnh đạo các địa phương và cơ sở giáo dục, việc tăng học phí đối với tất cả bậc học ở các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2022 - 2023 được quy định rõ trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021 về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo.

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương vừa công bố dự thảo nghị quyết về việc tăng học phí từ năm học 2022 - 2023 với mức học phí tăng gấp đôi so với năm học 2021 - 2022. Cụ thể, bậc học từ mầm non đến THPT ở các quận, thị xã, thị trấn có mức học phí dự kiến là 300.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng (riêng bậc trung học phổ thông là 200.000 đồng/tháng); miền núi và vùng dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/học sinh/tháng (bậc THPT là 100.000 đồng/tháng). Các năm tiếp theo, học phí tiếp tục tăng.

Trong khi đó, ở bậc đại học, các trường cũng đồng loạt công bố tăng học phí. Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong 3 năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm.

Tăng học phí cần có lộ trình, đặc biệt phải xóa bỏ lạm thu ở các trường.

Tăng học phí cần có lộ trình, đặc biệt phải xóa bỏ lạm thu ở các trường.

Đại học Y Hà Nội mới thông qua mức học phí áp dụng cho năm học 2022 – 2023 với khối ngành Y dược (gồm các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng – hàm - mặt có mức học phí 2,45 triệu đồng/tháng, tăng gấp 1,7 lần so với mức 1,43 triệu đồng đang được áp dụng. Khối ngành Sức khỏe có mức tăng thấp hơn, từ 1,43 lên 1,85 triệu đồng/tháng.

Cần có lộ trình tăng, đặc biệt phải xóa bỏ lạm thu ở các trường

TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, dịch Covid-19 mới lắng xuống, các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu khởi sắc 3 - 4 tháng trở lại đây. Trong khi hơn 1 năm nghỉ dịch, nhiều người lao động thất nghiệp, sống bằng tiền tích lũy từ trước. Nhiều người thậm chí kiệt quệ tài chính, giờ mở cửa trở lại, họ mới bắt đầu dần vực dậy. Việc tăng học phí lên 300.000 đồng/tháng tương đương 3 triệu/năm học là quá cao. 

"Một năm học chỉ đóng 3 triệu đồng thì phụ huynh có thể cố gắng nhưng nhà trường còn đưa rất nhiều khoản phí xã hội khác đi kèm như: Điện, điều hòa, thiết bị dạy học thông minh, bán trú, tiền ăn, đồng phục, dã ngoại... không dưới 15 - 20 triệu/năm học. Khoản chi này ảnh hưởng lớn đến các gia đình, đặc biệt những người làm nghề tự do", TS Nguyễn Viết Khuyến nói.

Đồng thời cho rằng, mức học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân và cần tăng phải dần, nếu không học sinh "không chịu được" sẽ bỏ học, khi đó rất nguy hại, phi nhân văn.

Theo ThS Nguyễn Văn Đông, Học viện Ngân hàng, trong bối cảnh khôi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, việc tăng học phí cần sự tính toán hợp lý hơn và đồng thuận cao từ người dân. Mặt khác, vào đầu mỗi năm học, mức học phí chỉ chiếm khoảng 30% tổng số tiền phụ huynh phải đóng ở các trường. Các trường luôn đưa ra rất nhiều khoản thu chi khác "kêu gọi xã hội hóa", phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện.

“Muốn tăng học phí cần có lộ trình và tạo được niềm tin, sự đồng thuận từ phụ huynh. Cần thiết là sự minh bạch trong thu chi của nhà trường bấy lâu nay, đặc biệt là hệ thống trường công lập phải xóa bỏ được tình trạng lạm thu ở các nhà trường”, ThS Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh