Nỗi kinh hoàng của cô dâu bụng bầu vượt mặt vẫn phải chờ "ngày đẹp"
- Y học 360
- 12:01 - 04/12/2015
5 tháng bầu thui thủi 1 mình chờ cưới
“Có phải của mình đâu, của bố mẹ chồng mình đấy chứ”, chị Thu Thảo, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, (Hà Nội) trả lời khi được hỏi về đám cưới cách đây 2 năm của chị. Chị kể, khi chị phát hiện có thai, đã bàn với chồng là cưới ngay để tiện bề chăm sóc cho thai nhi. Nhưng bố mẹ chồng chị đi xem ngày thì thầy bảo 5 tháng sau mới có ngày đẹp. Thế là hai vợ chồng phải chờ, lúc chị được mặc váy cưới thì bụng đã to vượt mặt.
“Người ta bảo ngày cưới là ngày vui, là ngày hưởng hạnh phúc. Nhưng khi mình cưới thì bụng đã to, mặc đồ vừa xấu, lại vừa mệt. Mà thời gian chờ cưới mình ở trọ một mình, bầu bí mệt mỏi chẳng ai chăm sóc. Mình chỉ mong được chọn ngày cưới theo ý mình, nhưng nhà chồng nhất định chọn ngày đó”, Thảo chia sẻ.
Ảnh minh họa
Dù biết con dâu đang mang thai mệt mỏi, nhưng nhà chồng vẫn quyết làm đầy đủ các thủ tục cưới xin mà thầy bày cho. Từ dạm ngõ, đám hỏi, đến giờ đón dâu, khai tiệc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt.
“Nhà chồng ở Hà Nội, còn nhà mình ở Hải Dương, nhà xa thì người ta hay làm gộp đám hỏi và đón dâu luôn nhưng nhà chồng mình lại khác, đám hỏi xong 3 ngày sau mới đón dâu. Hôm cưới thì 6 giờ nhà trai đến nơi, ngồi 5 phút đã lên xe luôn để kịp giờ lên nhà trai thắp hương trước khi ra hội trường khai tiệc, đến xin dâu mà cứ vội vội vàng vàng, làm nhà gái cũng cuống cả lên. Mệt không kịp thở luôn”, Thảo nhớ lại.
Thảo bảo, bố mẹ chồng đều là trí thức nhưng lại rất mê tín, thầy dặn như nào là làm y chang như thế, không hề hỏi ý kiến các con, cũng không quan tâm xem con dâu bầu bí như thế có ảnh hưởng gì không.
“Có những thứ mình không ưng, nhưng lại nghĩ có thờ có thiêng, có kiêng có lành nên đành nghe lời người lớn”, Thảo chia sẻ.
Chả khác gì con rối!
Cô dâu mới Thùy Dung cũng cảm thấy rất bức xúc, vì sự can thiệp quá của người lớn vào đám cưới của mình. “Từ việc chụp ảnh cưới, đến chọn áo cưới mẹ chồng đều quyết định, chứ nói gì đến chuyện chọn ngày cưới hay tiệc cưới”, Dung nói.
Dung bảo, hai vợ chồng cùng làm việc ở Hà Nội, bạn bè đồng nghiệp đều ở đây cả, dự định sẽ làm một đám cưới chung ở đây, còn ở quê nhà chỉ bảo hỷ. Nhưng nhà chồng không chịu, bắt phải tổ chức tiệc cưới ở quê, mời khách về quê dự cưới. Hai vợ chồng muốn tổ chức vào ngày chủ nhật để bạn bè về dự được nhưng nhà chồng bảo ngày đó không đẹp.
“Chúng mình thuê xe đưa đón bạn bè từ Hà Nội về Hưng Yên dự tiệc nhưng cũng chỉ được hơn chục người về, vì ngày cưới vào đúng thứ 3 mọi người đều bận đi làm cả. Tiệc cưới 400 mâm đều là khách của bố mẹ chồng mình hết”, Dung kể.
Cô dâu 27 tuổi chia sẻ rằng, đáng ra ở tuổi này, vợ chồng chị đã đủ chín chắn để tự quyết định đám cưới của mình diễn ra như thế nào. Nhưng nhà chồng lại toàn quyền quyết định, hai vợ chồng không được hỏi ý kiến nửa lời.
“Chán nhất là khoản thuê MC đám cưới ở quê. Đám cưới của mình mà chả khác gì con rối cho MC điều khiển, hết bảo mời rượu tứ thân phụ mẫu lại bảo quỳ lạy bố mẹ chồng. Lúc cô mình lên tặng quà cưới thì bảo theo lượt, để bên nhà chồng tặng trước đã”, Thảo ngán ngẩm.
Thảo bảo, chị chấp nhận sự sắp xếp của nhà chồng vì không muốn mất lòng. Nhưng chính sự nhượng bộ ấy lại khiến chị cảm thấy đám cưới của mình mà như của mẹ chồng.
“Đến cái ảnh cưới mình muốn chọn theo sở thích cũng không được. Mẹ chọn cái mẹ thích nhất cơ. Mình và chồng đành phóng 2 cái, 1 cái mang về theo ý mẹ, 1 cái để nhà riêng của mình trên này”, Thảo nói.