CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:57

Nỗi đắng cay của 2 thanh niên đứng hóng gió bị kết tội cướp

 

Ngày 13/12, Viện KSND huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh trao quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can cho Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt. Một người bị oan khác là Khưu Khánh Sỹ không đến nhận quyết định do bận đi làm thuê. 

Trong giọt nước mắt hạnh phúc, trong tiếng vỗ tay reo vui của người cha “Tự do rồi!”, còn có những đắng cay mà không nhiều người biết tới. 

Tương lai là hai bàn tay trắng

Sáng 14/12, một ngày sau khi nhận quyết định đình chỉ vụ án, Trần Văn Uống vẫn lái xe chở hàng như mọi ngày. Để có 7 triệu đồng mỗi tháng, Uống bắt đầu công việc từ 7h sáng, có khi tắc đường thì mãi tới 22h mới về đến nhà trọ.

Buổi sáng hôm đó, khi nhận quyết định minh oan, Uống nói mình sống trong trạng thái lâng lâng vì “được tự do như một người bình thường”.

Nhưng người vui nhất có lẽ là ông Trần Văn Huỳnh (cha của Uống). Khi Uống bị bắt năm 2012, ông Huỳnh bỏ cả ruộng vườn, lên Sài Gòn kiếm việc để lo cho con. “Cha làm mọi việc, không từ cái gì cả, chỉ để có tiền thăm nuôi em”, Uống chia sẻ.

Trần Văn Uống nhận quyết định minh oan cho vụ án kéo dài 4 năm của mình. Ảnh: T.G

Trong suốt những tháng năm Uống ngồi tù, người cha chưa bao giờ trách móc nửa lời và luôn tin rằng một ngày con mình sẽ được chứng minh vô tội. “Nếu không có cha khích lệ thì em không thể đợi đến ngày này. Tận 7 tháng sau khi bị bắt, em mới được gặp cha. Cha nói: con không có tội nhưng nhận thì thành có tội. Đó là lý do khi ra toà em quyết định khai lại từ đầu”, Uống kể.

Ông Trần Văn Huỳnh đã sát cánh bên con trai mình trong suốt hành trình 4 năm trời đằng đẵng. Uống bảo đến khi được trả tự do tại toà, trở lại với cuộc sống, Uống đi một bước cha cũng đi theo. “Là cha sợ em làm bậy mà ảnh hưởng tới tương lai”, người thanh niên nói.

Bốn năm oan khuất, Uống có cha ở bên. Nhưng hạnh phúc cũng rời bỏ gia đình của chàng trai trẻ. Những ngày sau khi ra tù cũng là thời gian Trần Văn Uống và vợ hoàn tất thủ tục ly hôn.

“Khi em được thả thì tình cảm vợ chồng không còn như trước. Cảm giác như vợ xa cách mình hơn. Em có nói nếu em không sống được nữa thì em đưa đơn, anh sẽ ký. Vậy là cô ấy làm đơn ly dị”, Uống kể.

Cha của Trần Văn Uống (bên phải) bỏ ruộng vườn ở quê lên Sài Gòn lo cho con suốt thời gian dài nhận án oan. Ảnh: T.G.

Vui mừng vì được minh oan nhưng chàng trai trẻ không giấu được sự nuối tiếc. Thời gian ở trong tù, ra toà lần 1 rồi lần 2, bao nhiêu lần trình diện cơ quan chức năng. Đó cũng là thời gian Uống phải sống nhờ vào người cha già.

“Chừng đó năm, người ta đã làm được bao nhiêu việc. Còn em chỉ có hai bàn tay trắng. Nghĩ cũng buồn cho tương lai. Nhưng em quyết tâm có một nghề ổn định, sống đàng hoàng”, Trần Văn Uống nói.

Cha chết lúc đang ngồi tù

Ong Văn Sệt bị bắt cuối năm 2015, vì hành vi không tố giác tội phạm, sau đó, Sệt bị buộc tội đồng phạm trong vụ án Cướp tài sản có một không hai này. Khi Sệt bị bắt, mẹ già yếu, cha đang lặn ngụp ngoài vuông tôm không có nhà.

Cứ ngỡ chỉ bị đưa lên huyện rồi được thả về, nhưng Ong Văn Sệt bị đưa lên tận Bình Chánh. “Người ta đưa em đọc hồ sơ Uống khai xong bảo em chép lại y như vậy, rồi sẽ bảo chị gái của em ký giấy để bảo lãnh em ra. Nhưng ký xong họ đưa em vào tù, chị gái em khóc nói sao hứa rồi giờ kỳ vậy”, Sệt kể.

Điều tra viên nói chắc Sệt chỉ bị tạm giam hai tháng. Không nghờ, Ong Văn Sệt ở Chí Hoà suốt 6 tháng. “Em ra toà 2 lần. Họ ép em vào tội danh mà em không biết gì hết trơn”.

Ong Văn Sệt cũng không ngờ chuyến đó cậu không còn cơ hội gặp lại cha. Sệt bị bắt trước Tết và đó có lẽ là cái Tết buồn nhất của gia đình. Tôm nuôi không hiểu sao bị chết hết. Buồn chuyện con trai vào tù, cha Sệt sa vào nhậu nhẹt rồi rơi xuống sông chết đuối.

Cha của Ong Văn Sệt không thể chờ để chứng kiến ngày con trai mình được minh oan. Ảnh: T.G

Nhưng suốt 6 tháng ở trong tù, Sệt không hề biết về cái chết của người cha. Chị gái và mẹ quyết giấu sự thật vì sợ Ong Văn Sệt ở trong tù buồn nản mà suy nghĩ tiêu cực.

Ngày được tạm tha tưởng là một ngày vui nhưng hoá ra cũng là một ngày buồn khi biết cha đã qua đời. “Đêm đó em đòi về quê gấp mà chị gái không cho, bắt sáng mai mới được về. Từ xa nhìn thấy mộ của cha mà em đã không cầm được nước mắt. Trước đó còn dặn lòng phải vững nhưng khi thấy mộ cha, lúc đó cứng cỏi không nổi”.

Cho đến tận sau này, Sệt vẫn nói trong lòng mình luôn có cảm giác mất mát. Hỏi Sệt liệu có nuối tiếc nhiều không, Sệt nói: “Quá trời hối tiếc. Trong tù cũng khổ, thiếu thốn, đâu giống như bên ngoài”, chàng trai nói mà khoé mắt rưng rưng.

Ong Văn Sệt đang theo anh rể học nghề lắp thang máy. Sệt nói anh không cần được bồi thường, chỉ cần được trả tự do là may lắm rồi. Sệt sống ở quận 11, trong căn nhà trọ chỉ đủ cho 1 người xoay xở. “Được minh oan là em mừng quá trời, từ giờ không dính líu gì nữa để làm ăn cho nó dễ”, chàng trai chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh