CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:04

Nơi chứa đựng những tấm lòng bao dung

 

Có thể nói Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa là một xã hội thu nhỏ, đối tượng bị giam giữ đủ mọi thành phần, mọi tội danh như: giết người, giết người cướp tài sản, trộm cắp, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm về ma tuý, kinh tế, v.v… Công tác của Trại tạm giam vì thế là công tác đặc biệt trong môi trường đặc thù, không kém phần khó khăn, nguy hiểm và thử thách. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, mỗi cán bộ quản giáo phải có tình người, trách nhiệm và tấm lòng bao dung để cảm hoá phạm nhân…

Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đặc xá cho phạm nhân

Trong số phạm nhân chấp hành án phạt tù tại trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa, nhiều người có bản chất lương thiện, phạm tội ngoài ý muốn chủ quan gây hậu quả nghiêm trọng khiến chính bản thân họ luôn day dứt, hối hận, thậm chí tìm cách tự tử xem như hình thức ‘tự trừng phạt” để giải thoát. Như trường hợp ông Nguyễn Đức Tân (58 tuổi, trú tại thôn 6, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bị can trong vụ án “Cha giết con cứu cháu” gây xôn xao dư luận những tháng cuối năm 2014 bị tạm giữ ở  trại phục vụ cho công tác điều tra. Những ngày ông Tân ở trại, anh em quản giáo đã dành cho ông sự động viên ân cần để ông vượt qua cú sốc tâm lý cũng như sự giằng xé, cắn rứt lương tâm. Để rồi đến khi được tại ngoại ông không giấu được sự cảm ơn chân tình đến những cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa đã không nhìn ông với ánh mắt đối với ‘kẻ giết người” như ông vẫn lo ngại và động viên để ông có thể bình tâm đối mặt với nỗi đau và mất mát do chính mình gây ra. 

Bệnh xá của Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa được xem như một Bệnh viện đa khoa nhỏ mà ở đấy cán bộ y tế vừa là giám đốc, vừa là  bác sĩ, vừa là hộ lý và là cả…chuyên gia tâm lý. Nhiều can, phạm nhân nhiễm  HIV chán đời đã rạch tay cho chảy máu để… dọa các y, bác sỹ, không cho khám chữa bệnh. Nhiều can, phạm nhân giả ốm để không phải đi hỏi cung, không phải lao động. Có những ông bố, bà mẹ của các can, phạm nhân khi nhận được tin con mình bị ốm nặng thì khăn gói nằng nặc đòi vào thăm, song khi tận mắt nhìn thấy những thân hình lở loét bị tàn phá vì căn bệnh AIDS ở giai đoạn cuối thì sợ hãi, bỏ đi phó mặc hoàn toàn việc chăm sóc cho các y, bác sỹ trong trại tạm giam công an tỉnh Thanh Hóa. Ngoài những bệnh nhân nặng thường xuyên nằm tại bệnh xá, các y, bác sỹ tại đây phải chăm sóc các bệnh nhân khác tại các phòng giam giữ. Thượng sỹ Trịnh Ngọc Sơn, tổ y tế, hậu cần kể cho tôi nghe một câu chuyện rất cảm động, đó là: đêm 26/5/2015, phạm nhân Hoàng Văn Dần, sinh năm 1962, quê ở Nghệ An bị xuất huyết tiêu hóa, máu ra ồ ạt, huyết áp tụt không đo được, rất nguy kịch phải đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu ngay trong đêm. Tiên đoán phạm nhân sẽ phải truyền một lượng lớn máu nên lãnh đạo Trại đã điều động một số xán bộ chiến sĩ đi cùng, sẵn sàng hiến máu cứu người. Rất may bệnh viện đủ số lượng máu tiếp cho bệnh nhân nhưng các y bác sỹ bệnh viện đa khoa Thanh Hóa trực đêm hôm ấy đã vô cùng ngạc nhiên và cảm động trước hình ảnh hàng chục cán bộ chiến sĩ thức cả đêm sẵn sàng chờ hiến máu cho phạm nhân nếu bệnh viện có yêu cầu. 

Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức cho phạm nhân tăng gia sản xuất

Dù bị cách ly khỏi cộng đồng, nhưng phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá vẫn được cập nhật thông tin kinh tế, xã hội và pháp luật qua các buổi sinh hoạt, xem ti vi, đọc báo. Các dịp lễ, tết phạm nhân được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, mỗi phân trại đều có đội văn nghệ, bóng chuyền, bóng đá để thi đấu giao lưu. Chế độ tự quản tại bếp ăn luôn thực thi nghiêm túc, ngoài việc nhận đủ khẩu phần theo quy định, bữa ăn phạm nhân còn có thêm thịt, cá, rau xanh từ việc sản xuất chăn nuôi tại chỗ và được ăn cơm tập trung tại Nhà ăn phạm nhân được biết nhiều năm qua không xảy ra tình trạng bệnh nhân suy kiệt sức khỏe, trật tự kỷ luật đảm bảo ổn định.

Đại tá Lê Bá Chinh, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: quân bình mỗi năm đơn vị đã tổ chức tiếp nhận trên 3.000 lượt đối tượng, tạm giữ, tạm giam nhập trại; Thông báo trên 2.000 lượt can phạm sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam; nộp lưu trên 500 hồ sơ can phạm nhân về Phòng Hồ sơ Công an tỉnh; lập căn cước can phạm gần 1.000 đối tượng; dẫn giải trên 10.000 lượt đối tượng phục vụ các hoạt động tố tụng; đón tiếp giải quyết trên 20.000 lượt thân nhân can phạm nhân đến thăm nuôi tiếp tế; hoàn chỉnh hồ sơ lập danh sách báo cáo Giám đốc công an tỉnh và Bộ công an duyệt và tổ chức áp giải từ 1.100 - 1.500 phạm nhân án có hiệu lực pháp luật chuyển đến chấp hành án tại các Trại giam trung ương, hàng trăm đối tượng đi cơ sở giáo dục. Khối lượng công việc đồ sộ ấy nếu chỉ cần sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến sai phạm, để lại hậu quả khôn lường. Do đó, phải hết sức chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. 

Để có được kết quả đó, những năm qua, cấp Ủỷ Đảng, lãnh đạo Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm đến yếu tố con người, giáo dục, động viên CBCS gương mẫu, đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, thực hiện đề án “Cải tiến công tác gửi, nhận quà tiếp tế và bán hàng căngtin tại trại” nhằm phục vụ tốt hơn cho can, phạm nhân và đảm bảo tốt an ninh trại, không để xảy ra tình trạng can phạm nhân trốn, chết không bình thường và phạm tội mới trong trại. Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả và những đóng góp của CBCS Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá. Nhưng cảm nhận sâu sắc để lại trong tôi đó là sự cảm phục về sự chịu đựng, tấm lòng bao dung đầy tính nhân văn của những CBCS đang góp phần gieo “mầm thiện” cho đời.

Hoàng Minh - Nguyễn Loan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh