CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:21

Nơi chắp cánh những ước mơ

Tiếp chúng tôi trong tiếng ồn ào của nhiều âm thanh do học viên đang thực hành trong các xưởng thực hành sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, may mặc, in lưới thủ công, mây tre đan, tin học văn phòng, trồng rừng và chăm sóc cây rừng... Ông Lê Đình Ý, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Hà Tĩnh là tỉnh có tỉ lệ người khuyết tật cao 67.733 người, chiếm 5,2% dân số. Trong đó có đến 35,8% người khuyết tật  bị mù chữ. Rất khó khăn, dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề cho người khuyết tật muôn vàn khó khăn.  Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành mục tiêu, từ nay đến năm 2020, sẽ dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho 4.500 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn có khả năng lao động”.

Do nhu cầu đào tạo nghề của người khuyết tật là rất lớn. Việc tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia thị trường lao động và cải thiện vị thế kinh tế, xã hội để hòa nhập cộng đồng là mục tiêu hàng đầu. Chính vì thế, hằng năm Trung tâm chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi tọa đàm với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng lao động, điều chỉnh giáo trình giáo án để phù hợp với khả năng học nghề của người khuyết tật; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh theo đúng quy định, cho cán bộ, giáo viên xuống tận các địa bàn để trực tiếp tuyển sinh. Trong năm 2015 Trung tâm đã tiếp nhận và đào tạo cho 259 học viên người khuyết tật (đạt 180% chỉ tiêu đề ra). Trung tâm còn phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi Hà Tĩnh tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi trâu bò, tại Trung tâm 35 học viên, tại Cương Gián 35 học viên. Để nâng cao chất lượng đào tao và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, Trung tâm thường xuyên tổ chức thăm lớp dự giờ, qua đó xếp loại giáo viên, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Đình Ý, Giám đốc Trung tâm, thăm hỏi học viên học tập tại Trung tâm.

Ông Lê Đình Ý, cho biết: “Năm 2015 Trung tâm đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho 45 học viên sau đào tạo đạt 128% chỉ tiêu. Bên cạnh đó Trung tâm đã vận dụng được sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các Sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là các trường học trên địa bàn trong việc đặt hàng các sản phẩm may mặc và in ấn do các cháu khuyết tật làm tại các Xưởng sản xuất của Trung tâm (21 trường học đặt hàng). Xưởng may, xưởng in lưới tuy mới được thành lập nhưng có số lượng hàng ổn định đảm bảo việc làm thường xuyên từ 10 - 15 học viên, với mức lương từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng”.

Ngoài ra Trung tâm còn vận dụng được nhiều sự hỗ trợ khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tạo mô hình sản xuất kinh doanh giúp các cháu khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định như: Sản xuất bàn ghế từ nhựa Đài Loan…tạo nguồn thu cho Trung tâm đạt 110 triệu đồng/năm phục vụ cho các hoạt động khác. Thực hiện triển khai các mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, gà, cá... tổ chức các lớp dạy nghề tại khu điều hành dự án... Hoàn thành nhà làm nấm và triển khai đi vào sản xuất tạo việc làm cho các cháu khuyết tật và lao động địa phương.

Thường xuyên liên hệ với tổ chức INKOTA để xin giải ngân nguồn kinh phí 87.000 EURO, hoàn thành giải ngân nguồn kinh phí tài trợ của tổ chức INKOTA với tổng nguồn kinh phí 444.000 EURO và bước đầu triển khai thực hiện 2 dự án khác đã được cam kết tài trợ với kinh phí 100.000 EURO. Liên hệ với các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế để kêu gọi nguồn tài trợ xây dựng Nhà đa chức năng kết hợp phục hồi chức năng cho người khuyết tật, đến nay đã có một số  thông tin phản hồi trong việc tài trợ xây dựng Nhà đa chức năng của Tập đoàn VinGrup.

Ngoài ra Trung tâm đang sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà ở nội trú, căng tin, bếp ăn đưa vào sử dụng phục vụ cho các nhiệm vụ được giao của Trung tâm. Hoàn thành hạng mục công trình tại khu điều hành dự án trồng rừng, trang trại và chăn nuôi tại thôn Song Nam, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Xây dựng hệ thống chuồng bò phục vụ sản xuất, chăn nuôi tại Dự án Trồng rừng, trang trại và chăn nuôi cho người khuyết tật. Hiện nay, Trung tâm đã làm việc với các cơ quan chức năng để xin phê duyệt đề án dạy văn hóa chuyên biệt để xóa mù, từ đó nâng cao hơn chất lượng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Ông Ý, cho biết thêm: “Có một thực tế hiện nay là ngoài tâm lý e ngại khi sử dụng lao động là người khuyết tật, không ít doanh nghiệp cũng chưa có những ưu tiên cần thiết đối với họ. Để người khuyết tật có thể vươn lên trong cuộc sống, vượt qua hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, rất cần hơn nữa sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng”.

Với những phấn đấu và thành tích đã đạt được, năm 2015 Trung tâm, đã được Sở, ngành ghi nhận với các danh hiệu như: Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc; Chi bộ đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh; Công đoàn đạt trong sạch vững mạnh; Chi hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đều đạt xuất sắc.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh