THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Nỗi buồn ven đô

Kỳ 2: Cái kết bi đát bởi tư duy nông phu

Đong đếm tình người …

Nhớ lại thời điểm khoảng năm 2007, 2008, khi Hà Nội có chủ trương phát triển về phía Tây thì những vùng đất ven đô của huyện Từ Liêm (cũ) “thay da, đổi thịt”, chuyển mình từ quê lên phố. Một số nơi như “thất điên bát đảo” vì đất, ai cũng chăm chăm xem nhà mình có thể cắt chỗ nào, bán chỗ nào, từ đất ông cha, đất hương hỏa, đất ruộng, đất vườn, tất thảy đều được người ta mang ra tính toán xem bán được bao nhiêu, bán để sắm sửa cái gì. Vì mét đất, vì đồng tiền, vì lợi ích và sự tham lam đã khiến nhiều người phá bỏ tình thân vốn có.

Câu chuyện của gia đình bà Đặng Thị Xuyến (thôn Văn Trì, xã Minh Khai, nay là phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) là một ví dụ. Bà Xuyến cho biết: Suốt hơn chục năm qua anh em chẳng nhìn mặt nhau, thay vào đó là vác đơn đi kiện lên tòa các cấp chỉ vì tranh chấp đất cát. Theo lời bà Xuyến, mẹ chồng bà có hơn 1.000m2 đất ở thôn Văn Trì. Trước khi mất, cụ đã chia đều cho hai người con trai (chồng bà Xuyến là em). Nhưng ngày đó, đất cát chỉ giao bằng miệng, trước sự chứng kiến của vài người trong dòng họ chứ không hề có giấy tờ.

Từ người có tiền, giờ hàng đêm chị Hương phải đi nhặt đồng nát.

Chính vì vậy, từ ngày chồng bà Xuyến mất, khi đất ngoại ô giá tăng cao chót vót thì gia đình người anh chồng đã muốn đuổi bà Xuyến ra khỏi nhà hòng chiếm đoạt. Do bà Xuyến là người nơi khác về làm dâu nên luôn bị chèn ép, chửi bới.

Cách phường Minh Khai không xa, gia đình ông Nguyễn Kim Khôi (Tây Tựu - Bắc Từ Liêm), cũng “thất điên bát đảo” vì đất. Do cuộc sống gia đình khó khăn, không có của cải nên lúc còn sống, bố mẹ ông Khôi hứa sẽ chia đều miếng đất của gia đình cho ba người con trai là ông Doanh, ông Hoạt và ông Khôi. Sau khi lấy vợ, ông Doanh được xã cấp cho 1 miếng đất trong diện giãn dân, hai vợ chồng ông Hoạt làm ăn khấm khá hơn nên mua được đất ra ở riêng, còn hai vợ chồng ông Khôi (là con út) vẫn ở chung cùng với bố mẹ. Khi ông Khôi cùng gia đình phá 2 gian của ngôi nhà cũ mà bố mẹ để lại làm nhà mới, thì ông Hoạt cùng một số người trong gia đình đến đòi phần đất thừa kế của mình. Ông Khôi không đồng ý nên giữa hai anh em đã lời qua tiếng lại. Sau đó, ông Hoạt cùng hai người con gái của mình đã kéo đến nhà ông Khôi đập phá. Bức xúc, ông Khôi lấy dao chém con gái ông Hoạt.

Tay trắng hoàn trắng tay

Không tranh chấp, nhưng cũng không biết tiêu tiền là câu chuyện mà ông tổ trưởng một tổ dân phố ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể. Nhớ lại cái thời “hoàng kim” của việc nhận tiền, ông than thở: Sau cái dịp tấc đất đổi tấc vàng ấy, nhiều gia đình cả con trai lẫn con gái dính vào tệ nạn, nhiều nhất là cá độ bóng đá, lô đề, cờ bạc, điển hình như gia đình anh Hưng ở phường Mễ Trì. Từ ngày ruộng đất nằm trong khu quy hoạch dự án và được đền bù, gia đình anh bỗng trở nên giàu có và… “nổi tiếng”.

Nhà anh Hưng nằm sát con đường lớn, thuộc loại đồ sộ nhất xóm, đối diện bên kia là khu đô thị cao cấp The Manor. Trước đó, với cả ngàn mét đất, anh thu về đến hơn chục tỷ đồng tiền đền bù. Có tiền trong tay, anh đập nhà đi, xây dựng biệt thự kiểu Pháp, sắm sửa đầy đủ tiện nghi trong nhà. Ngoài ra, anh còn xây dựng một dãy phòng trọ 3 tầng cho sinh viên thuê để Vợ ở nhà trông nom. Còn dư tiền, anh góp vốn đầu tư mở công ty với một  vài người bạn. Hưng còn sắm cả ô tô để chở vợ con đi chơi, thỉnh thoảng về thăm nhà ngoại cho tiện. Nhìn cảnh một anh nông dân bỗng dưng lên chức giám đốc, ngày ngày chỉ ký giấy tờ buôn bán thu tiền về, còn chị vợ chỉ ở nhà chờ cuối tháng thu tiền phòng trọ khiến nhiều người không khỏi suýt xoa, thèm muốn.

Ngôi nhà lá của bà Xuyến bị người anh chồng xô đổ cách đây 10 năm (ảnh nhân vật cung cấp).

Thế nhưng, từ ngày có tiền, Hưng sinh ra nghiện cá độ bóng đá. Lúc đầu chỉ bắt “vài quả” cho vui, nhưng rồi Hưng càng chơi lại càng mê, đến nỗi tiền đã hết mà chưa thể dứt ra được. Có lần anh còn ra tận Hải Phòng bắt độ ngay trên sân với mấy “đại gia” đất Cảng. Chồng đã như vậy, nhưng chị vợ cũng chẳng kém cạnh, ngày ngày chị ngồi nhà tính số má cho mấy trò lô đề.

Đam mê bài bạc, bỏ bê công việc, Cty của anh Hưng dần đi đến phá sản, tiền nợ nần lên đến vài tỷ đồng. Bước đường cùng, Hưng phải bán nhà, bán xe để trả nợ. Thằng con trai độc nhất bỏ học trung học, đi học nghề mỗi chỗ vài tháng nhưng không xong, đến nay đã 23 tuổi vẫn chưa nghề ngỗng gì. Đã qua rồi cái thời Hưng tiêu tiền quyển, ở nhà lầu, đi siêu xe. Bây giờ gia đình chỉ trông chờ vào dãy nhà trọ, nhưng nợ nần chồng chất, anh đang tính chuyện bán nốt...

U uất, tủi hổ

Không chỉ có anh Hưng, mà nhiều người khác từ chỗ ngồi trên đống tiền, đến giờ cũng trong cảnh khốn cùng, tủi hổ. Chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1972), ở phường Phú Đô, Hà Nội), đã 3-4 năm nay, bất kể đêm đông giá buốt, trong khi nhiều người không dám ra đường, thì chị vẫn phải cọc cạch chiếc xe đạp dạo khắp các điểm tập kết rác trên địa bàn quận Cầu Giấy để lựa nhặt rác thải có thể “tái chế” mà người ta bỏ đi.

Cách đây 10 năm, chị Hương sống trong nhung lụa. Nhưng, như chị tâm sự: “Cuộc đời không ai biết được chữ ngờ”. Thế nên, vì không biết lo toan cho tương lai, chỉ biết rút tiền đi chợ, mua sắmdu lịch, đến nay chị Hương phải đi lượm ve chai để nuôi hai con ăn học.

Tranh thủ một vài phút nghỉ ngơi, chị Hương tâm sự: Cũng như nhiều người, gia đình chị được đền bù khi giải phóng mặt bằng dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long, rồi sau đó bán đất với số tiền lên tới 5 tỉ đồng. Có tiền, hai vợ chồng làm cái nhà hơn 1 tỉ, sau đó mua xe ô tô 800 triệu đồng cho chồng chạy khách, ngoài ra còn du lịch đây đó.

Nhưng có ai ngờ, từ đó anh chồng đâm ra đổ đốn, cặp bồ với sinh viên rồi về đòi ly hôn chị. Gia đình chồng phản đối, anh lại càng đắm chìm vào thứ tình yêu mông muội đó. Bao nhiêu tiền, anh mang đi cho cô gái kia, rồi ăn chơi, bài bạc. Hết tiền tiết kiệm, anh mang cả nhà đi cắm vay nợ, rồi không còn khoản gì, anh ta bán nốt cả nhà. Khổ quá và chả biết làm gì khác, chị Hương ra khu sân vận động Mỹ Đình kê bàn bán nước kiếm đồng ra, đồng vào, nhưng lại bị một số kẻ phá phách nên chị không dám bán nữa. “Bất đắc dĩ, tôi chọn cái nghề này. Cứ đến tối lại bịt mặt, dạo khắp phố phường nhặt nhạnh đồng nát, bán lấy tiền lo cho con, còn ông chồng thì không biết phiêu bạt nơi đâu…”, chị Hương nói.

Cùng ở phường Phú Đô, chị Nguyễn Thị Sang (tổ dân phố số 2) có anh chồng nghiện cờ bạc, bao nhiêu đất cát rơi vào tay người khác, để rồi 2 vợ chồng cùng 3 đứa con phải ra ngoài đồng thuê 1 túp lều, sinh sống qua ngày. Nói chuyện với tôi, chị Sang chỉ về phía ngôi nhà 4 tầng rộng khoảng gần 100m2 ở phía đối diện, bảo: “Ngày xưa tôi ở trong ngôi nhà đấy, nhưng giờ là của người ta rồi. Chồng tôi nhà tầng không muốn ở lại muốn ở nhà tôn, sống yên ổn không thích lại thích bị bọn đầu gấu mang dao, mang kiếm đến siết nợ. Có đợt chúng còn ném mìn tự chế, ném mắm tôm thối vào nhà tôi để dọa nạt”, chị Sang nói trong uất ức.

Phía sau những dự án, nhiều người vùng ven đô đã ổn định được cuộc sống, song cũng có những cái kết buồn sau khi nhận khối tiền tỉ.

Chính vì ý chí và thiếu định hướng, nên những người nông dân vốn thật thà, chất phác mới bị chông chênh, và buồn hơn là rơi vào bi kịch không lối thoát.

QUANG KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh