Nỗi buồn ven đô
- Dược liệu
- 21:15 - 12/04/2016
Kì 1: Những cảnh đời không lối thoát
Mảnh đất “nằm ngủ” lâu ngày được “thức giấc” với giá tiền tỉ, anh em sẵn sàng chém giết, tranh giành. Bị xã hội đen đe dọa, người thanh niên tìm đến cái chết để giải thoát cho gia đình, người chị gái cũng theo em uống thuốc tự tử vì chồng bài bạc, nợ nần.
“Tan đàn xẻ nghé”... vì đất
Trở lại chuyện gần 3 năm, người dân xã Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội) bàng hoàng nghe tin bà B.T.N (SN 1958) bị anh ruột là B.T.Đ (SN 1940, ngụ cùng thôn) vác dao bầu đâm nhiều nhát cho đến khi bà N gục chết tại chỗ trong vũng máu.
Đã một thời gian dài khi bi kịch xảy ra, nhưng mỗi khi nhắc lại, chị V.T.T, con gái của nạn nhân vẫn kể lại với ánh mắt bàng hoàng, đau đớn. Chị T cho biết, hôm đó khoảng 7 giờ sáng ngày 19/4/2013, sau khi chị cùng với mẹ là bà N đi mua đồ ăn sáng về cho ông ngoại ăn (bố bà N) thì gặp ông Đ đang ở trong nhà: “Khi mẹ em đang gọt hoa quả cho ông, thì từ đằng sau, bác Đ vung dao đâm một nhát vào lưng mẹ. Mẹ em chỉ kịp quay người lại nhìn với vẻ mặt ngỡ ngàng và đau đớn. Lúc đó, em hoảng đến nỗi chân không bước đến bên mẹ được. Sau một phút định thần, biết mình không thể ngăn cản được, em chạy ra ngoài hô hoán mọi người đến cứu. Khi em vừa ngoảnh lại, thì bác Đ còn rút dao ra đâm liên tiếp vào người mẹ em thêm nhiều nhát nữa”.
Về nguyên nhân vụ việc thì người dân không ai lạ gì, bởi mọi thứ đều từ đất đai mà ra. Số là bố mẹ bà N sinh được 7 người con, trong đó ông Đ là con trai trưởng.
Ngoài bốn em gái lấy chồng ở nhà chồng, hai người em trai cũng lập nghiệp ở xa. Bố bà N có một mảnh đất hương hỏa diện tích 322m2 và một số diện tích ruộng vườn khác. Mọi vấn đề về tranh chấp đất đai gần như không có. Tình cảm anh em cũng hòa thuận trong ngoài. Cho đến năm 2003, khi giá đất ở ngoại thành bắt đầu tăng lên, sau khi mẹ bà N mất thì mấy anh em trong nhà xảy ra bất hòa từ việc phân chia tiền bán đất không đồng đều. Từ việc tranh cãi nhau bằng mồm, rồi dẫn đến bất hòa, mấy anh em trong gia đình bà N lại kéo nhau ra tòa kiện tiếp. Tòa xử ông Đ bị thua, và khi có quyết định thi hành án thì bà N cầm tờ giấy này đi dán khắp xóm. Có thể do quẫn trí và bực tức, ông Đ đã xuống tay với bà N.
Đến nay, mặc dù sự việc cũng đã lâu, người chết thì đã mồ yên, mả đẹp, còn người sống thì cũng phải trả giá bằng những bản án thích đáng, nhưng có lẽ điều còn lại cho những người được gọi là con cô, con bác thì vẫn mãi là sự ám ảnh. Cũng chung tình cảnh với gia đình bà B.T.N, vụ án xảy ra ngày 3/3 vừa qua ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng khiến nhiều người thương xót. Nạn nhân là anh N.V.V (SN 1975 ở thôn Ấp Giữa, xã Tiền Phong) bị anh trai là N.V.Đ (SN 1970) đâm chết. Nguyên nhân vụ việc sau đó được làm rõ là do giữa hai anh em có mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai trong vùng quy hoạch.
Cờ bạc dẫn lối
Không chỉ có vậy, vào những năm 2000, Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình được phê duyệt quy hoạch, vùng đất trũng bỗng dưng thành khu đất vàng. Có tiền, nhiều người đưa chân theo lối cờ bạc.
Ngày chúng tôi đến, ông N.V.N, ở tổ dân phố số 1, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vẫn như chưa vơi đi nỗi đau, đôi mắt lúc nào cũng buồn sâu hun hút. Nhắc đến hai người con, ông như chực khóc: “Vợ chồng tôi sinh được 6 đứa con thì đến nửa số đó trở thành nạn nhân của cờ bạc. Vợ tôi bị bệnh tâm thần, bỏ đi biệt xứ 15 năm nay. Khi vùng đất này có quy hoạch, mấy đứa con đâm ra ham mê cờ bạc, lô đề. Có bao nhiêu tiền đền bù, tiền bán đất, tôi trả nợ cho chúng hết nhưng cuối cùng, thằng con thứ vì không chịu được áp lực của xã hội đen, phải tìm đến cái chết để giải thoát”.
Ông N.V.N đau xót khi nhớ về 2 người con đã mất cũng chỉ vì cờ bạc.
Nỗi đau chưa kịp vơi, cuối năm vừa rồi, khi gia đình đang chuẩn bị để đón Tết, vào đúng ngày 28 thì người con gái ông cũng uống thuốc tự tử. Ông kể, gia đình người con gái đông con nên phải sớm khuya cày cuốc đủ thứ cho con có tiền ăn học. Anh chồng đã chả phụ giúp được gì lại còn rượu chè, cờ bạc. Mỗi lần bị thua bạc, anh lại về chửi bới, đánh đập chị để lấy tiền đem đi trả nợ, đất đai, nhà cửa cũng bao lần vì anh mà phải đem đi cầm cố, bán sạch.
Quá áp lực và bế tắc trước cuộc sống, chị tìm đến cái chết với hy vọng giải thoát cho bản thân. Chị ra đi để lại 4 đứa nhỏ với ông chồng mê cờ bạc, rượu chè, đứa lớn đang học lớp 11, đứa nhỏ mới học đến lớp 5. “Nó chết đi thì giải thoát được cho nó nhưng tội mấy đứa trẻ quá. Chúng nó đang tuổi ăn tuổi lớn, bố nó thì lại như vậy, tương lai của mấy đứa trẻ chẳng biết rồi sẽ ra sao”, ông N nói và không cầm nổi nước mắt khi nghĩ về gia đình mình.
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chuyện và bà Phạm Thị Dung (tổ dân phố số 2, phường Phú Đô) có lẽ là câu chuyện đau xót hơn ai hết. Ông Chuyện kể, từ gần chục năm trước, con trai ông là N.Đ.C do bị kẻ xấu lôi kéo đã dính vào cá độ bóng đá. Mới đầu C chỉ đánh cò con, cũng vài lần được nên ham. Sau đó cứ đánh lớn dần, lớn dần cho đến khi hết tiền, C tìm đến con đường vay nặng lãi.
“Tiền lãi thấp nhất cũng vào khoảng 2.000 đồng/1 triệu/ngày nhưng có thời điểm cao nhất nó vay đến 7.000 đồng/1 triệu/ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con, từ tiền triệu thành tiền tỉ, từ một tỉ sau thành chục tỉ, tính ra số tiền nó “nướng” vào cá độ đến nay đã hơn 10 tỷ đồng”, ông Chuyện chua xót.
Bà Dung đau buồn kể về đứa con và nợ nần cờ bạc.
Theo bà Dung, khi cậu con trai về nhà báo nợ với gia đình số tiền lên đến 10 tỷ đồng, chồng bà, ông Chuyện nấc lên: “Mày giết tao đi con ạ, giờ tao biết lấy đâu số tiền 10 tỷ”. Nói rồi, ông gục xuống, nghẹn ngào, đau đớn. Nhưng quýt đã làm thì cam đành chịu, bố mẹ làm sao mà bỏ được con cái. Đã gần 80 tuổi, cũng chẳng còn đủ sức để lao động, ông đành ngậm ngùi bán dần đi đất đai, nhà cửa. Vì vậy, mảnh đất của tổ tiên ông để lại cứ lần lượt về tay người khác. Ông chỉ tay ra khoảng đất ngoài sân, chua xót: “Chỗ đằng trước này tôi bán hết rồi nhưng chẳng thấm vào đâu với khoản nợ của nó”.
Bà Dung kể, trước sự dồn ép của các đối tượng cho vay nặng lãi, ngày 13/4/2015, con trai bà đã uống thuốc sâu tự tử nhưng may mắn được cứu sống. Nhưng ngay cả khi C dở sống, dở chết thì chúng cũng chẳng buông tha. Ngày ngày chúng vẫn đến quấy rối, hạch sách gia đình ông bà. Giờ đây, ngoài tiền phải trả cho chủ nợ, ông còn phải lo thêm tiền thuốc thang, chạy chữa cho người con trai ấy. “Vẫn biết nó hư hỏng, nhưng máu mủ mình đứt ruột đẻ ra, bỏ làm sao cho được. Từ ngày nó tự tử và được cứu, tôi không đêm nào ngon giấc, con dại cái mang mà...”, ông Chuyện tiếp lời vợ.
Ông Chuyện tâm sự, vì cậu con trai ham mê lô đề, bóng bánh mà giờ đây gia đình ông mỗi người ly tán một nơi. Con trai thì phải lên tận Tuyên Quang chạy chữa sau khi được cứu sống và cũng là để thoát khỏi sự quấy phá của chủ nợ. Còn con dâu và cháu nội ông thì bỏ về quê ngoại sinh sống mong tìm lại sự bình yên. Giờ đây trong ngôi nhà 3 gian lợp mái ngói ấy chỉ còn lại hai ông bà với lọ dưa cà mắm muối bán kiếm thêm đồng ra đồng vào.
“Ở đây không thiếu con cái, cả gái lẫn trai bị dính vào tệ nạn lô đề, cờ bạc. Không ít gia đình phải bán sạch đất đai, nhà cửa để gánh nợ cho con. Có những gia đình hết sạch đất cát, phải kéo nhau ra ngoài đồng ở. Biết bao gia đình phải ly biệt cũng chỉ vì cờ bạc”, ông Chuyện chua xót.
(còn nữa)