CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:09

Rác, nước thải ngập tràn ven đô

Như chúng ta đều biết, khi dân số đông đúc thì chuyện người dân thải ra một lượng rác, nước thải sinh hoạt hàng ngày nhiều là điều khó tránh khỏi. Và khi lượng nước thải không được xử lý, và rác thải không được thu gom, hoặc thu gom không triệt để sẽ dẫn tới môi trường sống bị ô nhiễm. Một khi môi trường sống bị ô nhiễm thì chính con người - cư dân của những vùng “đô thị mới” sẽ là những người trực tiếp gánh chịu hậu quả!

Đến bất kỳ một huyện nào của Hà Nội cũng thấy choáng ngợp và sợ hãi vì rác thải. Rác thải sinh hoạt được xả ra từ dân cư, do không được thu gom hết đã được mang ra đổ ở vệ đường liên thôn, liên xã, bìa làng, hay ven ruộng lúa, ao, hồ, kênh mương dẫn nước... Thậm chí có những nơi có biển “cấm đổ rác”, vậy mà người ta cũng bất chấp để đổ, vứt rác ở đó, dưới hình thức cả giấu giếm cũng như công khai.

 

 Vẫn biết rằng, trong khoảng dăm năm trở lại đây, ở một số vùng đô thị hóa có địa giới gần với nội thành thì việc thu gom rác cũng đã được thực hiện. Thế nhưng, đại đa số hình thức thu gom rác vẫn chỉ là địa phương tự cắt cử một nhóm người đi gom, và thu lệ phí nhất định với các thành viên trong gia đình. Nếu như số rác thu gom được đó mà công ty môi trường đô thị tới gom rồi vận chuyển ra bãi rác, hay nhà máy xử lý rác thải thì không nói làm gì, đằng này hầu hết địa phương ở ngoại thành đều phải lo chỗ đổ rác. Chính vì vậy mà hầu như thôn nào, xã nào trong huyện cũng phải lo tìm chỗ đổ và chôn lấp rác. Được biết, từ nhiều năm trước, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn... đều mang rác thu gom được từ dân cư ra đổ tại một điểm tập trung ngoài cánh đồng, cách không xa khu dân cư. Rác thải ra ngày một nhiều, bãi chôn lấp rác cũng vì thế càng trở nên chật chội, quá tải, vì thế mà việc tìm thêm các địa điểm chôn lấp rác thải luôn là vấn đề nan giải ở hầu hết các địa phương. Dẫu vậy, dù thế nào đi nữa thì ở các làng xã có đội thu gom rác thải sinh hoạt môi trường cũng được cải thiện ít nhiều, cảnh quan còn phong quang sạch sẽ đôi chút, chứ một số nơi không cắt cử đội thu gom thì rác thải bị đổ ở mọi nơi mọi chỗ, từ đường thôn, ngõ xóm cho tới tận bìa làng.

Từ những đống rác thải đó, các ổ vi khuẩn độc hại phát sinh, phát tán vào không trung là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh dịch rất nguy hiểm cho cộng đồng. Không ít người dân biết là vậy, nhưng họ không biết làm cách nào.

Ngoài rác thải, thì nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải từ các nhà máy sản xuất, từ các khu công nghiệp... cũng đã và đang “đầu độc” môi trường sống ở các vùng ngoại thành một cách báo động. Ngày xưa, các kênh mương dẫn phục vụ tưới tiêu nông nghiệp ở các huyện ngoại thành thường rất sạch sẽ, nước luôn trong xanh, thì chục năm trở lại đây chúng đã... đổi màu thành đen ngòm! Thực trạng kênh mương ở ngoại thành với nước đen ngòm, luôn bốc mùi hôi thối là có thực, và nó không chỉ trực tiếp ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe của người dân, mà về lâu dài nó sẽ tác động xấu tới mạch nước ngầm, cũng như hệ sinh thái. Vấn đề này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo, và yêu cầu bức thiết là cần phải có hệ thống kênh mương dẫn và thu gom, cũng như những nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Đối với những nhà máy sản xuất, những khu công nghiệp thì phải có chế tài xử phạt nếu các nhà máy, khu công nghiệp không có biện pháp xử lý mà xả thải vào môi trường.

NGUYỄN ANH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh