Trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại Thừa Thiên Huế
- Dược liệu
- 19:05 - 15/08/2023
Tại chương trình, BTC đã trao hỗ trợ sinh kế cho 30 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại huyện A Lưới. Cụ thể, trong đợt 1 năm 2023, Hội (HTKPHQBM) Việt Nam quyết định trao hỗ trợ sinh kế cho 30 nạn nhân bom mìn với số tiền 200 triệu đồng. Trong đó, 20 nạn nhân bom mìn được trao mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người và 10 nạn nhân bom mìn được trao mức hỗ trợ 8 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ này sẽ giúp người dân đầu tư vào chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời, BTC cũng trao tặng 20 xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó và một số sách truyện tranh tuyên truyền phòng chống tai nạn bom mìn cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện A Lưới.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội (HTKPHQBM) Việt Nam còn tổ chức tuyên truyền về những biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và các em học sinh trên địa bàn huyện A Lưới. Thông qua tuyên truyền, hướng dẫn nhằm giúp người dân và các em học sinh cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp, cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.
Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Chủ tịch Hội (HTKPHQBM) Việt Nam, cho biết trong hơn 9 năm qua, Hội đã có những hoạt động rất tích cực, thiết thực và hiệu quả trên phạm vi cả nước, nhất là những địa phương trọng điểm về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh từ nguồn quỹ Hội cũng như nguồn ủng hộ, tài trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Hội đã tiến hành 32 đợt hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 25 lượt tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân và các cháu học sinh đợt này là dấu mốc quan trọng, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Sự hỗ trợ này sẽ là nguồn động lực, động viên giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thời gian qua tỉnh luôn quan tâm đến công tác rà phá bom mìn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bom mìn. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã hợp tác với các tổ chức trong, ngoài nước triển khai các dự án của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia (VNMAC), triển khai dự án rà soát bom mìn tại huyện A Lưới. Thông qua triển khai các dự án rà soát bom mìn đã góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, giúp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn thời gian tới, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ có những chương trình, hoạt động thiết thực để kịp thời động viên, chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn trên cả nước phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng là địa bàn trọng điểm chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, với số lượng lớn nạn nhân bị tai nạn do bom mìn gây ra trong nhiều năm qua. Riêng tại huyện A Lưới, tính đến cuối năm 2022, huyện có tổng diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ là 2.981 ha, cùng nhiều nạn nhân bom mìn. Trong nhiều năm qua, A Lưới đã chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Tuy nhiên, đời sống của nhiều nạn nhân vẫn còn rất khó khăn.