“Cần đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới”
- Tây Y
- 03:11 - 20/07/2016
Toàn cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBQGVSTBPNVN, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch UBQGVSTBPNVN, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành là thành viên của Ủy ban.
Những bước tiến mới về bình đẳng giới
Trong 6 tháng đầu năm, 2 sự kiện chính trị quan trọng đã được tổ chức thành công, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây cũng là năm đầu tiên các cấp, các ngành triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đối với công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện giai đoạn 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 ở tất cả các cấp, ngành trong cả nước; là năm thứ 10 thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, công tác bình đẳng giới nhìn chung đã có sự tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,8% tăng 2,71% so với khóa XIII. Có 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, đặc biệt một số địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội rất cao như Bắc Kạn (66,67%); Bắc Giang (62,5%), Quảng Ngãi (57%); Bắc Ninh (53,84%). Về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước: Cấp tỉnh đạt 26,46% tăng 1,29%; cấp huyện đạt 27,51%, tăng 2,89%; cấp xã đạt 26,70%, tăng 4,99%. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch là nữ.
“Có được kết quả trên là sự nỗ lực lớn trước hết của ứng cử viên cùng sự vào cuộc quyết liệt của Hội LHPNVN và của UBQG VSTBPN Việt Nam thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức tọa đàm, tập huấn nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của UBQG và phương hướng, kế hoạch 6 tháng cuối năm, Phó chủ tịch UBQGVSTBPNVN, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục là điểm mạnh để thực hiện các nhiệm vụ được giao; Công tác tuyên truyền, tập huấn bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt là công tác truyền thông nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp, đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp…Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai công tác VSTBPN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ triển khai công tác kiểm tra chậm, công tác tham mưu của Ban VSTBPN với lãnh đạo và chính quyền ở một số nơi còn hạn chế dẫn đến hoạt động còn khá hình thức; chế độ thông tin báo cáo của các Ban VSTBPN với UBQG còn chậm, gây khó khăn trong việc tổng hợp và nắm bắt thông tin để có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm báo cáo tại Hội nghị
Tăng cường giám sát thực hiện Luật Bình đẳng giới
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mới đây tại cuộc họp của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có một số ý kiến đề nghị UBQG, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho sửa đổi Luật Bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng để sửa đổi Luật trên cần phải tổng kết, đánh giá. Do đó Bộ trưởng đề nghị, bên cạnh việc đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ủy ban, các thành viên của Ủy ban cho ý kiến về xây xây dựng thể chế, chính sách liên quan.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng công tác chỉ đạo, tổ chức tập huấn và truyền thông thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, công tác kiểm tra giám sát của Ủy ban còn khiêm tốn. Ông Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, trong các cuộc họp tới, UBQG nên thực hiện theo chuyên đề, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng, kỹ năng cho các nữ đại biểu dân cử vừa trúng trong kỳ bầu cử vừa rồi.
Đại biểu tham dự
Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cho rằng, báo cáo cần bổ sung thêm nguyên nhân, kết quả đạt được, những yếu kém, phân tích xem nguyên nhân nào thuộc về chủ quan, khách quan để có kiến nghị, đề xuất. Cần sớm kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ để nhanh chóng đi vào hoạt động; đẩy mạnh triển khai kế hoạch BĐG giai đoạn 2016-2020; Khảo sát, rà soát, thống kê lại 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu trong giai đoạn trước. Trên cơ sở đó, đối chiếu chính sách BĐG, có gì bất cập, chưa hợp lý để đề xuất việc thay đổi luật, chính sách về BĐG.
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng cần quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, đánh giá vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, và sự thụ hưởng của phụ nữ. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, tập trung đến các tỉnh còn yếu trong công tác giới như Huế, Tây Ninh. Bên cạnh đó cũng chọn một vài điểm làm mô hình nhân rộng thực hiện tốt về công tác bình đẳng giới.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung vào các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm như : Tập trung xây dựng kế hoạch 2017, trong đó, kiến nghị tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật BĐG, tổng kết 10 năm thi hành Nghị quyết số 11 – NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kiện toàn các Ban VSTBPN của các Bộ, ngành, địa phương; Trong các hội nghị của UBQG nên có một chuyên đề vừa thông tin, tuyên truyền đồng thời tạo sự phối hợp giữa các thành viên; Công tác thi đua, tuyên truyền: cần phối hợp văn phòng đưa vào các nội dung trọng điểm cần tuyên truyền trong thời gian tới; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sau khi làm việc có thông báo kết luận cho các địa phương.