'Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu'
- Huyệt vị
- 17:50 - 16/11/2017
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề cập đến vấn đề trần nợ công đã sát, hơn 60% GDP. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết về giải pháp của Bộ Tài chính. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính là làm thế nào để vừa kiểm soát nợ công, lại vẫn phải đảm bảo nguồn vốn cho phát triển.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn. Chúng ta phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công. Bộ Tài chính đã có các báo cáo, trình các cơ quan liên quan để kiểm soát tình trạng này, đảm bảo an toàn nợ công, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi, tăng cường quản lý nợ công, vốn ODA, sử dụng nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Một số giải pháp cụ thể được Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cập đến như:
Đầu tư nguồn vốn vay công chỉ tập trung các dự án quan trọng.
Xác định rõ bội chi và lộ trình cắt giảm bội chi ngân sách hướng tới năm 2018 giảm còn 3,7%; năm 2019 là 3,6% và 2020 giảm xuống 3,4%.
Siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Từ năm trước đến nay đã không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, chỉ giải ngân những dự án bảo lãnh trước đó. Đặc biệt các dự án của doanh nghiệp, 2 ngân hàng chính sách chỉ bảo lãnh phát hành ngang dư nợ.
Điều hành kiên quyết bám sát nghị quyết 5 năm điều hành các chỉ tiêu bội chi liên quan đến nợ công.
Giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn 300.000 tỷ đồng cả giai đoạn đến năm 2020.
Đảm bảo cân đối, bố trí trả nợ đúng hạn đã có trong kế hoạch cụ thể.
Tăng cường thanh tra kiểm tra trong đầu tư công, hợp tác đầu tư, đấu thầu, kiểm soát, kiểm toán…
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết các chỉ tiêu trần nợ công đã được đưa vào Nghị quyết Quốc hội, hoàn chỉnh Luật Nợ công sửa đổi. Thời gian qua, nợ công bước đầu được cơ cấu, kiểm soát tương đối kết quả. Nợ công vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, bước đầu kiềm được độ gia tăng, nâng được kỳ hạn phát hành trái phiếu. Theo Tư lệnh ngành Tài chính, nợ công vẫn cần được kiểm soát chặt nhưng bước đầu, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra kiểm soát đều đang làm tốt.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn
Tranh luận về vấn đề nợ công với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng nói là thành công trong kìm hãm nợ công. Tuy nhiên, đó chỉ là “số là vỏ bên ngoài, nhưng linh hồn là đầu tư hiệu quả như thế nào. Nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu”, Đại biểu Tuấn nhấn mạnh và đề nghị Bộ trưởng cần báo cáo thêm đầu tư công hiệu quả ra sao.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tuấn, Bộ trưởng thừa nhận hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu. Ông cũng nói đây là trách nhiệm của Bộ KH-ĐT và các bộ ngành địa phương trong sử dụng. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Dũng thông tin cơ quan này đang nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển cấp phát cho vay lại, giảm tối đa bảo lãnh tín dụng... giám sát chi tiêu nợ công, hoàn chỉnh thệ thống pháp luật về nợ công.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Tài chính, giải trình thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật đầu tư công, chúng ta đầu tư công dàn trải dẫn đến thất thoát rất lớn.
Sau này Chính phủ ban hành Nghị quyết 1792, sau đó có Luật đầu tư công thì hiện chỉ còn hơn 1000 dự án, giảm rất nhiều và bám sát khả năng cân đối của ngân sách. Phần nợ đọng của giai đoạn trước cũng đã được xử lý dứt điểm.
Nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư công không hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư là do các dự án cũng chưa bám sát thực tế; Thời gian triển khai dự án đầu tư hiện phải thực hiện rất nhiều thủ tục, làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, và giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp rà soát lại toàn bộ những bất cập trong đầu tư công để sửa.