CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:27

ĐBQH mong đợi và đặt câu hỏi gì khi chất vấn các thành viên Chính phủ?

Đây là hoạt động "nóng" nhất, được cử tri mong đợi nhất trong mỗi kỳ họp QH. Bên hành lang QH, các đại biểu cho biết, mong muốn trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, những vấn đề mà đại biểu QH và cử tri nêu ra sẽ được các “tư lệnh ngành” giải đáp và xử lý thỏa đáng, có kế hoạch, thời gian cụ thể để đại biểu và cử tri giám sát. 

Chính phủ phải luôn đồng hành với trăn trở, lo lắng của cử tri 

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chất vấn trong phiên họp toàn thể của QH là hình thức giám sát tối cao. Cùng với sự hỗ trợ của truyền thông, phiên chất vấn sẽ tác động rất mạnh mẽ đến người dân. 

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chất vấn trong phiên họp toàn thể của QH là hình thức giám sát tối cao

 

“Người dân không chỉ theo dõi những việc làm của Chính phủ mà còn cả năng lực của QH, đại biểu QH thông qua cách đặt câu hỏi, trao đổi và tranh luận. Điều mong đợi nhất mà cử tri và các đại biểu QH trông chờ ở các phiên chất vấn là các thành viên Chính phủ thực sự thẳng thắn, không né tránh những vấn đề mà người dân đang quan tâm và cần được giải đáp”, ông Quốc nói.

Theo đó, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, những vấn đề xã hội, đời sống dân sinh rất đa dạng, phong phú đều được người dân quan tâm và mong muốn QH làm rõ như: các dự án BOT; hàng giả, hàng thật; an toàn thực phẩm...

“Khi các thành viên Chính phủ và Quốc hội làm rõ những vấn đề mà người dân quan tâm, lo lắng chính là nâng cao trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm nữ đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám Đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên cho rằng, phần lớn những vấn đề mà cử tri mong muốn giải đáp đều rất nóng hổi, sát thực với đời sống, quyền lợi của người dân. 

“Hầu như kỳ họp nào vấn đề giáo dục, y tế, lao động, tiền lương cũng “nóng”, cũng được người dân nhắc đến trong các kỳ tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, rất khó để QH đáp ứng hết tất cả ý nguyện của cử tri qua phiên chất vấn, bởi lẽ không thể kỳ nào cũng xoay quanh lĩnh vực ấy mà bỏ qua những lĩnh vực quan trọng khác”, nữ đại biểu nói.

Bà Hiền nhấn mạnh thêm, nếu cử tri luôn theo sát hoạt động và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong quản lý vĩ mô, thì ngược lại, Chính phủ phải luôn đồng hành cùng với những trăn trở, suy nghĩ, lo lắng của cử tri. 

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên: "Phần lớn những vấn đề mà cử tri mong muốn giải đáp đều rất nóng hổi, sát thực với đời sống, quyền lợi của người dân"

 

Không nên để những bức xúc của người dân trong lĩnh vực nào đó làm ảnh hưởng đến những nỗ lực và kết quả mà Chính phủ đạt được trong thời gian qua. 

“Trong 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, tôi quan tâm và dự kiến sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT xoay quanh công tác quản lý báo chí, xã hội hóa chương trình phát thanh, truyền hình”, bà Hiền cho biết.

Trả lời chất vấn đúng với đòi hỏi, nhu cầu  trong giai đoạn cụ thể của đất nước
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ, phiên chất vấn nào cũng “nóng” nhưng phải làm sao để các đại biểu Quốc hội cùng với Chính phủ quan tâm đến những vấn đề mà người dân đề xuất, góp ý trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. 

“Trong phiên chất vấn, tôi quan tâm đến ngân sách nhà nước, làm sao đảm bảo và giải quyết được vấn đề nợ công. Vì trong khi bộ máy hành chính của nước ta vẫn còn khá cồng kềnh thì cần phải quan tâm đến việc tinh gọn bộ máy, để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị”, ông Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến hoạt động xét xử, chất lượng xét xử của tòa án và khả năng thi hành của bản án tại phiên chất vấn sắp tới

 

Cũng theo ông Ngân, là đại biểu QH đoàn TP. HCM, ông quan tâm đến các vấn đề liên quan đến thành phố. "Tôi mong rằng, các ban ngành cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ngoài ra, nên giao việc phân cấp, phân quyền, quyền tự chủ cho Hội đồng nhân dân TP HCM được quyền quyết định khi điều chỉnh việc sử dụng 10 ha đất lúa trở lên”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) cho rằng, chất vấn tại QH cần phải được phát huy vì nó đem lại hiệu quả thực sự, đặc biệt phải quan tâm đến lựa chọn vấn đề và người đăng đàn trả lời chất vấn sao cho đúng với đòi hỏi, nhu cầu trong giai đoạn cụ thể của đất nước. 

Nhưng chất vấn không nhất thiết diễn ra trên hội trường QH, mà theo ông Nghĩa giữa các kỳ họp đều có nhiều điều kiện để các đại biểu QH chất vấn bằng văn bản, thông qua ban thư ký gửi thẳng đến các Bộ trưởng.

“Cử tri luôn chờ đợi các phiên chất vấn, và thực sự chất vấn luôn có tác dụng tích cực, để các thành viên Chính phủ quan tâm giải quyết những vấn đề cử tri nêu ra. Mục đích của chất vấn là được trả lời chứ không phải để xuất hiện trên hội trường, chất vấn trên hội trường dù hiệu quả truyền thông rất mạnh nhưng cũng bị hạn chế vì giới hạn thời gian, Bộ trưởng không thể trả lời dài”, ông Nghĩa nói.

Còn đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) thì đi thẳng vào vấn đề mà ông sẽ quan tâm tại các phiên chất vấn, ông cho biết “đặc biệt quan tâm đến hoạt động xét xử, chất lượng xét xử của tòa án và khả năng thi hành của bản án". 

"Đây là vấn đề chúng ta cần thực hiện tốt đã được đề cập trong Hiến pháp năm 2013 để đảm bảo công bằng, quyền lợi của người dân mà tòa án là biểu tượng của công lý, công bằng”, ông Hiểu nhấn mạnh.
 

Kỳ họp này, QH chọn ra 4 nhóm vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm nhất để chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời về công tác quản lý thuế; hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được Nhà nước xử lý và giải pháp an toàn, hiệu quả cho hệ thống ngân hàng.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành TAND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn sẽ trả lời chất vấn về việc triển khai ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn của đại biểu QH về những vấn đề chung. Thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ “đăng đàn” là nửa ngày, sau khi các tư lệnh ngành hoàn thành phần trả lời chất vấn trước QH. 

Sau khi các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, QH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chính phủ, các Bộ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; cũng như yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo QH tại các Kỳ họp sau.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh