CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:28

Niềm tin vững bước

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu ghi nhận: "Đây là năm thứ 2 liên tiếp, 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đều đạt và vượt. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của toàn ngành LĐ-TB&XH. Để có được kết quả như trên, tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết nhất trí, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu".

Niềm tin vững bước - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ân cần gửi lời thăm hỏi, tri ân sâu sắc tới các thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng.

Bứt phá, chuyển động mạnh các lĩnh vực

Năm 2019, kiên định với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả", Bộ LĐ-TB&XH xác định nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo là: "Tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội".

 Từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ đã quyết tâm chỉ đạo bứt phá, chuyển động mạnh mẽ, đẩy mạnh cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện đổi mới và kiến tạo thông qua một hệ thống chính sách pháp luật hoàn thiện phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  Đã hoàn thành 100% văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách lao động, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội (gồm 3 văn bản cấp Quốc hội, 19 văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 33 văn bản cấp Bộ; ban hành Chương trình công tác năm 2019 với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 109 nhiệm vụ, đề án cụ thể). Trong đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động, 1 Nghị quyết gia nhập Công ước 98; Chủ tịch nước ban hành 1 Quyết định gia nhập Công ước; Chính phủ ban hành 4 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định...

Niềm tin vững bước - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản chương trình "lao động kỹ năng đặc định" giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi (ngày 1/7/2019 tại Tokyo).

Việc lãnh đạo, điều hành vừa quyết liệt vừa linh hoạt thể hiện rõ nét ở những lĩnh vực trọng tâm của ngành. Cụ thể, trong giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động, định kỳ xuất bản các báo cáo xu hướng lao động, xã hội; xu hướng việc làm, các bản tin cập nhật về thị trường lao động; thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và phát triển các thị trường ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông, Châu Âu...). Đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia) tiếp tục được tăng cường quản lý, chấn chỉnh để ổn định và phát triển bền vững.

Năm 2019 cả nước đã tạo việc làm cho 1.650 nghìn người, đạt 103,2% kế hoạch, bằng 100,1% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước cho khoảng 1.508 nghìn người; đưa 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ  lao động qua đào tạo ước đạt 61 - 62%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%..

Trong lĩnh vực người có công, toàn ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tặng quà Tết của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến hơn 1,7 triệu đối tượng người có công với tổng kinh phí hơn 362 tỷ đồng; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.  Bộ cũng hỗ trợ trên 500 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm.

Niềm tin vững bước - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 63 Ủy ban địa vị Phụ nữ liên hợp quốc (CSW 63) tại New York, Hoa Kỳ.

Thực hiện các giải pháp đột phá, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN hội nhập quốc tế; thực hiện hiệu quả Dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020), Đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 và các chương trình, dự án khác về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Kết quả là tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45, đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay, với 1 Huy chương Bạc và 8 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ cho 2.338 nghìn người, đạt 103,5% kế hoạch. Hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800 nghìn lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, đạt 100% kế hoạch. Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam đã tăng 13 bậc, được đánh giá tăng nhanh nhất trong khối ASEAN (Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019).

Điểm sáng nhất năm 2019 trong công tác an sinh xã hội là giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 29% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 - 4% so với cuối năm 2018, 125 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020; 8/64 huyện nghèo ra khỏi Nghị quyết 30a, góp phần hoàn thành 12/12 chỉ tiêu  phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao.

Niềm tin vững bước - Ảnh 4.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ký Quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và lĩnh vực NCC và xã hội.

Công tác cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân tiếp tục có những chuyển động mạnh. Bộ đã rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Khai trương và tập huấn phần mềm tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, cử tri.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Bộ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em 2016. Trước những vụ việc xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có những văn bản yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Đánh giá công tác này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khẳng định: "10 năm qua, chúng ta thay đổi nhận thức rất nhiều, trong đó có một thay đổi rất quan trọng đó là thay đổi nhận thức của người đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự thay đổi này đã hiện hữu trong từng gia đình. Đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân cũng như toàn cơ quan chuyên môn trong công tác bình đẳng giới"… Những kết quả đạt được năm 2019 của ngành LĐ - TB&XH đã tạo một niềm tin chắc chắn, góp phần để Việt Nam vững bước gặt hái thành công trong năm 2020.

Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt từ vai trò người đứng đầu

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ, công tác năm 2020 của ngành LĐ-TB&XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH. "Đây là năm thứ 2 liên tiếp phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của toàn ngành LĐ-TB&XH. Để có được kết quả như trên, tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết nhất trí, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu. Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến, chung sức, chung lòng của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành LĐ-TB&XH", như Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận.

Điểm nổi bật trong năm 2019 là lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã quyết tâm chỉ đạo, tạo sự bứt phá, đổi mới sáng tạo từ tư duy đến hành động. Thực tế đã chuyển động mạnh mẽ, mở ra một tương lai mới cho lĩnh vực LĐ-TB&XH. Bộ trưởng đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 đột phá của ngành là xây dựng thể chế, hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, nâng cao chất lượng GDNN; (2 ưu tiên) là giải quyết tồn đọng trong xác nhận người có công và tăng cường công tác chăm sóc trẻ em. Bộ trưởng cũng tập trung thúc đẩy công việc nhanh hơn với chất lượng cao hơn để đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành và 11 chỉ tiêu do ngành đặt ra.

Ngoài việc chỉ đạo điều hành chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp, người lao động, người nghèo, người có công với nước. Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định: Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động để huy động và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, tạo sự chuyển động thật sự thị trường lao động một cách đồng bộ, lành mạnh. Các chủ trương, chính sách và hành động của ngành LĐ-TB&XH đều nhằm tới mục tiêu xây dựng một lực lượng lao động kỹ thuật cao, có trình độ, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Niềm tin vững bước - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các em học sinh tại Lễ phát động Tháng hành động vì Trẻ em năm 2019.

Chuẩn bị cho dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, ông chủ động đi nhiều nơi yêu cầu các đơn vị và cán bộ chuyên môn cùng đến nhiều doanh nghiệp nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người lao động từ công nhân, thợ lò, sinh viên trường nghề đến lao động đặc thù… Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thường thu xếp lịch công tác, xuống từng thôn bản, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển để  tìm giải pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, chỉ đạo quyết liệt không để người dân tái nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Với vai trò Tư lệnh ngành, người đứng đầu, ông đã nêu cao trách nhiệm và truyền lửa nhiệt huyết đến cán bộ cấp dưới. Ông luôn nhắc nhở: Chúng ta đang đảm nhiệm 14 nhiệm vụ vì sự phát triển chung của xã hội. Dù khó khăn đến đâu, các đơn vị, địa phương cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhìn lại kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm 2019 ở tất cả các lĩnh vực, các công tác của ngành LĐ-TB&XH đều chứng kiến nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Các nhiệm vụ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động, bình đẳng giới… đều đạt, vượt kế hoạch, có bước tiến nổi trội so với năm 2018.

Với 4 năm liên tiếp cán đích hoàn thành 100% các chỉ tiêu nhiệm vụ, chương trình công tác của Chính phủ giao, ngành LĐ-TB&XH đã góp phần cùng cả nước hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 mà Quốc hội giao. Với trách nhiệm là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn đưa ra các nhóm giải pháp để giải quyết từng khâu, từng bước rất khoa học và chặt chẽ cho từng lĩnh vực công tác để ngành LĐ-TB&XH có những chuyển động mạnh mẽ, đổi mới, liên tiếp đạt, vượt chỉ tiêu.

"Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 5,23%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh, năng suất lao động được cải thiện; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm; cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực". Trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

10 sự kiện tiêu biểu ngành LĐ-TB&XH năm 2019

1. Năm 2019, cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Quốc hội đề ra, trong đó ngành LĐ-TB&XH đóng góp 3/12 chỉ tiêu.

2. Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 thông qua với nhiều nội dung lớn, quan trọng, có tác động tất cả các thành phần kinh tế.4. Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO, kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, với chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh và ILO với lý tưởng chung hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người.

5. Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương 500 thương binh nặng từ 81% trở lên và trao 783 Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình và thân nhân liệt sĩ.

6. Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thành công Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề "Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".

7. Năm 2019, cả nước đưa 148 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đạt trên 550 nghìn người, hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

8. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn dưới 29%.

9. Trong năm 2019, cả nước tạo việc làm cho 1 triệu 635 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,12%.

10. Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh, năm 2019 có 280 nghìn người tham gia, đưa tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cả nước đạt 545 nghìn người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra 2 năm.

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh