CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:10

Những yếu tố người tìm việc quan tâm ở một thương hiệu tuyển dụng

Những yếu tố người tìm việc quan tâm ở một thương hiệu tuyển dụng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các yếu tố thu hút, giữ chân nhân tài

Theo kết quả khảo sát về tầm quan trọng của 6 yếu tố liên quan đến thu hút và giữ chân nhân tài, góc nhìn của người lao động cho thấy “chất lượng đội ngũ lãnh đạo” quan trọng hơn cả những yếu tố mang đến lợi ích cho nghề nghiệp và cuộc sống của người lao động.

Theo đó, các yếu tố được đánh giá quan trọng nhất trong việc thu hút và giữ chân nhân tài được xếp lần lượt là: Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, Văn hóa và giá trị cốt lõi, Phúc lợi nhân viên, Chất lượng công việc cuộc sống, Uy tín doanh nghiệp, Cơ hội phát triển.

Chân dung “Đội ngũ lãnh đạo chất lượng” được xác định bởi hai yếu tố quan trọng nhất là: Tầm nhìn truyền cảm hứng, Chiến lược rõ ràng; Gắn kết nhân viên tốt. Trong khi đó, khảo sát kỹ hơn về yếu tố “Văn hóa và giá trị cốt lõi”, người lao động cho thấy các yếu tố được họ ưu tiên cao nhất đều liên quan đến phong cách, văn hóa hành xử tại nơi làm việc hơn là các yếu tố liên quan đến tập thể như tinh thần đội nhóm hay sự gắn kết.

Đánh giá theo mức độ quan trọng, 3 điều người lao động kỳ vọng cao nhất trong “Văn hóa và giá trị cốt lõi” của doanh nghiệp lần lượt là: Công bằng, tôn trọng; Đáng tin cậy, rõ ràng; Tác phong làm việc chuyên nghiệp. Xếp theo sau đó là các yếu tố: Được công nhận và khen thưởng; Cởi mở thân thiện; Tinh thần làm việc đội nhóm; Sáng tạo và năng động; Đa dạng, gắn kết và hòa nhập.

Vượt qua lương thưởng, vấn đề bảo hiểm và trợ cấp được người lao động đánh giá là quan trọng nhất trong yếu tố “Phúc lợi nhân viên”. Các phúc lợi liên quan đến tài chính tuy không còn xếp hạng cao nhất về tầm quan trọng, nhưng vẫn là yếu tố hấp dẫn trong việc thu hút người tìm việc, mức độ quan trọng được xếp hạng lần lượt là: Thu nhập hấp dẫn trong tương lai; Công việc đảm bảo được ổn định; Mức lương cạnh tranh cơ bản; Thưởng hấp dẫn, và cuối cùng là Tăng lương thường xuyên.

Những yếu tố thu hút ứng viên theo ngành nghề

Khi xét theo từng nhóm ngành nghề nổi bật, có thể thấy các yếu tố quan trọng thu hút người lao động đều liên quan đến cách doanh nghiệp đối xử, đãi ngộ với nhân viên. Theo đó, 3 yếu tố: Công bằng, tôn trọng; Các loại bảo hiểm và trợ cấp; Phát triển bền vững đều có mặt trong top 5 yếu tố quan trọng thu hút ứng viên.

Yếu tố “Thu nhập hấp dẫn trong tương lai” được các ứng viên của ngành Hành chính/Văn phòng xếp tầm quan trọng ở vị trí thứ 4/5, và nhóm Tài chính/Kinh doanh xếp ở vị trí quan trọng thứ 2/5.

Trong khi đó, một số ngành nghề như Công nghệ và kỹ thuật; Ngành dịch vụ nói chung; Sản xuất và Xây dựng,… lại không đưa yếu tố “Thu nhập hấp dẫn trong tương lai” vào trong top 5 yếu tố thu hút. Thay vào đó, các ngành nghề này lại tiếp tục lựa chọn yếu tố liên quan đến văn hóa hành xử là: Đạo đức và liêm chính.

Khác biệt và đồng thuận quan điểm ở các thế hệ X,Y,Z

Thống kê từ khảo sát cho thấy, nhóm nhân tài thuộc thế hệ càng trẻ thì càng coi trọng các yếu tố liên quan đến điều kiện và môi trường làm việc hơn hẳn so với thế hệ tiền nhiệm. Theo đó, nhóm thế hệ Z (1996 - 2000) đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố này nhiều hơn hẳn nhóm thế hệ Y (1981 - 1995) và nhóm thế hệ X (1965 - 1980).

Các yếu tố liên quan đến điều kiện và môi trường làm việc trong khảo sát cụ thể là: Tính đa dạng, gắn kết, hòa nhập; Lộ trình thăng tiến rõ ràng; Phạm vi công việc rộng và có nhiều cơ hội thăng tiến; Cơ sở vật chất đầy đủ, hỗ trợ quá trình làm việc; Công việc thú vị, nhiều trải nghiệm; Chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cả 3 thế hệ đều đồng quan điểm về tầm quan trọng của “Phát triển bền vững”. Các thế hệ thể hiện sự đồng quan điểm khi được hỏi đánh giá các yếu tố hấp dẫn của doanh nghiệp. Theo đó, yếu tố “Phát triển bền vững” được hơn 80% người tham gia khảo sát của cả ba nhóm bình chọn là quan trọng ở mức độ khác nhau (quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng). “Phát triển và trao quyền cho nhân viên” là yếu tố quan trọng tiếp theo khi nhận được khoảng 75% của cả ba nhóm. Chỉ gần 1/2 ứng viên của cả ba nhóm cho rằng “Quy mô, doanh thu lớn” của công ty là quan trọng.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh