THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:55

Những "vấp ngã" ngày đầu

.

Dạo đó tôi mới làm phóng viên của một Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương. Hôm đi tác nghiệp, tôi chuẩn bị đầy đủ phương tiện máy ảnh, máy ghi âm, sổ tay... để thực thi bài viết về một hội nghị rất quan trọng. Tôi đến hội trường khá sớm, chọn góc đẹp nhất và không quên lắp bộ pin mới để ghi âm cho rõ.

          Từ hội nghị về đến nhà chưa kịp ăn cơm, tôi giở tư liệu ra viết bài. Tôi mở máy ghi âm: “Kính thưa các vị đại biểu! Đến dự hội nghị hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu... reng reng... alo... tôi nghe đây. Chiều nay là... Mười bảy giờ tại quán Gió. OK. Lại có cả tiếng vỗ tay. Tuy gặp phải nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường... rẹc rẹc... rẹc rẹc... ai đấy? Cái gì, chỉ có mười phần trăm thôi à? Không chịu thì thôi, không còn hàng đâu... Toàn ngành chúng ta đã và đang phát huy cao độ tinh thần.... Xin chân thành cảm ơn quý vị, tôi xin tuyên bố bế mạc hội nghị”. May mà tôi còn xin được bản viết nên vẫn xử lý được bài viết dù không có đoạn trích âm trên sóng phát thanh. Những đây đúng là sự cố đầu tiên trong đời làm báo của mình.

          Thời gian sau tôi chuyển qua là báo giấy, được phân công đi dự một lễ hội khá lớn. Sân khấu chật nên người ta chỉ chừa cho các nhà báo một khoảng nhỏ nhỉnh hơn chiếc chiếu để chụp hình, quay phim. Sự kiện diễn ra, các nhà báo thi nhau xông lên, ai cũng muốn được đứng ở vị trí đẹp để chụp hình. Tôi cũng chen nhưng vừa giơ máy lên thì đã bị kéo ngã lăn quay ra đất. Tôi đứng dậy định chửi kẻ đã làm mình ngã, thì thấy một nắm đấm dứ dứ trước mặt, lại có cả tay bảo vệ, giơ ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng. Sau anh ta kéo tôi ra bảo:

   - Cô phải biết người ta là truyền hình, lại đang quay phát trực tiếp. Cô làm ở báo giấy đứng xa chụp cũng tốt rồi. May là mới chỉ bị kéo ngã thôi đấy. Lần sau nhớ rút kinh nghiệm đừng đứng chắn ngay ông kinh nhà đài.         

Áp lực bài vở luôn là sự ám ảnh với người làm báo, nhất là cánh phóng viên trẻ với thói quen nước đến chân mới nhảy. Lần ấy, đã gần hết tháng mà chỉ tiêu chưa đạt, đề tài lại không có, tôi đang loay hoay tìm cách thì nhận được một tờ báo biếu của một tỉnh Tây Nguyên. Tờ báo đó có đăng bài viết của tôi. Đọc một lượt thấy có tin hót về nạn trộm cắp cà phê đang xảy ra tràn lan, người dân bức xúc trong khi chính quyền gần như bó tay. “Đói ăn vụng”, thiếu chỉ tiêu đành phải viết liều. Tôi quyết định ăn theo tin nóng kia bằng việc, lục lọi tư liệu chắp vá thành một phóng sự về nạn trộm cắp cà phề trên Tây Nguyên. Bài viết có miêu tả thực trạng, hậu quả, kiến nghị của người dân cùng giải pháp cần có... Nghĩa là rất chuẩn về mặt cấu tứ. Bài viết được đăng nhưng chỉ sau đó mấy ngày đã nhận được rất nhiều phản hồi và toàn thuộc loại tiêu cực. Rằng số liệu không chính xác, các địa danh trong bài viết cũng nhầm lẫn lung tung từ tỉnh nọ qua tỉnh kia. Quan trọng nhất là chưa đến vụ thu hoạch cà phê nên không thể có nạn trộm cắp như bài báo viết. Bị yêu cầu giải trình, tôi đọc kỹ lại tin nọ thì mới biết tin đó viết về việc chuẩn bị cho mùa thu hoạch cà phê an toàn, tránh nạn trộm cắp vẫn thường xảy ra như những năm trước đây.

          Sau bài học trên, tôi tưởng mình đã có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn mắc những lỗi khác. Chẳng là tòa soạn muốn có bài phỏng vấn về một doanh nhân trẻ khá nổi tiếng về kinh doanh nông nghiệp. Khổ nỗi anh này không thích trả lời phỏng vấn hay viết bài về mình. Khi Trưởng ban nêu vấn đề tôi xin nhận ngay và cả tuần tìm mọi cách liên hệ, thậm chí tìm đến cả nhà riêng nhưng vẫn không thể tiếp cận được đối tượng. Bạn tôi mách nước:

   - Mày cứ tự đặt câu hỏi, tự trả lời rồi gửi cho anh ta.

          Tôi làm theo, nhưng tất cả vẫn bặt vô âm tín. Thời hạn nộp bài đã đến, bạn tôi lại xui:

   - Mày gửi lại bài phỏng vấn một lần nữa và nhớ ghi ở cuối, nếu không trả lời thì coi như đã đồng ý.

          Bài phỏng vấn đã được đăng khá hoành tráng. Nhiều người trong cơ quan tỏ ra ghen tị vì tại sao một phóng viên trẻ như tôi lại có thể tiếp xúc để trò chuyện thoải mái như vậy với doanh nhân nổi tiếng. Mấy tháng sau vẫn không thấy có phản ứng gì, tôi an tâm. Thế rồi, trong buổi gặp mặt các doanh nhân trẻ thành đạt. Tại tiệc chiêu đãi, tôi vô tình ngồi cùng bàn với doanh nhân mà mình đã từng phỏng vấn ảo hôm nào. Khi biết tôi là tác giả bài phỏng vấn, anh ta không bực bội hay phản ứng mà chỉ nhắc khéo:

   - Em đã làm khó anh.

   - Sao vậy?

   - Em bảo tôi khoe về gia đình hạnh phúc, vợ trẻ đẹp đảm đang, các con ngoan ngoãn học giỏi!

   - Vâng!

   - Nhưng tôi còn chưa có vợ mà. Lần đó bạn gái tôi hiểu nhầm đòi chia tay đấy, cũng may sau cô ấy hiểu ra.

          Bây giờ đã trưởng thành, tôi không còn vấp phải những bệnh như trên nữa. Tuy nhiên tôi luôn nhớ về những việc đã xảy ra để răn mình, để ngày càng thêm hoàn thiện trong nghề nghiệp mà tôi yêu thích.

Đào Hiền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh