Những trường hợp được nghỉ hưu sớm từ 1/1/2021
- Dược liệu
- 14:43 - 31/12/2019
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong Bộ Luật Lao động 2019 được thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Một trong những quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 là tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Tuy nhiên, bộ luật này cũng đồng thời quy định một số trường hợp được nghỉ hưu sớm và muộn hơn.
Cụ thể, Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ:
- Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về những người được nghỉ hưu sớm và nghỉ hưu muộn hơn.