THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Những tình nguyện viên thầm lặng

Các tình nguyện viên luôn thể hiện sự thân thiện và tác phong chuyên nghiệp khi giao tiếp với đại biểu.


 

“Khó hơn thi Idol”

Đó là các sinh viên đến từ Học viện Ngoại giao được lựa chọn và chuẩn bị kỹ cả về kiến thức cũng như trong giao tiếp để phục vụ cho Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan (SOM2) đã diễn ra trong những ngày qua. Có 170 thành viên được chuẩn bị kỹ càng cả về kiến thức và nghiệp vụ.

Chia sẻ với phóng viên, sinh viên Đỗ Phương Linh, Khoa Tiếng Anh, Học viện Ngoại Giao, Trưởng nhóm tình nguyện viên cho biết: Được tuyển chọn tham gia phục vụ hội nghị lần này là niềm vinh dự và tự hào của chúng em. Tình nguyện viên có nhiệm vụ hỗ trợ các đại biểu tham dự hội nghị. Quy trình tuyển chọn cũng rất khắt khe với các buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh cũng như cách xử lý các tình huống có thể xảy ra cũng như kiến thức không chỉ về Việt Nam mà còn là phong tục tập quán của nước bạn...

Để tránh mọi sơ suất đáng tiếc, mỗi tình nguyện viên còn được tìm hiểu về đặc điểm kinh tế, văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng người dân thuộc các nền kinh tế APEC. Ngoài áo dài truyền thống, tình nguyện viên còn chuẩn bị sẵn trang phục công sở như áo sơ mi, váy ngắn để phù hợp với từng buổi đón khách. Đặc biệt, là những người trực tiếp phục vụ ở Trung tâm hội nghị Quốc gia, những tình nguyện viên ngoài khả năng tiếng Anh tốt phải hội đủ các tiêu chuẩn về chiều cao, hình thức ưa nhìn; nhiệt tình, khả năng ứng xử tình huống tốt. Chỉ thiếu một trong các tiêu chuẩn trên coi như bị loại.

“Dù rất đông các bạn tham gia phỏng vấn nhưng đến cuối cùng chỉ chọn được 170 người đủ tiêu chuẩn. Chúng tôi vẫn nói vui là thi tuyển khó hơn cả thi Thần tượng Việt Nam”, Phương Linh nói.

“Chúng tôi rất tự hào khi được phục vụ hội nghị tầm cỡ thế này. Mỗi người đều luôn tự nhủ, với vai trò là chủ nhà, cùng với Ban tổ chức, các tình nguyện viên cũng phải thể hiện sự thân thiện và tác phong chuyên nghiệp khi giao tiếp với các đại biểu quốc tế. Không có cá nhân mà tấp cả đều phải làm việc theo nhóm, chia sẻ với mọi người về những khó khăn, những kinh nghiệm trong quá trình làm việc”. - Phương Linh chia sẻ.

Trưởng nhóm Đỗ Phương Linh (áo sẫm) chia sẻ kinh nghiệm với bạn cùng nhóm.

 

Đang hối hả chuẩn bị tài liệu cho một sự kiện, sinh viên Nguyễn Hồng Ngọc, Khoa Kinh tế chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tham gia tình nguyện ở một Hội nghị quốc tế lớn, trong lớp thì em là một trong năm sinh viên được chọn để làm tình nguyện viên. Công việc ở hội nghị này là hỗ trợ cung cấp tài liệu cho phóng viên báo chí trong suốt thời gian tác nghiệp... Nguyễn Hồng Ngọc cho biết thêm, để hoàn thành tốt được công việc được giao, các thành viên trong nhóm phải rất chú ý đến cách ứng xử của bản thân, đặc biệt trong giao tiếp phải mềm mỏng, tạo không khí thoải mái khi làm việc. “Thú vị nhất là cơ hội được trò chuyện và giúp đỡ những đoàn đại biểu đến từ 21 nền kinh tế trên thế giới. Đây là dịp may hiếm có, sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho tôi”, Ngọc tâm sự.

Trong những ngày làm việc của Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan (SOM2)  diễn ra vừa qua, các thành viên trong nhóm tình nguyện đã học hỏi được rất nhiều. Đó không chỉ là cách làm việc nhóm, cách cư xử trong giao tiếp mà điều quan trọng đó là luôn chủ động tiếp cận đại biểu ngay khi họ xuống cửa xe và trả lời các câu hỏi của đại biểu quốc tế khi họ cần tìm hiểu về địa điểm phòng họp cũng như những vấn đề khác...

Tự hào khi giới thiệu về Việt Nam

Với 170 tình nguyện viên nhưng được chia thành nhiều nhóm với nhiệm vụ hỗ trợ các đại biểu ở các lĩnh vực khác nhau. Người thì ở khách sạn, người thì trên xe hướng dẫn, người thì đưa đón đoàn thì ở sân bay. Tình nguyện viên Nguyễn Thanh Xuân có nhiệm vụ hỗ trợ đón đại biểu quốc tế từ sân bay Nội Bài hào hứng chia sẻ, bản thân em phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua hàng nghìn sinh viên của Học viện Ngoại Giao đăng ký phục vụ hội nghị.

Các tình nguyện viên luôn có tác phong chuyên nghiệp.

 

"Kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, có rất nhiều vị khách nước ngoài đặt những câu hỏi khó về Việt Nam khiến các tình nguyện viên lúng túng không biết xử trí thế nào. Là người Việt Nam, trước tiên phải hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nhất định, tôi sẽ không bỏ qua cơ hội này để quảng bá hình ảnh VN trước bạn bè quốc tế. Trong những ngày qua, mỗi khi hướng dẫn đại biểu trên xe thì chúng em tranh thủ giới thiệu các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội cho các đại biểu”, tình nguyện viên Nguyễn Thảo Linh chia sẻ.

Trần Thị Lê Ngân, Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại Giao cho biết em và những người bạn tình nguyện viên của mình đã rất hào hứng chuẩn bị cho những chuỗi ngày tất bật với công việc với những trải nghiệm đáng nhớ.

Với công việc hướng dẫn và hỗ trợ đại biểu vào thời điểm trước, trong và sau mỗi cuộc họp, mỗi ngày sẽ có những buổi họp khác nhau được tổ chức. Em và các bạn trong nhóm phải nắm rõ về mọi sự thay đổi, những buổi họp song phương bổ sung, kể cả lịch trình của các đoàn đại biểu khi cần thiết để theo đoàn cho kịp thời. Được hỏi về điều em cảm thấy thú vị nhất trong công việc tình nguyện lần này, Lê Ngân cho biết đây là cơ hội khám phá và học hỏi những điều mình chưa từng biết, chưa từng làm và chưa từng trải nghiệm, tham gia vào môi trường chuyên nghiệp được trau dồi ngoại ngữ, tình nguyện viên Lê Ngân chia sẻ. 

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh