Những phận đời mưu sinh trong đêm
- Bài thuốc hay
- 18:00 - 23/03/2021
"Cửu vạn" là tên mà người ta hay gọi những lao động thường xuyên bốc vác hàng thuê, là nghề nặng nhọc, vất vả vả bấp bênh.
Cửu vạn là nghề đặc thù không phân biệt tuổi tác, giới tính… có người từ quê mới lên thành phố chưa tìm được việc làm phù hợp, sinh viên mới ra trường, có người trước mùa dịch COVID-19 đang có công việc ổn định nhưng sau dịch bị mất việc làm do công ty đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự… có người đã ngoài 60, 70 tuổi nhưng vẫn nặng gánh về cơm, áo, gạo, tiền.
Những phận đời mưu sinh trong đêm
Mỗi tối bắt đầu từ 19 giờ, các xe tải chở hàng nông sản từ các tỉnh kéo về tập kết tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức) trên xe chất đầy các loại hàng nông sản, từ rau củ, trái cây… cũng là lúc hàng nghìn cửu vạn bắt đầu công việc của mình.
Ngồi nghỉ sau khi bốc những thùng trái cây từ xe container xuống, vừa vắt chiếc khăn cũ thấm đầy mồ hôi, anh Trần Văn Vương (46 tuổi) cho biết, anh làm nghề cửu vạn được hơn một năm nay, cũng chính là khoảng thời gian thất nghiệp sau đợt COVID-19 đầu tiên.
"Trước khi đến chợ đầu mối Thủ Đức tôi là bảo vệ cho một nhà hàng lớn ở quận 1 với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, dịch COVID-19 bùng phát, nhà hàng đóng cửa một thời gian dài rồi đóng cửa luôn. Mất việc làm tôi cũng đã chạy khắp nơi xin việc nhưng không ai nhận vì các nhà hàng, khách sạn đều đóng của hoặc cắt giảm nhân sự. Tôi được người bạn cùng quê Sóc Trăng giới thiệu đến làm nghề bốc vác thuê tại đây. Mỗi đêm thu nhập cũng được 150.000 - 200.000 đồng, tạm đủ trang trải qua ngày", anh Vương cho biết.
Không chỉ anh Vương mà kể từ sau đợt dịch COVID-19 số người tìm đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức làm thuê khoảng 500 người, đa số đều là lao động trung niên mất việc làm sau dịch COVID-19 nhưng không xin được việc làm mới phù hợp. Vì là những người đến sau không quen việc, không có mối, việc nhẹ không ai cần, việc vừa sức thì đã đủ người, nên hầu hết họ phải làm việc nặng nhọc mới mong có đủ tiền lo cho cuộc sống.
Với họ lúc này có việc để làm, có thu nhập thì nặng nhọc mấy cũng phải cố gắng vì không còn lựa chọn nào tốt hơn khi ngày ngày gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền vẫn nặng trĩu đôi vai.
Cùng nhau vượt qua khó khăn
Anh Châu Thanh Quốc, Tổ trưởng Tổ bốc vác hàng ở chợ nông sản Thủ Đức cho biết, số lao động làm việc có hợp đồng lao động tại chợ là hơn 1.000 người. Những lao động này được Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức và công ty đối tác chi trả lương hàng tháng và các phúc lợi đầy đủ. Mỗi tối họ làm việc từ 18 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Quốc, sau 2 giờ sáng là lúc những lao động tự do kéo đến chợ để bốc vác hàng cho các chủ vựa (thương lái), họ làm việc theo thỏa thuận với thương lái mà không có bất cứ hợp đồng nào. Với những lao động tự do họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những người tuổi trung niên mới vào nghề. "Sau dịch COVID-19 lượng lao động tự do đến tìm việc làm rất đông. Do mới đến tìm việc, vừa chưa quen việc, lại không có mối quen nên để có việc làm, có thu nhập là rất khó khăn", anh Quốc cho hay.
Nhìn người đàn ông gầy gò vác bao gạo đi liêu xiêu trong chợ, anh Quốc nói: Đó là ông Thành, mới đến làm được hơn 3 tháng. Những ngày đầu do vác hàng nặng lại chưa quen nên ông dừng nghỉ nhiều, được các anh em hỗ trợ nên đến nay cũng dần quen với công việc. Ở đây, dù vất vả, mệt nhọc nhưng ai cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng mưu sinh qua tháng ngày khó khăn.