Làm giàu từ nghề “mục đồng”
- Huyệt vị
- 13:49 - 11/02/2021
Nghề du mục giữa lòng thành phố
Ở bán đảo Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), những tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, các tuyến đường khang trang, nhộn nhịp đã được hình thành. Thế nhưng ở đâu đó giữa những bãi cỏ xanh um tùm, hình ảnh những đàn trâu đang miệt mài gặp cỏ vẫn còn ở đó. Đối với những du khách đến với TP. Hồ Chí Minh, đây là hình ảnh lạ nhưng với những công nhân, người dân trên địa bàn thì không ai còn xa lạ với câu chuyện những lão nông ngày ngày dẫn đàn trâu chinh phục những bãi cỏ xanh mơn mởn ở những khu đất hoang.
Ông Nguyễn Thái Tiến (42 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, vốn xuất thân từ miền Tây, quanh năm ruộng đồng nên cuộc sống luôn lâm cảnh bữa đói bữa no. Thương vợ, thương con, ông Tiến đành xa quê lên thành phố tìm nghề mưu sinh. Lên thành phố, ông may mắn xin vào công trình ở quận 2 (nay thuộc TP.Thủ Đức) làm thợ hồ. Từ các công trình nhà cao tầng, ông Tiến phát hiện giữa trung tâm thành phố có rất nhiều khu đất trống cỏ mọc xanh ùm tùm. Ông Tiến nghĩ về những bãi đất trống đầy cỏ xanh và nảy ra ý định lập nghiệp từ việc chăn thả trâu ở thành phố.
"Nghĩ là làm, tôi về quê vay tiền người thân, bạn bè để lên thành phố chăn nuôi. Mới đầu, nghe tôi nói ai cũng cười và nghĩ tôi không bình thường. Do vay được ít vốn nên tôi chỉ mua được 2 con trâu, 2 con bò về chăn thả. Môi trường sống tốt, nguồn cỏ dồi dào nên trâu, bò lớn nhanh và sinh sôi nảy nở thành đàn. Đến nay, dù đã bán bớt nhưng đàn trâu, bò của tôi vẫn hơn 40 con", ông Tiến kể.Tính ra mỗi con trâu, bò trưởng thành của ông có giá khoảng 25 -30 triệu đồng, mỗi năm ước tính thu nhập khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ riêng ông Tiến mà nhiều người dân khác, việc chăn trâu giữa lòng thành phố là nghề giúp họ kiếm sống, làm giàu. Không ít người dân đã vươn lên, thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng chính cái nghề tưởng chừng không mấy hy vọng ngay giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp.
Chinh phục vùng đất mới
Cũng là người chăn trâu du mục như ông Tiến, ông Văn Đức Tời (54 tuổi, quê Nghệ An) cho biết: Năm 1995, tôi vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, sau đó xuống Bình Dương làm việc rồi lập gia đình. Trải qua nhiều công việc nhưng thu nhập vẫn chật vật không đủ trang trải cuộc sống, tôi quyết định mua trâu về TP. Hồ Chí Minh chăn thả rồi cắm dùi tại bán đảo Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).
Những đàn trâu bò được ông Tời mua ở Campuchia khi còn nhỏ, gầy ốm rồi nuôi vỗ béo. "Trâu bò tôi thả ở đây cả ngày cũng không sợ mất. Chúng có tập tính sống theo bầy đàn nên không lo bị lạc", ông Tời cho hay.
Chia sẻ về khó khăn ban đầu, ông Tời nói: "Ngày đầu, tôi chưa biết nuôi nhưng thấy đồng cỏ xanh mướt, đất rộng nên nhân rộng thêm để chăn thả. Có những khi trâu bị bệnh là tôi ngủ không yên, chạy ra chạy vô chuồng thăm dò và có khi ngủ cạnh chuồng bò tới sáng. Dần dần theo thời gian, tôi biết được triệu chứng bệnh của chúng và tiêm thuốc phù hợp. Từ đó, tôi có kinh nghiệm hơn trong việc chăn nuôi".
Hiện đàn trâu, bò của ông Tời có 20 con trưởng thành, sắp tới được xuất hết đàn để mua đàn khác về chăn nuôi. Trung bình mỗi con được bán với giá 20 triệu đồng. Ước tính đợt này ông thu về khoảng 400 triệu đồng.
Thời gian tới, các công trình thi nhau mọc lên, không còn đất trống với những bãi có xanh mướt để thả trâu, ông sẽ chăn thả trâu ở đâu? Ông Tời vẫn lạc quan: "Bây giờ cỏ vẫn còn rất nhiều, nói hết chứ ít nhất cũng còn được chăn thả được 2, 3 năm nữa. Khi nào hết thật, tôi sẽ dắt chúng đi đến những vùng đất mới. Tôi đã khảo sát và thấy ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn... vẫn còn nhiều đất trống đầy cỏ xanh um tùm".
Từ ngày vào TP. Hồ Chí Minh và gắn bó với nghề chăn trâu, ông Tời rất hiếm khi về thăm quê. Thậm chí Tết đến, ông cũng chỉ thuê người giữ trâu theo tiếng để tranh thủ về ăn bữa cơm cùng gia đình. "Tôi gắn bó với nghề nuôi trâu quá lâu. Với tôi, đó không chỉ là nghề kiếm tiền mà còn là thói quen, là niềm vui. Nếu bỏ nghề tôi thấy đời mình thiếu đi một cái gì đó", ông Tời tâm sự.
Có thể nói, nghề "mục đồng" giữa trung tâm thành phố đã giúp những người nông dân không chỉ thoát nghèo mà con vươn lên làm giàu. Nhưng hiện nay, các công trình đang ngày càng mở rộng, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên nên diện tích đất trống bị thu hẹp, nguồn cỏ giảm nên những "mục đồng" chỉ để lại ở quận 2 một số ít trâu, bò, số còn lại họ đưa về các vùng ven như quận 12, Bình Chánh, Củ Chi… để làm trang trại.