Những nhà giáo tạo động lực cho học sinh và cộng đồng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:34 - 15/11/2018
Chương trình nhằm tôn vinh, ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của ngành giáo dục đào tạo Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu mong muốn các thầy giáo, cô giáo Thủ đô luôn phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, thực sự là người thầy được trân quý của học sinh, phụ huynh và của xã hội.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thay mặt lãnh đạo thành phố gửi lời chúc tốt đẹp đến các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố ghi nhận những đóng góp quý giá của các thầy cô được tuyên dương, đồng thời ghi nhận và tri ân những đóng góp thầm lặng của nhiều thế hệ thầy cô, những "anh hùng vô danh" tận tụy, cần mẫn đào tạo và dìu dắt nhiều thế hệ học sinh.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn các thầy giáo, cô giáo Thủ đô luôn phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nhân cách, đạo đức, nghề nghiệp, thực sự là người thầy được trân quý, được tri ân cao nhất của học sinh, phụ huynh và của xã hội.
Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 2 Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” được tổ chức. Năm nay, Hội đồng chuyên môn ghi nhận, các sáng kiến, sáng tạo có chất lượng tốt, thiết thực và được áp dụng ngay được trong công tác dạy và học. Đó là những bộ đồ dùng, dụng cụ học tập tự chế phục vụ cho các hoạt động thí nghiệm theo từng bài học; là sự thay đổi nhỏ trong phương pháp truyền tải kiến thức theo môn học cụ thể hay sự điều chỉnh phương pháp giảng dạy với từng đối tượng học sinh…
TS Chử Xuân Dũng (bên phải), Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và Tổng Giám đốc hệ thống giáo dục HOCMAI trao giải thưởng cho các nhà giáo Hà Nội.
Những sáng kiến này không còn chỉ nằm trong ý tưởng, trên giấy mà đã được các thầy cô tâm huyết hiện thực hóa thành sản phẩm cụ thể. Điểm sáng có thể kể đến như: Máy chiếu vật thể đa năng của thầy Đàm Bạch Long, trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm) hay hàng loạt sáng tạo trong phương pháp: dạy theo trạm, phương pháp đóng vai, dạy theo dự án (dự án vật lý và âm nhạc, dự án tác dụng của dòng điện...) cùng nhiều sản phẩm trực quan tự chế phục vụ cho môn học như: kính tiềm vọng, lắp đặt ròng rọc, bộ thí nghiệm chưng cất nước… của cô Nguyễn Thị Mai, THCS Mai Dịch (Cầu Giấy).
Giải pháp cụ thể cho từng môn học cụ thể cũng tạo ra những điểm nhấn cho Giải thưởng năm nay. Những môn học được liệt kê vào hàng “khó nhằn” hay môn phụ đã được các thầy cô tìm ra hướng đi hay để đồng hành tích cực cùng học sinh như: học Văn thông qua trải nghiệm của cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa); mô hình lớp học Toán khơi gợi cảm xúc tích cực của thầy Phạm Thế Mạnh, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy); chương trình “Văn vui vẻ” của cô Phạm Thu Hà, trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ); phương pháp “Kỷ luật tích cực” trong môn Giáo dục công dân của cô Dương Thu Trang, Trường THPT Hồ Xuân Hương; thiết bị dạy học tự tạo môn Giáo dục Quốc phòng của thầy Trần Bá Thọ, Trường THPT Trần Đăng Ninh hay một số thiết bị tự tạo cho môn Giáo dục Thể chất thầy Trịnh Quốc Tuấn, Trường THPT Yên Lãng.
Giải thưởng năm nay cũng ghi nhận những sáng tạo trong đổi mới phương pháp giáo dục trẻ đặc biệt, hướng tới những giá trị nhân văn trong giáo dục. Tiêu biểu như: cô Dương Thu Hà, THPT Lê Lợi (Hà Đông) với thiết bị PSE giúp trẻ mắc Hội chứng Down học đọc; cô Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu hay cô Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh với sự đổi mới trong cách quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật.
Bên cạnh đó, sự tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng, 3 nhà giáo tiêu biểu đã giành giải chuyên đề hay. Theo đó, thầy Đàm Bạch Long, trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm) với “Sản phẩm khoa học ứng dụng”; cô Nguyễn Thị Mai, trường THCS Cầu Giấy với “Sản phẩm khoa học đổi mới, sáng tạo” và cô Dương Thu Hà, trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) với “Sản phẩm khoa học tiềm năng”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đến dự và chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà giáo tiêu biểu nhận giải thưởng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng chuyên môn Giải thưởng: “Thay đổi cũng là sáng tạo chứ không nhất thiết phải là cái gì đao to búa lớn, hình thức. Đó có thể là những sáng tạo tưởng chừng rất đơn giản, dễ làm nhưng có tác động tích cực đến học sinh, nhà trường, phụ huynh, đến chương trình dạy. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, từng cái nhỏ sẽ dẫn tới một cái lớn vững chắc hơn”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, thành viên Hội đồng chuyên môn, cho rằng, tiêu chí sáng tạo của Giải thưởng hàng năm vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đặt ra yêu cầu giáo viên luôn phải vận động, sáng tạo và thay đổi trong quản lý và giảng dạy nếu không muốn tụt hậu. Thêm nữa, sáng tạo dù chỉ thay đổi nhỏ cũng là sáng tạo, miễn nó có tác động tích cực đến chương trình, nhà trường, học sinh và phụ huynh. Quan trọng là, giáo viên luôn giữ tinh thần sáng tạo, thay đổi tư duy mọi lúc, mọi nơi để đạt được hiệu quả giảng dạy tốt.
Năm nay, Hệ thống giáo dục HOCMAI tiếp tục là đơn vị đồng hành cùng Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Hà Nội tổ chức Giải thưởng. Thông qua hành trình kiếm tìm và vinh danh những nhà giáo tâm huyết và sáng tạo, HOCMAI mong muốn gửi gắm lời tri ân tới những các thầy, cô giáo - những con người vẫn ngày đêm miệt mài, tâm huyết với nghề.
“Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 2 đã ghi nhận 127 nhà giáo thuộc các trường từ khối Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn toàn thành phố đã có những cống hiến tâm huyết và sáng tạo nổi bật trong công tác giảng dạy năm học 2017-2018. |